Dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nằm cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350m về phía thượng lưu (nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long). Khởi công tháng 2/2020, với tổng chiều dài 6,6 km. Dự án khi đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023, giúp hoàn thiện cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, góp phần giảm tải giao thông cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và Quốc lộ 1.
Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài 6,6 km. Trong đó cầu Mỹ Thuận 2 có phần nhịp chính dài 2 km thiết kế với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Cầu có điểm đầu nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Đến thời điểm này, công trình cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu trị giá hơn 5.000 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành.
Công nhân đang lắp bảng chỉ dẫn km hướng về Tiền Giang.
Ghi nhận của phóng viên VTV News, hiện các đơn vị thi công đang nỗ lực hoàn thiện các hạng mục phụ trợ cuối cùng, như: kè gia cố bờ sông, lắp đặt lan can, dải phân cách thép, hệ thống biển báo, hệ thống điện chiếu sáng... Dù tăng ca liên tục nhưng đội ngũ kỹ sư và công nhân vẫn vô cùng nhiệt huyết và phấn khởi.
Theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải - chủ đầu tư) đây là dự án cầu dây văng lớn, phức tạp với nhịp chính dài 650m; hai trụ tháp cao 125,5m; 128 bó cáp văng và 32 đốt đúc.
Sau 26 năm kể từ khi cầu Mỹ Thuận cầu dây văng bắc qua sông Mekong đầu tiên ở Việt Nam được Chính phủ Australia hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật, giờ đây, cầu Mỹ Thuận 2 đang được xây dựng hoàn toàn bằng bàn tay, khối óc của những kỹ sư, công nhân Việt Nam. Đây là lần đầu Việt Nam thực sự làm chủ công nghệ xây dựng một cây cầu lớn, phức tạp và có được những nguồn lực tốt nhất, những nhà thầu xây dựng có nhiều kinh nghiệm thi công các công trình lớn khắp cả nước...
Các đoạn đường dẫn lên cầu, các điểm đầu nối lên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã hoàn thành.
Cùng với cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là hai công trình có tổng mức đầu tư 10 nghìn tỉ đồng sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng sẽ nối thông tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ, kết nối liên thông giao thông, giao thương giữa trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistics trong khu vực, giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu đang quá tải và Quốc lộ 1A, nhất là trong những dịp lễ, Tết.
Đồng thời, rút ngắn đoạn đường di chuyển từ trung tâm kinh tế phía Nam đi Cần Thơ từ 4 giờ xuống còn hơn 2 giờ - là niềm kỳ vọng của hơn 20 triệu người dân ĐBSCL.
Đội xe thử tải qua cầu.
Cầu Mỹ Thuận 2 là cầu dây đầu tiên được xây dựng hoàn toàn bằng bàn tay, khối óc của những kỹ sư, công nhân Việt Nam. Kể từ năm 1997, khi cầu Mỹ Thuận cầu dây văng bắc qua sông Mekong đầu tiên ở Việt Nam được Chính phủ Australia hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật.
Theo VTV.vn