Ô tô xếp hàng dài từ sân bay Tân Sơn Nhất ra đường Trường Sơn
Đã có quá nhiều giải pháp của các bạn đọc cũng như của các cơ quan ban ngành về giải quyết vấn đề kẹt xe trầm trọng tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Tất cả đều hợp lý nhưng muốn hiệu quả phải thực hiện đồng bộ, muốn đồng bộ được phải mất vài năm, có giải pháp chỉ xử lý tạm thời, có giải pháp không thể thực thực hiện được vì thực trạng khó cải tạo…
Trước khi đưa ra giải pháp chúng ta cần xem xét thực trạng:
1.Sân bay Tân Sơn Nhất kẹt xe vì đâu?
-Các hãng hàng không giá rẻ phát triển, tần suất bay của các hãng ngày càng dày đặc.
-Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân ngày càng tăng.
-Số lượng xe bốn bánh của các cơ quan, cá nhân cũng như của các hãng taxi ngày càng nhiều.
-Lộ giới hiện hữu của các đường trong khu vực không đáp ứng được lưu lượng xe cộ dày đặc.
-Chỉ có duy nhất một cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất là mặt tiền đường Trường Sơn.
-Người dân lưu thông từ Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức muốn qua phía quận Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú hoặc ngược lại đều đi chung tuyến với tuyến vào sân bay?
-Và còn rất nhiều nhiều nguyên nhân khác.
Kẹt xe bên trong sân bay Tân Sơn Nhất
2.Cần trả lời các câu hỏi:
-Làm sao để tăng số lượng người ra vào sân bay được nhiều nhất có thể?
-Làm sao để những người đi ngang qua không bị ảnh hưởng bởi những người ra vào sân bay?
-Làm sao để tách được người ra vào sân bay với người chỉ đi ngang qua sân bay?
-Làm sao để hạn chế được lượng xe chạy vào các trục đường gần sân bay?
- Làm sao để đưa người vào sân bay nhiều nhất với số lượng xe ít nhất?
- Làm sao để người ra vào sân bay được đi tuyến đường nhanh nhất và ngắn nhất có thể, không đi đường vòng?
- Làm sao để thực hiện giải pháp giảm kẹt xe nhanh nhất, hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất?
Giải pháp dưới đây có lẽ sẽ trả lời cho các câu hỏi ở trên.
3.Giải pháp cụ thể: Xây dựng các Trạm trung chuyển vòng ngoài sân bay Tân Sơn Nhất.
a.Xác định vị trí trạm trung chuyển:
Hiện nay cách sân bay Tân Sơn Nhất bán kính hơn 1km có công viên Hoàng Văn Thụ, công viên Gia Định, … và nếu được thì nên xây thêm một trung tâm trung chuyển tại khu vực sân golf kế bên sân bay để phục vụ cho người dân các Quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Củ Chi, các tỉnh tiếp giáp ra vào sân bay vì mảng phía Bắc sân bay chưa có cổng đón, các xe sẽ chạy lòng vòng qua đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Nguyễn Kiệm để vào sân bay nên cũng sẽ gây kẹt xe (hiện sân bay chỉ dùng được cổng phía Bắc và Nam, còn phía Đông và Tây là hai đầu lên xuống của máy bay cũng không có quỹ đất dự trữ sẵn). Trước đây có phương án mở điểm trung chuyển ở Hoàng Hoa Thám theo tôi là không khả thi do đường Cộng Hòa và Hoàng Hoa Thám quá kẹt rồi nên bỏ điểm này.
b.Phương tiện trung chuyển:
Sử dụng các xe buýt riêng chở được nhiều người nhất có thể (giống xe buýt trung chuyển từ nhà ga sân bay ra đến máy bay), tạm gọi là Xe buýt Tân Sơn Nhất (xe buýt TSN).
Ngoài ra không cho phép tất cả các loại phương tiện vào trong sân bay (trừ khách Vip hoặc xe Vip chạy từ trạm trung chuyển vào sân bay).
c.Giải pháp cụ thể:
Hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đón khoảng 100.000 khách trong nước và quốc tế mỗi ngày, 1 chuyến xe buýt TSN chở được khoảng 80 người thì cần khoảng 1.300 chuyến/ngày. Nếu có 3 trạm trung chuyển thì hàng ngày mỗi trạm phải xuất bến trung bình 450 chuyến tùy trạm, chia trung bình 18 tiếng hoạt động từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm, khi đó trung bình cứ 3 phút phải có một xe buýt TSN xuất bến (cao điểm 2 phút/ chuyến, thấp điểm 20 phút/ chuyến). Khách đưa tiễn phải mua vé xe buýt TSN, khách đi máy bay sẽ được miễn phí, kiểm tra vé khi khách bắt đầu lên xe. Thời gian khách lên xe, chạy từ trạm trung chuyển đến sân bay, trả khách xuống xong quay lại trạm trung chuyển dự kiến mất khoảng 15-20 phút. Do vậy mỗi trạm cần phải có 10-15 xe. Nếu lượng khách tăng thì đầu xe sẽ tăng lên.
Thủ tục check in có thể làm qua mạng, tại trạm trung chuyển hoặc trong sân bay, nếu làm được qua mạng hoặc tại trạm trung chuyển thì dư địa của sân bay sẽ tăng, thêm được diện tích đậu máy bay hiện nay đang bị thiếu.
Và ngoài giải pháp chính này cũng vẫn phải kết hợp các giải pháp phụ khác như: đảm bảo cho tuyến đường được thông thoáng, xe buýt TSN phải được ưu tiên như xe cảnh sát (dành line ngoài cùng là line ưu tiên (không dành riêng) cho xe buýt TSN, có còi hụ đặc biệt khi cần thiết (âm thanh vừa phải để không ảnh hưởng đến người dân hai bên đường), đèn chiếu cực sáng xuống đường và nhấp nháy để các xe chạy trên đường nhìn thấy và né ngay vào làn trong, được phép vượt đèn đỏ,… ), chất lượng mặt đường phải tốt bằng phẳng, thủ tục cho khách lên xuống xe buýt TSN phải nhanh chóng,…
d.Chi phí dự kiến (tạm tính):
-Diện tích khuôn viên đất dự kiến cho mỗi trạm trung chuyển: 15.000m2 (trong đó: công trình 2.000m2 x 5tr = 10 tỷ, sân đỗ xe các loại bao gồm hạ tầng kỹ thuật: 13.000m2 x 3tr = 39 tỷ). Tổng cộng 3 trạm trung chuyển là 147 tỷ (giá trị đất chưa tính đến).
- Xe 1 tỷ/ chiếc, đầu tư 45 chiếc cho 3 trạm trung chuyển là 45 tỷ.
-Chi phí đầu tư máy móc trang thiết bị kỹ thuật khác: 10 tỷ/trạm trung chuyển, 3 trạm là 30 tỷ.
-Chi phí khác: 10 tỷ.
Tổng cộng chi phí tạm tính đầu tư cho đề án là: 232 tỷ.
e.Thời gian dự kiến hoàn thành:
-Thời gian dự kiến thi công nhanh: trong vòng 1 tháng (cơ bản) và 3 tháng (chuẩn).
-Nếu cần thiết có thể thử áp dụng ngay bằng cách tập trung xe buýt Tân Sơn Nhất tại 2 đầu công viên Gia Định và công viên Hoàng Văn Thụ, phải có sự hỗ trợ điều phối của lực lượng CSGT dẫn đoàn xe vào và ra sân bay. Tuyên truyền người dân đi ra sân bay đến 2 công viên này sẽ được chuyển sang xe buýt TSN và đưa vào sân bay nhanh chóng thì chắc chắn người dân sẽ tham gia thực hiện ngay.
Tóm lại, chi phí (ngân sách, doanh nghiệp, xã hội hóa), thời gian, cách thức xây dựng, vận hành sao cho hiệu quả xin để cho các chuyên gia, các cơ quan quản lý cùng kết hợp xem xét cụ thể để thực hiện càng sớm càng tốt, tránh bàn bạc quá nhiều (vì tình trạng kẹt xe hiện nay quá nghiêm trọng), trong quá trình thực hiện có thiếu sót sẽ điều chỉnh dần để đề án hiệu quả hơn.
Theo Ths - Kỹ sư Hứa Bá Minh – Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam – Bộ Xây Dựng