Theo Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2023 tai nạn giao thông (số liệu sau khi thực hiện Điện số 107 ngày 18/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo rà soát, thống kê báo cáo số liệu năm 2022 và 2023): toàn quốc xảy ra 22.067 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 1.285 vụ (-5.5%), giảm 1.922 người chết (-14.18%), tăng 660 người bị thương (+4.51%).

Có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 11 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Thừa Thiên - Huế, Lai Châu, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bến Tre, Điện Biên; còn 28 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 12 tỉnh tăng trên 30% là Hưng Yên, Lạng Sơn, KonTum, Trà Vinh, Sơn La, Nam Định, Long An, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Tây Ninh. Trong đó, có 06 tỉnh có số người chết tăng trên 80% trở lên là: Long An, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Tây Ninh. Tính đến ngày 05/01/2024, Hà Nội và Đăk Lắk chưa có báo cáo số liệu.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 03/1/2023, tổng số lượt bệnh nhân khám, cấp cứu TNGT là gần 500.000 trường hợp. Tổng số trường hợp TNGT có xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là gần 150.000 trường hợp, trong đó, số trường hợp TNGT có vi phạm nồng độ cồn trong máu là trên 60.000 trường hợp.

Về Ùn tắc giao thông: xảy ra 130 vụ, tăng 52 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân: do tai nạn giao thông 81 vụ (chiếm 62.31%), sạt lỡ đất 23 vụ (17.69%), lưu lượng phương tiện tăng cao 07 vụ (chiếm 5.38%); sự cố phương tiện 03 vụ (2.31%), mưa lớn 08 vụ (chiếm 6.15%); nguyên nhân khác 04 vụ (chiếm 3.08%).

Ngày 25/5/2023 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết  số 149 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới và Chỉ thị số 31 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh, đồng thời ban hành 06 Công điện chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT dịp cao điểm và khắc phục các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Ủy ban ATGT Quốc gia đã ban hành 02 Công điện, 10 kế hoạch và gần 60 văn bản đôn đốc thực hiện các giải pháp nâng cao ATGT. Bộ Công an đã ban hành 05 kế hoạch, điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT, trong đó phải kể đến 02 Kế hoạch là Kế hoạch số 299 về tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT và Kế hoạch số 382 về mở đợt tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container trên toàn quốc đã có tác động tích cực rất lớn trong công tác bảo đảm TTATGT, nhận được sự ủng hộ của dư luận. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm TTATGT trong quản lý hoạt động vận tải. Các Bộ, ngành là thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện các Chỉ thị của Đảng, nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được quan tâm, Chính phủ đã ban hành 01 Nghị định, các Bộ, ngành thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, đặc biệt là Bộ GTVT, Bộ Công an đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các dự thảo văn bản QPPL trực tiếp liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT. Đối với Dự án Luật Đường bộ và Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ: tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã cho ý kiến đối với 02 dự án Luật, Bộ GTVT và Bộ Công an đã tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các Đại biểu Quốc hội tại tổ và tại hội trường. Dự kiến theo kế hoạch Quốc hội sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Ngoài ra, Bộ Công an đã ban hành 06 thông tư, Bộ GTVT đang triển khai xây dựng 08 Thông tư liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT, bên cạnh đó, Bộ GTVT đang triển khai tổng kết Luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật đường sắt.

Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí và các địa phương đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT với nhiều hình thức đa dạng: Lễ ra quân năm ATGT 2023, tặng mũ bảo hiểm cho toàn bộ học sinh lớp 2023, Marathon Vì An toàn Giao thông năm 2023; các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT; phát động năm ATGT 2023 trong đoàn viên thanh niên; thường xuyên, kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT; Bộ Công an triển khai Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT năm 2023; Ngoài ra, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác truyên truyền đảm bảo TTATGT với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng tin, bài về giao thông nói chung từ 01.01.2023 đến 31.12.2023 là 429.100 tin bài, tăng 48.647 tin, bài so với cả năm 2022 (380.453 tin, bài). Riêng tin, bài tuyên truyền về ATGT là 72.960 tin, bài, tăng 18.188 tin, bài so với năm 2022 là 54.772 tin, bài.

Bộ Công an đã chỉ đạo CSGT, Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường TTKS, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung vào 05 nhóm chuyên đề (1) Chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”; (2) Chuyên đề “Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm”; (3) Chuyên đề “cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ”; (4) Chuyên đề “vi phạm tốc độ”; (5) Chuyên đề “Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện”. Gần đây là kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container trên toàn quốc. Các chuyên đề trên đã và đang phát huy tác dụng rất tích cực trong kéo giảm TNGT trên toàn quốc. Kết quả: lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý gần 3,5 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền trên 6.500 tỷ đồng, tước hơn 664.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần trên 1 triệu phương tiện các loại. Trong đó, trên đường bộ, có xử lý gần 800.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gần 3000 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, trên 66.000 trường hợp chở hàng quá tải và gần 5.000 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện; trên đường sắt, có 154 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; đường thủy nội địa, có 151 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và trên 35.000 trường hợp chở quá vạch dấu mớn nước an toàn. Về thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hoá bằng container trên toàn quốc, kết thúc kế hoạch đã xử lý hơn 65.000 trường hợp vi phạm,

Bộ GTVT đã triển khai 08 nội dung thanh tra, kiểm tra về các lĩnh vực liên quan đến bảo đảm TTATGT, gồm: kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và cung cấp dịch vụ nhà ga hàng hoá, kho hàng hóa; kiểm tra công tác quản lý, điều phối giờ hạ, cất cánh tại một số cảng hàng không, sân bay; kiểm tra công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng; quản lý tài sản đường sắt; quản lý hoạt động vận tải; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái tàu; công tác quản lý, cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt; kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên  toàn quốc. Từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 14/12/2023, các Cục quản lý chuyên ngành và Thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện trên 60.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính hơn 38.000 vụ với số tiền xử phạt trên 189 tỷ đồng; tạm giữ 184 ô tô; đình chỉ hoạt động 34 bến và 104 phương tiện thủy nội địa; giám sát 666 kỳ sát hạch lái xe ô tô và 601 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Bộ GTVT hoàn thành thi công xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng 21 công trình, dự án, trong đó một số dự án lớn phải kể đến như: DATP đoạn Mai Sơn - QL45; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn QL45- Nghi Sơn, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự án cầu Mỹ Thuận 2; dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên,  vốn vay WB; Dự án ĐTXD công trình Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông  Hậu (giai đoạn 2); dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là  thành phố Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng,…; phê duyệt Kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2023 đối với hệ thống quốc lộ, Đường thủy nội địa, Hàng hải, Đường sắt, Hàng không, trong đó: lĩnh vực đường bộ: điểm đen TNGT, đã xử lý xong 29/43 điểm. Điểm tiềm ẩn TNGT, đã xử lý xong 53/74 điểm. Về lĩnh vực đường sắt: đã phối hợp cùng địa phương thực hiện rào thu hẹp tại 1.355/1.811 vị trí (đạt 74,8%). Về lĩnh vực đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không: Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình, kết cấu hạ tầng năm 2023.

Công tác quản lý vận tải cơ bản đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; giá cước vận tải được công khai niêm yết, các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm nhiều so với các năm trước.

Về công tác đăng kiểm phương tiện: hiện cả nước có 274/291 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với 445/541 dây chuyền kiểm định, chiếm khoảng 82,3% năng lực kiểm định toàn hệ thống; trong số 17 trung tâm đang phải dừng hoạt động có 14 trung tâm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra vi phạm của cơ quan chức năng, 03 trung tâm dừng hoạt động do không đủ điều kiện hoặc tự đóng cửa. Số liệu đến hết tháng 12/2023, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã kiểm định được 5.358.411 lượt phương tiện;.

Toàn quốc đăng ký mới trên 408.000 xe ô tô, gần 2,5 triệu xe mô tô. Nâng tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/12/2023 là trên 6,3 triệu xe ô tô và trên 74 triệu xe mô tô.

Công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe; cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái tiếp tục được nâng cao theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giám sát. Ngành GTVT đã phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan liên quan triển khai dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên công dịch vụ công quốc gia.

Về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, dưới sự chỉ đạo toàn diện của Bộ Công an, lực lượng công an, nhất là cảnh sát giao thông các cấp ngoài việc thực hiện công tác bảo đảm TTATGT đã có nhiều giải pháp quyết liệt, thường xuyên, liên tục trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện nên tình trạng xe quá tải, vi phạm kích thước thùng hàng đã giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, để tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, Thanh tra chuyên ngành đường bộ sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra trên 86.000 xe, trong đó có gần hơn 9.000 xe vi phạm, tước hơn 2.000 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước hơn 98 tỷ đồng. Lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 66.153 trường hợp chở hàng quá tải.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia  đánh giá năm 2023, kinh tế xã hội tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, nhu cầu đi lại tăng, đồng thời tập trung nhiều đợt cao điểm về TTATGT đã tạo áp lực lớn lên công tác bảo đảm TTATGT, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương tình hình TTATGT trong năm 2023 về cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết, cụ thể: giảm 1.285 vụ (-5.5%), giảm 1.922 người chết (-14.18%). Đặc biệt, nhằm thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2023 là “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, ngành Công an đã ra quân thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương với tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm qua đó đã xử lý 770.374 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 23,04% tổng số vi phạm), trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ công chức, viên chức, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang, qua đó góp phần kéo giảm số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn, đặc biệt là trong các dịp cao điểm nghỉ Lễ, Tết. Bên cạnh đó, số vụ ùn, tắc giao thông trong các dịp cao điểm được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành thành xe tại các địa phương đã được xử lý một cách căn bản.

Ngày 13 tháng 12 năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức công bố Báo cáo ATGT Đường bộ toàn cầu 2023 trong đó tổng kết những thành tựu chính của Kế hoạch hành động toàn cầu Thập kỷ vì an toàn giao thông đường bộ lần thứ nhất (2011-2020); công bố số liệu nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ toàn cầu năm 2021; những thay đổi về thể chế, chính sách về ATGT của các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc; dữ liệu cơ sở để so sánh, kiểm chứng và đánh giá kết quả cho của Kế hoạch hành động toàn cầu Thập kỷ vì an toàn giao thông đường bộ lần thứ hai (2011-2020). Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan thường trực về ATGT của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam là 1 trong số 45/193 quốc gia thành viên có tỷ lệ nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ giảm trên 30%  trong giai đoạn 2011-2020. Theo tính toán của WHO, tỷ lệ số người tử vong trên của Việt Nam đã giảm từ 25.4 người/100.000 dân vào năm 2010 xuống còn 17.7 người/100.000 dân vào năm 2021 (giảm 43,5%).

Đạt được những kết quả trên là do những nguyên nhân sau:

Một là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao và sự vào cuộc nghiêm túc của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT. Hai là, Bộ Công an đã có Kế hoạch về bảo đảm TTATGT trong toàn lực lượng Công an; Cảnh sát giao thông của Bộ Công an và các địa phương tăng cường tối đa lực lượng, phối hợp với các lực lượng liên quan tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, nhất là duy trì kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo chuyên đề xuyên suốt trong các dịp cao điểm.... có vai trò quan trọng trong kéo giảm tai nạn giao thông. Ba là, ngành Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm đổi mới, điều chỉnh kịp thời tổ chức giao thông; chủ động rà soát, phát hiện, đồng thời tiếp thu kiến nghị của lực lượng CSGT, chính quyền địa phương, báo chí và người dân để xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; phối hợp chặt chẽ với ngành Công an trong xử lý dứt điểm các bất cập, hạn chế trong lĩnh vực đăng kiểm; siết chặt quản lý vận tải. Bốn là, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí đã kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh TNGT.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình tại Quảng Nam xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết; tại Nghệ An xảy ra 01 vụ làm 03 người chết và 01 người bị thương; tại Hòa Bình xảy ra 01 vụ làm chết 03 người và 01 người bị thương; tại Điện Biên 01 vụ làm chết 4 người, bị thương 1 người; tại Phú Yên làm 04 người bị chết và 05 người bị thương; tại Lào Cai làm 03 người chết; tại Khánh Hòa làm 04 người chết; mới đây nhất là tại Hà Giang làm 03 người chết và tại Đồng Nai làm 05 người chết v.v…. Số người bị thương do TNGT còn tăng. Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng tụ tập, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố. Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông chưa được xử lý triệt để. Tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng tại các đô thị lớn. Hành vi chống người thi hành công vụ gia tăng.

Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế: Hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, coi việc bảo đảm TTATGT chỉ là trách nhiệm của ngành GTVT và Công an. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng.

Mộng Tuyết