Nhiều người “thích” đi bộ dưới lòng đường chứ nhất quyết không dùng cầu vượt ngay gần đó - Ảnh: K.Linh
Bình tĩnh hơn, chị kể, đang bon bon trên đường Láng hướng về phía ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Láng. Vì là giữa giờ chiều, đường vắng, lại vội nên chị cho xe chạy nhanh, tất nhiên là không vượt quá tốc độ cho phép. Gần đến ngã tư, chỉ còn cách khoảng 50m, bỗng đâu xuất hiện một nam thanh niên từ giữa hàng cây trên dải phân cách chạy bổ xuống lòng đường, định lao qua. Chị cuống cuồng phanh và đánh lái tránh được. May mà người thanh niên kia cũng phát hiện xe chị kịp thời nên dừng ngay lại.
“Không hiểu vội cái gì mà đâm lao sang đường như thế, khác nào tự sát. Trong khi chỉ 50m nữa thôi là đến đèn xanh, đèn đỏ, có khu vực dành cho người đi bộ qua đường”, chị ngao ngán nói.
Trường hợp chị bạn vừa gặp không phải là hiếm, bản thân tôi cũng từng trải qua nhiều lần, nhất là tại những tuyến đường có dải phân cách, người đi bộ thường leo qua dải phân cách qua đường để “tiết kiệm thời gian”. Không chỉ vậy, việc người đi bộ dàn hàng đi dưới lòng đường cũng khiến không ít xe máy, ô tô phải lấn sang làn ngược chiều để vượt qua. Một lần, trên phố Đông Tác (Hà Nội), đoạn gần Trung tâm Thương mại Vincom, đang đi tôi phải đánh tay lái cho xe ra giữa đường để tránh tốp học sinh cấp 3 dàn hàng ngang đi bộ, vì thế suýt đâm phải xe máy đi ngược chiều.
Đành rằng, đoạn phố này hẹp, vỉa hè nhỏ, lại bị hàng quán lấn chiếm nên người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Nhưng người đi bộ cũng nên đi hàng dọc, sát vỉa hè, tránh nguy hiểm cho bản thân và các phương tiện khác. Đó là chưa kể, học sinh, sinh viên thường đeo tai nghe nhạc, hoặc nhắn tin trên điện thoại nên không tập trung chú ý khi đi bộ, dẫu có còi xe cũng khó mà nghe thấy, để ý.
Ngay cả tại những con phố chỉ dành cho đi bộ như khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm cũng không ít cảnh “trái mắt”. Là khu vực dành cho du lịch nên du khách rất thích chụp ảnh cho nhau, nhưng không ít người đi bộ thay vì tránh qua hoặc dừng lại chờ họ chụp xong rồi qua, lại thản nhiên “đi xuyên”.
Trẻ em ngay từ lúc học mẫu giáo, đã được dạy rằng đi bộ phải đi trên vỉa hè. Một số trường còn dạy cả kĩ năng, văn hóa đi bộ để hình thành thói quen tốt sau này khi tham gia giao thông. Nhưng người lớn thường cố tình phớt lờ. “Có khi phải mở lớp dạy kỹ năng đi bộ cho người lớn để giao thông an toàn hơn”, chị bạn đánh bạo nói.
Theo Báo Giao thông