Lực lượng chức năng kiểm tra chủ xe khả nghi lắp còi “ma”
Khi tham gia giao thông ngoài đường phố, không khó để chúng ta bắt gặp và nghe được những thanh âm còi xe kỳ lạ, như tiếng trẻ em khóc, tiếng em bé cười, hoặc tiếng còi của những xe ưu tiên được “dân chơi xe” nhái lại và sử dụng bừa bãi.
Vấn đề này không chỉ gây náo loạn đường phố, mà còn có thể trở thành nguyên nhân của những tai nạn thương tâm vì bị giật mình bởi tiếng còi xe lạ.
Dưới đây là chia sẻ của một số người dân: “Một lần đi về khuya, bất ngờ mình nghe có một tiềng còi ầm phía sau, mình cảm thấy rất sợ. Ban đầu, sau khi nghe tiếng còi đó, phản ứng đầu tiên của mình là giật mình, sau đó, cũng may nhờ tay lái cứng, mình bắt đầu dừng xe lại, hóa ra đó là còi xe của một chiếc xe Dream. Cũng may lúc đó đường vắng, nếu không tai nạn đã xảy ra, hoặc một bạn tay lái yếu là sẽ bị ngã xe xuống đường. Xe tải mà lao tới thì hậu quả rất là nghiêm trọng”.
Một người khác cho biết: “Rất bức xúc, vì những tiếng đó khiến người đi đường giật mình, lạc tay lái, gây nguy hiểm cho người khác. Tôi có kiến nghị là cần có biện pháp xử lý trường hợp này, bảo đảm cho người tham gia giao thông tốt hơn”.
Trong những năm trở lại đây, cụm từ “còi ma” đang trở nên quen thuộc với dân “sành chơi xe”ở các thành phố lớn như TPHCM.
Đa phần, người sử dụng những chiếc còi “độc” này là những thanh niên trẻ muốn thể hiện “đẳng cấp” của mình và thu hút sự chú ý của đám đông mà còn. Điều đáng nói là những chiếc còi này phát ra những âm thanh kinh dị, quái đản được bày bán tràn lan và công khai trên thị trường.
Với giá thành khoảng từ 100 ngàn đến 500 ngàn đồng/chiế , người chơi xe đã có thể trang bị cho mình những chiếc còi với âm thanh quái dị “độc nhất vô nhị”.
Không chỉ vậy, cách ngụy trang của những chiếc còi xe này hết sức tinh vi. Các tiệm độ "còi ma" thậm chí có sẵn phương án chuẩn bị giúp khách hàng đối phó với lực lượng chức năng.
Theo đó, mỗi chiếc "còi ma" được khuyến mãi thêm rơ-le, công tắc phụ để ngắt nhanh dòng điện. Chỉ cần gạt nút bấm, tiếng còi quái dị sẽ chuyển về bình thường để né CSGT lúc qua chốt hoặc khi bị kiểm tra.
Cứ như vậy, vấn đề sử dụng còi “ma”, còi không đúng chuẩn quy định trở nên tràn lan, cũng như ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông đường bộ hằng ngày.
Việc sử dụng còi xe máy với âm thanh quái lạ, sai quy định đang trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người đi đường, nhất là phụ nữ và người lớn tuổi.
Đó là chưa kể trường hợp có nhiều người giật mình, lạc tay lái, rồi té ngã hoặc xảy ra tai nạn với những xe chạy từ sau tới. Trên thực tế, trong 5 năm trở lại đây, đã có gần 10 vụ tai nạn gây chết người do tiếng còi xe gây ra.
Điển hình nhất là vụ tai nạn tại An Giang khi chiếc xe bồn chở bê tông bấm còi inh ỏi đã khiến một sản phụ ngã ra đường tử vong tại chỗ, thai nhi bị văng ra khỏi bụng mẹ, đứt lìa chân phải, may mắn em được cứu sống.
Hay vào hồi đầu tháng 5/2017, chị Thu Hương tại quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh, khi đang chạy xe song song với hai thanh niên khác, khi ngang qua ngã tư thì hai thanh niên này bất ngờ bấm còi nhái tiếng xe container rất to, làm chị loạng choạng ngã xuống đường, gãy tay; cô con gái 4 tuổi đang đưa đến trường mầm non của chị té văng ra đường, bị xe tải phía sau chạy tới cán qua, tử vong tại chỗ.
Trước thực trạng này, anh Vương Trí Lân, cử nhân ngành Luật của Đại Học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thì chia sẻ: “Còi là một bộ phận bắt buộc trong xe ô tô, xe gắn máy. Nếu có còi mà không có tác dụng thì chùng ta cũng bị xảnh sát giao thông xử phạt vì lỗi này. Tuy nhiên, có còi không đồng nghĩa với việc muốn bấm còi như thế nào thì bấm. Nó thuộc về văn hóa và ý thức, hãy để không gian xung quanh chúng ta được yên tĩnh, thì sẽ giúp cho việc chạy xe trên đường bớt căng thẳng hơn. Việc bấm còi liên quan đến văn hóa khi tham gia giao thông, vì thế hãy bấm còi có ý thức”.
Việc bấm còi vô tội vạ đã có quy định trong Luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, xe dùng còi nhái các tiếng động lạ, không đúng chức năng thì chưa có quy định cụ thể.
Thầy Bùi Tiến Đạt, giảng viên Đại Học Luật, Tp Hồ Chí Minh cho rằng: “Hiện nay khi đọc nghị định 46/2016, chúng ta không thấy quy định rõ việc xử phát đối với hành vi sử dụng còi nhái các phương tiện đặc chủng, như xe cứu thương, xe cứu hỏa, hoặc những tiếng kêu không phải là còi như tiếng em bé khóc, tiếng em bé cười. Hiện nay pháp luật không quy định chính xác hành vi như vậy. Tuy nhiên, chúng ta có thể áp dụng điều 6 và điều 17 của nghị định 46/2016 về hành vi bấm còi, rú ga, nẹt pô hoặc sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật. Có một điều cần xem xét lại là, mức phạt hiện nay từ 100- 200 nghìn đồng có lẽ còn chưa tương xứng với mức độ vi phạm. Hoàn toàn có thể tăng gấp đôi, gấp 3 lần lên mới tương xứng với mực độ vi phạm. Vì sao? Vì hành vi này gây ảnh hưởng cho người tham gia lưu thông khác, còn nguy hiểm hơn đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm”.
Ở thời điểm hiện tại, lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đã ra tay, đã nhốt nhiều xe máy lắp "còi ma" vào... bãi. Nhưng, những xe này chỉ bị bắt giữ khi người điều khiển vi phạm Luật Giao thông. Còn khi lưu thông trên đường, xe bất chợt rú còi, thì chưa có quy định nào xử phạt.
Vì vậy, ý thức của người tham gia giao thông là quan trọng nhất để hạn chế những âm thanh khủng khiếp trên đường. "Văn hóa ngón tay cái", thứ mà nhiều người vẫn xem nhẹ, thực chất lại ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông đường bộ hằng ngày. Có khi, chỉ vì một tiếng còi ma, còi không đúng quy định, cũng đủ đoạt lấy một mạng người.
Hiện tượng sử dụng còi “ma” với âm thanh sai quy định đa phần bắt nguồn từ tâm lý thích chơi nổi và thích chứng tỏ bản thân của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Nhữmg người trẻ này bị ngộ nhận về sự “khác biệt”, “đẳng cấp”, tư duy có vấn đề nên thực hiện những hành vi không giống ai, gàn gỡ và gây ảnh hưởng không tốt đến mọi người xung quanh, khiến người khác cảm thấy khó chịu.
Việc sử dụng còi xe “ma” với âm thanh quái lạ, nhái còi xe của cơ quan chức năng khiến người đi đường giật mình nép vào lề, có thể dẫn đến lạc tay lái. Nhẹ thì té xe, mất “vía”, nặng thì bị xe phía sau chạy tới không kịp thắng lại gây tai nạn giao thông, thiệt hại về người và của.
Hiện nay, quy định về việc sử dụng còi sai quy định, có âm thanh lạ chưa được quy định cụ thể trong luật giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, tất cả các trường hợp sử dụng sai còi xe quy định đều được đưa về luật ở khoảng 3 điều 5 của Nghị định 46/2016.
Trong đó, ô tô bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu đông dân cư sẽ bị phạt 600 ngàn đến 800 ngàn đồng. Với trường hợp mô tô, xe máy thì phạt tiền từ 60 ngàn đến 80 ngàn.
Điều này cho ta thấy, Nhà nước cần bổ sung cụ thể mức phạt hành vi sử dụng còi xe sai quy định với âm thanh to và quái lạ thì mới mong răn đe, chế tài hiệu quả những người cố tình vi phạm.
Về những thanh niên bồng bột, tư duy nhận thức kém thích thể hiện “đẳng cấp” theo hướng tiêu cực thì gia đình và nhà trường cần nâng cao vai trò của mình trong giáo dục, tuyên truyền, cải tạo những hành vi gây nguy hiểm cho giao thông đường phố.
Chúng ta phải quyết tâm giáo dục từ tế bào gốc xã hội - là gia đình và trường lớp - thì mới mong “văn hóa ngón tay cái” từ thế hệ trẻ được nâng cao và tiến bộ. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền ý thức từ các báo đài, phương tiện truyền thông và chính quyền địa phương là điều không thể thiếu để người dân phát triển dân trí, cùng lên án các hành vi xấu, gây hại cho người tham gia giao thông.
Về phần mỗi cá nhân, trước những hậu quả nhãn tiền của “còi ma”, mỗi người cần nâng cao ý thức, văn hóa tập thể khi tham gia giao thông.
Ai cũng nên đặt trên cương vị nếu mình là người tham gia giao thông, có người ấn còi “ma” khiến mình giật mình khiến mình đột ngột tránh sang trái, sang phải dẫn đến tai nạn thì chúng ta cảm thầy như thế nào?
Hãy nhìn từ vị trí của những nạn nhân thì mọi người sẽ thấu hiểu được nỗi khổ do còi “ma” gây ra, từ đó nêu cao ý thức khi sử dụng còi xe, tránh được những tai họa đáng tiếc cho mình và cho người.
Theo VOV giao thông.