Chỉ có tàu, thuyền công suất nhỏ ra vào trong thời điểm hiện tại, do cửa biển Cái Đôi Vàm bồi lắp cạn.

Thu mua thủy hải sản lâu năm tại địa bàn thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, anh Trương Hoàn Cầu, chủ Doanh nghiệp tư nhân Tân Hoàng Phúc bộc bạch: “Hiện tại cửa biển Cái Đôi Vàm đã bị bồi lấp và cạn rất nhiều, các ghe, thuyền đánh cá công suất lớn ngoài tỉnh khi đánh bắt xong thì không thể vào cửa để bán sản phẩm được, phải chạy qua tận cửa Sông Đốc để bán sản phẩm, do đó, số lượng thu mua thủy sản tại doanh nghiệp tại địa bàn thị trấn giảm rất nhiều, giảm gần một nửa so với lúc cửa biển còn sâu. Hiện doanh nghiệp chỉ thu mua được các sản phẩm của ngư dân đánh bắt nhỏ tại địa phương, cửa biển cạn đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn. Vì vậy, cũng mong muốn sao các ngành chức năng tạo điều kiện để nạo vét cửa Cái Đôi Vàm cho nó thông thoáng, ghe, thuyền trong và ngoài tỉnh được giao thương buôn bán thuận tiện hơn”.

Cũng cùng chung cảnh ngộ với doanh nghiệp của anh Trương Hoàn Cầu, Vựa cá 6 Trung của ông Nguyễn Văn Trung, cùng ngụ trên địa bàn thị trấn Cái Đôi Vàm cũng gặp không ít khó khăn trong kinh doanh, do lượng ghe, tàu công suất vào cửa không được, ông Trung cho biết thêm: “Chuyện ra vào cửa biển của các ghe công suất lớn hết sức khó khăn, bất tiện, ghe đánh bắt ngoài tỉnh không vào được đã đành, các ghe tại địa phương muốn ra phải đợi con nước lớn phải có một chiếc lai dắt mới có thể ra cửa được”. Để giải quyết bài toán cửa biển cạn nhiều doanh nghiệp đã đưa ra giải pháp là dùng ghe, vỏ nhỏ ra cửa để thu mua sản phẩm, lại phải đội lên thêm giá nhân công, tiền vận chuyển vào cửa, chi phí tăng cao, doanh nghiệp nhiều khi phải lỗ vốn, đành phải chấp nhận chuyện thu mua tại chổ được bao nhiêu thì chịu bấy nhiêu.

Cửa Cái Đôi Vàm giờ vắng những con tàu công suất lớn cập bến.

Là một trong những cửa biển sầm uất của tỉnh Cà Mau, trung bình mỗi năm, cửa biển Cái Đôi Vàm đón hàng ngàn chuyến tàu đánh bắt hải sản của ngư dân trong và ngoài tỉnh. Trong đó, tại thị trấn Cái Đôi Vàm có trên 230 phương tiện, tàu công suất trên 90CP có khoảng 60 phương tiện. Tuy nhiên hiện nay, cửa biển này bị bồi lắp nghiêm trọng gây ảnh hưởng rất lớn cho tàu thuyền khi ra vào. Không chỉ vậy tình trạng sạt lở hai bên cửa biển diễn ra hết sức nghiêm trọng. Trước thực tế này, chính quyền địa phương và bà con nơi đâykiến nghị, ngành hữu quan cần sớm quan tâm đầu tư vừa nạo vét khai thông luồng tuyến, vừa chống sạt lở cửa biển. Theo ông Nguyễn Văn Kha, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm cho biết: “Cửa biển Cái Đôi Vàm đã được nạo vét từ năm 2011, đến nay thì cửa biển này đã bị cạn, với vai trò quản lý tại địa phương, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng có biện pháp nạo vét, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện lớn vào để trao đổi mua bán hàng hóa, tránh trú bão được an toàn, cũng như vấn đề thu được lượng lớn các tàu, thuyền của các tỉnh khác vào để mua bán tại địa bàn thị trấn. Do tình trạng cạn đang diễn ra tại cửa biển nên tàu, thuyền có công suất lớn rất ít cập bến cửa Cái Đôi Vàm, họ thường chuyển qua các cửa biển khác như Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Việc sớm nạo vét cửa biển Cái Đôi Vàm là hết sức cần thiết và cấp bách trong thời điểm hiện tại, nhằm tạo điều kiện để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương”.

Được biết, UBND tỉnh Cà Mau đã có chủ trương xây dựng dự án đầu tư xây dựng công trình nạo vét cửa biển Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, giao Ban quản lý dự án công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, với nguồn kinh phí dự kiến là gần 15 tỷ đồng, (tính đến thời điểm hiện tại phần kinh phí dự án đã đội lên trên 28 tỷ đồng). Trong đó, tổng chiều dài nạo vét là 5000m, chiều rộng luồng 26m, cao độ đáy luồng là -4m. Theo Ban quản lý dự án công trình Nông nghiệp – phát triển nông thôn tỉnh, đây là công trình mang tính bức xúc tỉnh Cà Mau đã trình Trung ương hỗ trợ phân bổ nguồn ngân sách dự phòng. Tuy nhiên, cho đến nay dự án cũng đang trong giai đoạn chờ phê duyệt.

Trước mắt tỉnh Cà Mau chỉ mới bố trí được 3,5 tỷ đồng để xử lý những đoạn xung yếu, cấp bách. Nhằm khắc phục khó khăn về kinh phí, UBND tỉnh Cà Mau lập tờ trình xin Trung ương hỗ trợ 25 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để tiếp tục đầu tư nạo vét cửa biển nhằm khôi phục lại luồng ra vào thông thoáng, góp phần thu hút ngày càng nhiều tàu đánh bắt xa bờ cập bến, giao thương có nơi neo đậu, tránh, trú an toàn trong mùa mưa bão. Quan trọng hơn là góp phần thúc đẩy kinh tế, thương mại, dịch vụ địa phương phát triển..

T/h: Chí Diện