Mặc dù có khuyến cáo của các cơ quan chức năng không nên gắn những loại nắp pô kim loại có cạnh sắt bén nhưng hầu như tình trạng vẫn không có gì thay đổi. Bên cạnh đó, không chỉ riêng chiếc nắp pô xe mà còn nhiều thứ “phụ kiện” khác cũng dễ gây họa cho nhiều người khi va quẹt vào.

Họa từ chiếc xe

Hai vụ việc điển hình được đưa vào bệnh viện cấp cứu khi đang lưu thông trên đường chỉ vì bị tấm chắn nhiệt pô của chiếc xe bên cạnh cứa phải “ngọt lịm”, người ta không hề biết mình vừa bị thương tích cho đến khi nhận thấy máu từ bàn chân đang tuôn ra xối xả.

Chị Thanh Vy (21 tuổi, ngụ quận 12) điều khiển xe máy đến giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Điện Biên Phủ thì giảm tốc độ khi có tín hiệu đèn vàng. Bất ngờ, chiếc xe Air Blade từ phía sau vượt lên trên. Do khoảng cách quá gần, chiếc nắp pô xe này vô tình cứa ngang mu bàn chân trái chị. Chị Vy không còn tin vào mắt mình khi nhìn thấy máu tuôn từ bàn chân, cảm giác tê buốt kéo đến. Chị nhanh chóng được đưa vào bệnh viện quận 1 sơ cứu. Tại đây, chị được xác định chân bị một vết cắt kéo dài hơn 10cm từ mắt cá lên đến gần hết mu bàn chân, vết thương sâu vào đến tận xương khiến mạch máu bị đứt.

Một ngày giữa năm 2011, bệnh viện Quận 1 lại tiếp tục nhận được một “ca” tương tự. Bà Như Thủy (42 tuổi) đang ngồi phía sau xe máy do một người thân chở đi chợ trên đường Hai Bà Trưng với tốc độ khá chậm vì lượng xe đông. Khi đang chen chúc giữa dòng người thì vô tình va quẹt với một chiếc Air Blade bên trái khiến cả hai loạng choạng. Điều không may là chiếc xe Air Blade vừa mới được thay chiếc nắp pô bằng inox bóng loáng và mỏng dính. Khi sự việc xảy ra, bà Thủy chỉ mang đôi dép lào nên bị chiếc nắp pô cắt dọc theo mu bàn chân trái. Mặc dù chỉ tổn thương phần mềm nhưng vết thương khá dài và máu ra nhiều. Khi sự việc xảy ra, bà loay hoay với cảm giác đau đớn và tìm cách cầm máu còn chủ chiếc xe gây nạn đã mất hút trong dòng người tự lúc nào.

Đẹp mà không đẹp

Anh Trần Thanh Toàn, nhân viên kỹ thuật tại một trung tâm bảo hành xe máy trên đường Hùng Vương (quận 5) cho chúng tôi biết, các dòng xe máy của những thương hiệu như Honda, Yamaha… được tính toán rất kỹ về độ an toàn khi sử dụng nên không thể xảy ra chuyện nắp pô xe hay phụ kiện gây tai nạn cho người đi đường. “Nhiều khách hàng có sở thích “lùng” những phụ kiện “độc” để cho chiếc xe trông oách hơn, thậm chí có người còn tự chế đèn bảy màu sặc sỡ hoặc còi hú như tiếng chó sủa, còi xe tải khiến người đi đường giật mình té ngã” – anh Toàn cho hay.

Trên thực tế, tấm chắn pô xe Air Blade chính hãng sản xuất bằng nhựa màu đen, rất an toàn cho người sử dụng, nhưng người dùng thường thay đổi sau một khoảng thời gian vì chúng bị trầy xước và cũ đi, trong khi giá của những chiếc nắp pô xe mới bằng kim loại chỉ từ vài chục đến hơn 100 ngàn đồng, tìm đâu cũng có. Hiển nhiên, khi lắp vào thì không ai nghĩ rằng chúng có thể gây họa cho người khác. Và vì thế, các cửa tiệm bán xe máy cứ vô tư thu hút khách hàng đến mua những sản phẩm dạng này.

Chiếc pô xe với cạnh khá mỏng và bén có thể gây nguy hiểm cho người đi đường.

Không chỉ riêng chiếc nắp pô xe mà nhiều vụ tai nạn bắt nguồn từ những phụ kiện khác trên chiếc xe máy như kính chiếu hậu, biển số xe, chân chống… Đa phần, chúng thường được làm rất sắt và nhọn, nếu vô tình va quẹt vào thì rất dễ bị đứt chân, tay. Trong đó, thường gặp nhất là biển số xe, vì chúng nằm “lộ” ra ngoài với cạnh sắt và nhọn, chỉ cần vô tình lướt qua chân là có thể gây nên chuyện.

Nguy hiểm chực chờ

Bác sĩ Lê Thanh Vân, Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và chống độc bệnh viện Quận 1 cho biết: Thời điểm năm 2010-2011, tại nạn đối với chiếc nắp pô xe gây rách chân, chảy máu, đứt gân là dễ gặp nhất. Bệnh viện quận 1 có ngày đã tiếp nhận cùng lúc 5 đến 6 ca bị tình trạng tương tự nhau. Đó là sự vô tình khi đang đi trong bãi giữ xe và và chạm vào những chiếc nắp pô xe này, hoặc khi đang chạy xe máy trên đường, do khoảng cách quá gần nên bàn chân dễ là nạn nhân của những chiếc pô inox bén ngót. Mặc dù thời gian gần đây, tình trạng có giảm nhưng với số lượng xe máy đông đúc như ở TP.HCM và nhiều người vẫn sử dụng nắp pô loại này thì khả năng tai nạn vẫn rất dễ xảy ra.

Thông thường, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện trong tình trạng máu ra nhiều, bị nhiễm trùng do việc sơ cứu không tốt. Do đó, việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn. Không ít trường hợp trẻ em phải chịu đau đớn vì vết cắt sâu hoặc đứt cả ngón chân. Cuối tháng 9/2010, một vụ tai nạn khiến em Minh Hiếu, chỉ mới 8 tuổi, ngụ quận 7 bị đứt lìa ba ngón bàn chân bên trái chỉ trong tít tắc. Nguyên nhân xảy ra vụ việc vẫn là do tấm chắn nhiệt của chiếc pô xe Air Blade. Hiếu được mẹ chở len lỏi qua những hàng xe ngang dọc trong bãi giữ xe của trường và đã va chạm với chiếc Air Blade đang dựng song song lối vào trong khi chân em lại thả vừa tầm với chiếc pô xe. Em chỉ kịp la lên đau đớn khi ngón đã lìa khỏi chân.

Đôi khi, chỉ một hành động nhỏ nhưng nếu ta không để ý thì có thể dẫn đến những hậu quả khá nghiêm trọng. Chẳng hạn như việc không gạt chống chân xe máy lên trước khi dẫn đi cũng có thể khiến bạn bị bong luôn cả móng chân. Chị Mai Hương (quận 5, TP.HCM) một lần đi chợ, lúc dẫn xe ra chị không để ý gạt chân chống lên, khi bước tới chân chị đá thẳng vào phần dưới cùng của chiếc chống khiến ngón chân bị rách một đường dài, máu tuôn be bét, còn chiếc móng thì sắp rớt ra ngoài. Sau vụ việc, chị phải đi “cà nhắc” cả tháng liền.

Sơ cứu khi bị nạn

Bác sĩ Thanh Vân khuyên người đi đường nên cẩn thận hơn để tránh gặp những trường hợp tương tự. Cụ thể, bạn có thể mang giày da, không nên thả chân lòng thòng khi ngồi sau xe máy, đặc biệt là trẻ em. Cần chú ý khi đi vào những khu vực có nhiều nguy cơ gây nạn như bãi giữ xe.

Các trường hợp tai nạn thường gặp nhất là bệnh nhân bị rách da, chảy máu từ đầu gối trở xuống. Nếu bị nhẹ vẫn phải đưa đến bệnh viện cấp cứu để tránh nhiễm trùng gây hoại tử. Nặng hơn, khi bị đứt gân, các bác sĩ phải thực hiện vi phẫu nối gân, do đó người bị nạn cần được đưa vào bệnh viện ngay. Trước khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu, người thân cần thực hiện sơ cứu kịp thời và đúng cách để việc chữa trị được tốt hơn. Để tránh mất máu, chúng ta có thể dùng miếng gạt hoặc vải cuộn cứng lại, ép chặc vào vết thương từ 10 đến 15 phút hoặc băng cố định vết thương cho cầm máu. Tuyệt đối không sử dụng bông gòn đắp vào vết thương đang chảy máu vì bông gòn không thể giúp cầm máu được.

Các bác sĩ có thể thực hiện vi phẫu nối lại những ngón chân bị đứt lìa nếu sau khi bị đứt, bạn nhanh chóng rửa sạch chúng bằng nước sạch, cho vào bịch ni –lông và ướp vào đá lạnh, chuyển ngay bệnh nhân cùng phần bị đứt đến bệnh viện. Chỉ trừ những trường hợp chân bị giập nát, việc phẫu thuật sẽ rất khó khăn vì những mô giập nát có thể sẽ phóng thích các chất trung gian, khi nối vào dễ gây suy thận, suy gan… Trong trường hợp này, bệnh nhân phải được tháo khớp, đồng nghĩa với việc họ phải vĩnh viễn mất đi những ngón chân đã bị đứt.

Bệnh nhân được nối lại các ngón thì khả năng hồi phục vẫn còn phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng của vết thương, có thể kéo dài từ một đến hai tháng sau khi sử dụng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, thời gian để phục hồi chức năng co giản các ngón chân còn dựa vào việc khâu nối thần kinh, gân, cơ nên trên thực tế, nhiều người mặc dù đã nối lại được các ngón chân sau tai nạn nhưng vẫn không vận động được.

Hơn ai hết, để hạn chế tai nạn bắt nguồn từ những phụ kiện được gắn “tự phát” vào chiếc xe máy thì người dùng nên chọn lựa kỹ càng các phụ tùng sao cho an toàn, người bán không nên vì một chút lợi nhỏ mà phớt lờ sự nguy hiểm của sản phẩm đối với mọi người.

Theo Baomoi.com