Những chiếc ô tô cũ bị tua công-tơ-mét hoặc dính tai nạn nặng nhưng vẫn được đại lý xe cũ rao bán với mức giá cao. Không ít khách hàng đã phải ngậm đắng nuốt cay khi phát hiện ra sự thật.

Mua xe cũ như… đánh bạc

Thiết bị can thiệp hệ thống ECU để tua công-tơ-mét của một chiếc xe Volkswagen với mức phí khoảng 300 nghìn đồng mỗi lượt tua.

Cuối tháng 7/2023, dư luận xôn xao sau khi hàng loạt khách hàng tố đại lý bán xe cũ tua công-tơ-mét (ODO). Khởi đầu là vụ khách hàng mua chiếc xe Honda City tại đại lý xe cũ Anycar Long Biên bị tua công-tơ-mét lên đến cả chục vạn cây số.

Cụ thể, chiếc xe này khi Anycar bán cho khách có đồng hồ công-tơ-mét là 66.276km. Sau khi mang xe kiểm tra chính hãng, chủ xe phát hiện chiếc xe đã bảo dưỡng tại mốc 184.940km, tức là bị tua lùi 118.664km.

Tương tự, anh Tạ Đức Hoàn (trú tại Bắc Ninh) cũng mua chiếc Honda City đời 2017 với số tiền 460 triệu đồng.

Sau đó, anh phát hiện xe không những bị tua lùi công-tơ-mét từ 15 vạn xuống còn 4 vạn mà còn từng bị tai nạn nặng, hai lần thay kính chắn gió.

“Sau khi lấy xe về, phát sinh hàng loạt lỗi trầm trọng như mòn má phanh, hỏng ngoàm cốp do bị húc phía sau, hỏng lốc điều hòa, hỏng quạt điều hòa... Khi mang xe đến Anycar thì bị đại lý chối bỏ trách nhiệm”, anh Hoàn cho biết.

Chia sẻ với Báo Giao thông, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch thuật lại câu chuyện vừa xảy ra ngày 2/8. Theo đó, một khách hàng vừa mua chiếc xe Honda CR-V bản 2.0 đời 2010.

Người bán cam kết xe chưa đâm đụng, chất lượng còn tốt. Sau khi mua về chạy thấy độ ổn định kém nên đưa xe đến gara của anh.

Kiểm tra bằng thiết bị chuyên dụng, anh Tạch phát hiện ngay xe từng bị tai nạn khá nặng. Đĩa phanh bị cong vênh khiến mỗi khi phanh thì đầu xe bị lắc, vô lăng bị rung, chân phanh bị dội khá mạnh.

Trước đó vào tháng 6, một chiếc xe Ford Everest phiên bản Titanium 4x2 sản xuất 2022, có ODO 7.000km được chào bán với giá 1,255 tỷ đồng.

Đại lý bán xe đăng tải lên mạng bài viết quảng cáo: “Xe không có gì phải bàn về chất lượng, cam kết không đâm đụng ngập nước, tai nạn, máy móc nguyên bản”.

Một khách hàng quan tâm đến chiếc xe vào mạng kiểm tra thì bất ngờ phát hiện thông tin, vào tháng 3/2023 trên đường Lê Quang Đạo (Hà Nội) chiếc xe này đã đâm vào một phương tiện khác khiến phần đầu xe biến dạng, nhiều bộ phận khác hư hại nặng. Thấy vậy, anh bỏ ý định đặt cọc và hủy giao dịch.

Tin liên quan

Theo anh Vũ Xuân Viện, thợ đánh giá xe cũ tại showroom ở đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), hiện nay đồng hồ ODO bị tua quá dễ dàng với giá chỉ khoảng 200-300 nghìn đồng/lần, dẫn đến chuyện lạm dụng thiết bị này để lừa bán xe cũ.

Bên cạnh đó, công nghệ “mông má” ô tô hiện nay đủ tốt để che giấu được những khiếm khuyết lớn. Tuy nhiên, vẫn có những vị trí trọng yếu mà khi đã thay thế, hẳn là chiếc xe có vấn đề.

Cách nào phát hiện xe bị “mông má”, tua ODO?

Nhân viên chăm sóc, dọn rửa xe cũ tại một showroom ở đường Nguyễn Văn Linh - Hà Nội.

Theo anh Nguyễn Đức Mạnh, nhân viên kỹ thuật tại Gara 88 Car Service (Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội), trên xe ô tô con luôn có những vị trí trọng yếu mà nếu bị thay tức là xe có vấn đề.

Chẳng hạn, chân phanh và chân ga có lớp sơn như mới, trong khi chiếc xe cũ đã 7-10 năm tuổi, tức là bộ phận này đã bị thay do tai nạn nghiêm trọng.

“Tiếp đó, quan sát chốt cửa trên trụ B và ngoàm trên cánh cửa cạnh ghế lái. Mức độ mòn của các bộ phận này là bằng chứng về thực trạng sử dụng của xe mà không thể che giấu. Nếu trên mặt taplo của xe có nhiều vết xước, chứng tỏ chủ xe đã cho thay kính.

Khi đó, cần chú ý quan sát trên kính xe, vì nếu kính chắn gió đã bị thay thì năm sản xuất của kính sẽ không đồng nhất với năm sản xuất của xe. Hoặc kính thay không chính hãng sẽ không có logo của nhà sản xuất”, anh Mạnh phân tích.

Ngoài ra, nếu sờ tay hoặc quan sát kỹ mặt trong của chỗ móc tay nắm cửa cạnh ghế lái sẽ cho thấy, một chiếc xe sử dụng nhiều thì chi tiết này sẽ mòn nhiều, thậm chí là mòn nhiều nhất trong số tất cả các chi tiết ngoại thất xe. Các nút bấm trên vô lăng cũng phản ánh mức độ sử dụng, nếu chữ và ký hiệu bị mờ tức là xe bị khai thác quá mức.

Theo ông Lê Văn Định, Giám đốc gara OND (Phú Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội), lịch sử chiếc xe luôn gắn với chủ cũ và quá trình khai thác.

Nếu là xe cá nhân dùng bình thường, mỗi tháng đi khoảng 1.200km. Nếu là xe taxi thì gấp ba lần (khoảng 3.600km/tháng). Như vậy, xe cá nhân sẽ đi khoảng 1,4 vạn cây số mỗi năm, taxi đi khoảng 4,2 vạn mỗi năm. Chỉ cần căn cứ vào những chỉ số này có thể sẽ phát hiện chiếc xe có bị tua ODO hay không.

Cũng theo ông Định, xe cũ được bán liên tỉnh, nếu khoảng cách quá xa như xe từ phía Nam bán ra miền Bắc hoặc ngược lại thì cũng nên suy xét, vì sao phải bán chiếc xe cách xa hàng nghìn cây số, liệu có vấn đề gì không?

Các kỹ thuật viên ô tô đều có chung nhận định, nên đàm phán để đưa xe cũ đến kiểm tra chính hãng trước khi mua, vì lịch sử bảo dưỡng và ODO cơ bản đầy đủ ở chính hãng, được liên thông dữ liệu. Nếu nơi bán xe cũ không chấp nhận cho kiểm tra chính hãng thì không nên xuống tiền.

Chưa có chế tài xử lý

Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn (Văn phòng luật Tinh Hoa Việt), tua công-tơ-mét ở Việt Nam hiện nay chưa có chế tài xử lý, trong khi ở nước ngoài, người làm việc này có thể phải đi tù và nộp phạt số tiền lớn.

Ngoài việc cần sớm có chế tài xử phạt, nạn tua ODO có thể chấm dứt nếu các hãng xe có những giải pháp kỹ thuật bằng hộp đen, chặn đứng can thiệp bằng phần mềm ngoại lai”.

 Theo Báo Giao thông