Ngày 26/10/2018, văn bản số 6688/ĐKVN-VAR, do phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Trí gửi các đơn vị đăng kiểm, với nội dung tăng cường xử lý tình trạng phương tiện sử dụng đèn chiếu sáng phía trước có cường độ lớn sai quy định.

Trong nội dung công văn, Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các cơ quan đăng kiểm xe cơ giới kiên quyết từ chối đăng kiểm đối với những phương tiện có lắp thêm thiết bị điện, các trường hợp gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước, phía sau xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất.

Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về đèn chiếu sáng của Cục Đăng kiểm Việt Nam bắt nguồn từ việc nhiều người dùng tự ý lắp thêm đèn chiếu sáng cường độ lớn trên xe hơi, gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác lưu thông trên đường và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Tình trạng độ đèn pha, đèn sương mù hoặc lắp thêm đèn chiếu sáng cường độ lớn khá phổ biến, từ xe con tới xe khách, xe tải và cả xe máy, trở thành nỗi ám ảnh khi tham gia giao thông vào ban đêm. Nhiều người cảm thấy khó chịu vì xe đối diện bật đèn pha trong khu dân cư hoặc trên đường Quốc lộ.

Những loại đèn độ phổ biến có thể kể đến như LED cường độ cao, xenon hay dãy đèn LED bar, có ánh sáng gấp nhiều lần so với đèn nguyên bản của nhà sản xuất. Việc sử dụng tùy tiện các thiết bị trợ sáng và mở xuyên suốt có thể làm chói mắt người đi đối diện, làm mất tầm nhìn và dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Có được độ đèn hay không?

Nhiều ý kiến trái chiều về đèn xe hơi

Trên các diễn đàn, mạng xã hội và hội nhóm ôtô, có nhiều ý kiến bức xúc về tình trạng trên. Không ít tài xế đã gặp nạn khi bị xe độ đèn làm lóa mắt mất tầm nhìn.”Tôi từng bị xe đối diện làm chói mắt dẫn đến tai nạn giao thông. Trong một lần di chuyển chuyển trên QL80, hướng từ Đồng Tháp về Vĩnh Long, chiếc xe tải đối diện bật đèn pha cường độ mạnh khiến tôi chói mắt, mất tầm nhìn hoàn toàn”, anh Nguyễn Khắc Duy, một tài xế ôtô chia sẻ.

ánh sáng nhức mắt

“Chiếc xe đối diện chiếu thẳng đèn pha vào mắt tôi, cộng với trời mưa và đường trơn trượt, chiếc xe của tôi đã đâm thẳng vào một vụ tai nạn xảy ra trước đó. Rất may không có thiệt hại nào về người”, anh Duy nhớ lại.Trên các diễn đàn chơi xe ở Việt Nam, ngoài những ý kiến ủng hộ, cũng có một số thành viên cho rằng việc thay thế, lắp thêm thiết bị chiếu sáng trên ôtô là hợp lý.

Trên những đoạn quốc lộ không có đèn đường, người lái thường gặp khó khăn khi đi trong đêm. Trong khi nhiều mẫu xe nguyên bản có hệ thống chiếu sáng không cao khiến tầm nhìn của tài xế bị hạn chế, vì thế nhiều người chọn lắp thêm đèn trợ sáng hoặc thay thế bằng bóng đèn cường độ cao hơn.

Gắn đèn cường độ cao gây chói mắt Chiếc ôtô gắn đèn pha ở đuôi xe làm chói mắt người đi sau”Theo cá nhân tôi, việc độ thêm đèn trợ sáng là không có lỗi. Nhiều nhà sản xuất cắt giảm chất lượng đèn chiếu sáng, hoặc sử dụng bóng đèn halogen thay vì công nghệ LED để giảm giá thành xe, vì thế việc độ thêm hệ thống chiếu sáng là cần thiết. Quan trọng là người dùng cần có ý thức khi sử dụng và tôn trọng người đi đường”, anh Khắc Duy cho biết thêm.

Hình quàng cáo độ đèn ô tô

Trên một fanpage ôtô, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Một thành viên của fanpage cho rằng việc lắp thêm đèn cường độ cao hoặc dãy LED bar nhằm cảnh báo xe đi ngược chiều. “Tôi lắp thêm đèn để đá pha những xe đối diện không chịu hạ đèn, chứ không lắp chiếu sáng xuyên suốt”, thành viên này khẳng định.

Trong khi đó, số khác lại cho rằng dù với mục đích gì thì việc sử dụng đèn cường độ sáng quá lớn cũng rất nguy hiểm. “Chỉ cần bị chói mắt 1 2 giây thì cũng có thể gây tai nạn. Hãy nghĩ tới hậu quả của nó trước khi nghĩ tới cái lợi ích của nó mang lại, chưa kể đến việc nếu đấu lắp các loại đèn linh tinh có thể dẫn đến chập điện gây cháy nổ”, thành viên Duy Khánh phản pháo.

Độ đèn sai quy định bị xử phạt bao nhiêu?

Trả lời VOV, Ông Nguyễn Hữu Trí cũng thừa nhận việc kiểm tra đèn xe có đúng tiêu chuẩn hay không không khó. Nhưng khi đưa xe đi kiểm định, chủ xe tháo hết đèn độ, lắp đèn đúng tiêu chuẩn để kiểm định, sau khi qua kiểm định lại lắp đèn độ vào để chạy ngoài đường thì cơ quan đăng kiểm không xử lý được.

Để xử lý triệt để tình trạng trên, ngày 22/10, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có công văn gửi Cục Đăng kiểm cùng các đơn vị liên quan như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đề nghị tăng cường xử lý tình trạng phương tiện sử dụng đèn chiếu sáng có cường độ lớn, sai quy định.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Theo quy định tại Điều 5 và Điều 6, Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, việc sử dụng đèn chiếu xa trong khu đông dân cư có thể bị xử phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng đối với phương tiện ôtô, và từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với phương tiện môtô, xe máy”.

Về nguyên tắc, tất cả những xe độ đèn bi xenon, LED không đúng tiêu chuẩn sẽ không được đăng kiểm

Tuy nhiên mức xử phạt này chỉ áp dụng đối với xe sử dụng đèn chiếu xa (đèn pha) nguyên bản của nhà sản xuất. Còn đối với việc lắp thêm đèn trợ sáng hoặc đèn có cường độ cao là đã thay đổi kết cấu xe so với thiết kế của nhà sản xuất, mức xử phạt sẽ cao hơn rất nhiều, luật sư Hùng nói.

Cụ thể, theo quy định tại điều 30 khoản 9 của Nghị định Số: 46/2016/NĐ-CP về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, phạt tiền từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 – 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ôtô tự ý thay đổi kết cấu xe.

Theo Muasamxa.com