1. Điều khiển xe sử dụng điện thoại di động

Tình trạng người tham gia giao thông vừa điều khiển phương tiện môtô, xe máy vừa sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) đang xảy ra khá phổ biến, nhất là đối với giới trẻ.

Các hành vi như: nhắn tin, nghe điện, thậm chí là chụp ảnh trên ĐTDĐ khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường, là thói quen hết sức nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ TNGT “thảm khốc” trong thời gian vừa qua.

Vừa điều khiển môtô, vừa sử dụng điện thoại di động, đây là hành vi nguy hiểm - ảnh Thiên Ân st

Tại điểm c, khoản 3, Điều 30, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ: “Người điều khiển môtô 2 bánh, môtô 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng dù, ĐTDĐ, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính”.

Theo Nghị định 46/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Phạt tiền từ 100.000- 200.000đ đối với:

Người đang điều khiển xe sử dụng dù, ĐTDĐ, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính. Mặc dù, Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm và có chế tài xử phạt đối với người điều khiển môtô, xe máy vừa sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhưng tình trạng vi phạm vẫn còn phổ biến.

2. Không đi đúng làn đường, phần đường, chiều đi của mình

Tại khoản 1, Điều 9, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

Nghị định 46/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định: Phạt tiền từ 300.000- 400.000đ đối với: Người điều khiển môtô, xe gắn máy không đi bên phải theo chiều đi của mình.

Đi xe không đúng phần đường trên đường Nguyễn Tất Thành, phường 8, thành phố Cà Mau - ảnh Thiên Ân

Nhưng vẫn còn đó tình trạng người điều khiển môtô, xe gắn máy không đi bên phải theo chiều đi của mình và đi vào đường một chiều, bất chấp nguy hiểm cho mình và người khác.

Những hành vi của người điều khiển xe đi ngược chiều vừa thể hiện ý thức thiếu tự giác chấp hành luật đó, vừa thể hiện cách cư xử thiếu văn hóa trong tham gia giao thông. Thiết nghĩ, lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để đem lại sự an tâm, an toàn cho những người tham gia giao thông khác.

3. Dừng đèn đỏ không đúng quy định

Luật Giao thông đường bộ quy định rất cụ thể khi có: “Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng” tuy nhiên hiện nay tại các giao lộ tình trạng người điều khiển môtô, xe gắn máy dừng xe vượt quá vạch dừng, thậm chí dừng xe ngay trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, gây cản trở cho người đi bộ khi qua đường vẫn còn phổ biến.

Dừng đèn đỏ sai vạch vẫn còn phổ biến - ảnh Tuyết Lài

Mặt khác, tại các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông (đèn đỏ), ngành chức năng đã lắp đặt biển báo chỉ dẫn xe 2 bánh được rẽ phải khi có tín hiệu đèn đỏ, nhưng người điều khiển môtô, xe gắn máy, xe đạp, xe máy điện dừng xe chiếm hết phần đường không còn lối đi cho người điều khiển xe 2 bánh muốn rẽ phải.

4. Người đi bộ tùy tiện

Luật Giao thông đường bộ quy định “Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.

Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi thật sự an toàn và phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn khi qua đường. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách...”.

Tuy nhiên, hiện nay người đi bộ gần như... không quan tâm đến Luật Giao thông đường bộ; qua đường tùy tiện. Ở những nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ sang đường, nhưng người đi bộ vẫn tùy tiện, không đi đúng phần đường dành cho người đi bộ.

 Người đi bộ đi tắt ngang dải phân cách - ảnh Thiên Ân

Điều nguy hiểm hơn là người đi bộ trèo qua dải phân cách để sang đường, bất chấp nguy hiểm, kể cả trên quốc lộ và đường đô thị... Cụ thể như trên các con đường Phan Ngọc Hiển, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Trãi … người đi bộ sẵn sàng bước qua dãi phân cách  để sang đường.  Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm cho bản thân, bởi trên những con đường này lưu lượng xe nhiều, xe tải trọng lớn và vận tốc cao.

Đối với mỗi người, khi tham gia giao thông bên cạnh việc chấp hành những quy định của pháp luật, người tham gia giao thông cần cư xử chuẩn mực, biết quan tâm đến mọi người, thể hiện tinh thần “Mình vì mọi người, mọi người sẽ vì mình” góp phần xây dựng văn hóa giao thông.

Suy cho cùng, điều quan trọng nhất, vẫn là để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người khi tham gia giao thông, mỗi người phải tự giác chấp hành luật bởi hành vi vi phạm nhỏ nhưng hậu quả lớn. Vậy thế cho nên cần tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc do sự chủ quan của bản thân mình.

Thiên Ân