Ngày nay với sự việc phát triển kinh tế xã hội, mức thu nhập của người dân được nâng cao, nhu cầu mua sắm phương tiện đặc biệt là ô tô cá nhân có xu hướng gia tăng, do vậy nhu cầu học bằng lái ô tô là vấn đề thiết yếu đối với mỗi người. Các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe tăng cường trang bị các phương tiện mới nhằm đáp ứng công tác giảng dạy. Tuy nhiên, do nhu cầu học lái xe của học viên đông lên xuất hiện tình trạng “dạy chui”, bổ túc thêm tay lái bằng các loại xe cá nhân không thuộc các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông khi đang lưu thông trên đường.
Xe tập lái không đúng quy định.
Ngày 08/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 138/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Tại khoản 2, Điều 6 quy định đối với xe tập lái như sau:
a, Có đủ xe tập lái các hạng tương ứng với lực lượng đào tạo ghi trong giấy phép đào lái xe;
b,Thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe. Cơ sở đào tạo lái xe có thể sử dụng xe hợp đồng thời hạn từ 01 năm trở lên với số lượng không vượt quá 50% số xe sở hữu cùng hạng tương ứng của cơ sở đào tạo đối với xe tập lái các hạng,B1,B2,C,D,E; xe tập lái hạng FC có thể sử dụng xe hợp đồng với thời hạn và số lượng phù hợp với nhu cầu đào tạo. Riêng xe hạng B1,B2 có số tự động được sử dụng xe hợp đồng.
c, Cơ sở đào tạo lái xe ô tô có dịch vụ sát hạch lái xe được sử dụng ô tô sát hạch để dạy lái với thời gian không quá 50% thời gian sử dụng xe hợp đồng;
d, Ô tô sử dụng để dạy lái xe các hạng B1,B2 phải có trọng tải từ 1000 kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo;
đ, Có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực.
e, Có hệ thống phanh phụ bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe, kết cấu chắc chắn, thuận tiện, an toàn, bảo đảm hiệu lực phanh trong quá trình sử dụng.
g, Thùng xe phải có mui che mưa, nắng và ghế ngồi chắc chắn cho người học.
h, Hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe , kể cả xe hợp đồng phải có tên cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý trực tiếp và điện thoại liên lạc.
i, Xe ô tô phải có 02 biển “TẬP LÁI” theo mẫu (Được làm bằng kim loại nền màu xanh, chữ màu trắng, lắp cố định ở trước và sau xe. Biển trước có kích thước 10cm x 25cm lắp cố định trên thanh cản trước bên trái đối với các hạng xe, biển sau kích thước 10cm x 25cm đối với xe hạng B, kích thước 35cm x 35cm đối với xe các hạng C,D,E,F lắp ở vị trí giữa thành sau không trùng với vị trí lắp đặt biển số đăng ký và không được dán lên kính sau xe).
k, Được cơ quan có thẩm cấp giấy phép xe tập lái khi đủ điều kiện quy định tại điểm b,điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h và điểm I khoản này.
Do vậy nếu như xe màu bạc ở ảnh trên thuộc trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe nào đó, thì có thể bị xử lý hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định tại Điểm b - Khoản 3 - Điều 37 - Nghị định 100/NĐ-CP phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng về hành vi: không gắn biển xe “Tập lái” trên xe theo quy định, không ghi tên cơ sở đào tạo, số điện thoại ở mặt ngoài hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe theo quy định.
Việc học lái xe và được đào tạo, sát hạch lái xe là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, học ở đâu, học như thế nào để đảm bảo an toàn với chính người học và giáo viên hướng dẫn là điều quan trọng, vì nó không chỉ ảnh hưởng tới uy tín, chất lượng đào tạo của cơ quan được cấp phép đào tạo, sát hạch lái xe mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng sức khỏe của học viên. Việc gắn mác xe “Tập lái” không đúng quy định cần được chấm dứt để tránh gây hiểu lầm, hiểu sai đối với người tham gia giao thông cũng như uy tín, hình ảnh của các cơ quan có chức năng làm công tác sát hạch, đào tạo lái xe.
Theo csgt.vn