Cà Mau đã và đang thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 về việc tập trung vận dụng thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Từ thời gian quy hoạch này được phê duyệt vào năm 2013 đến nay tỉnh đã thu hút trên 182,1 tỷ đồng vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Trung ương, tỉnh Cà Mau tập trung nguồn lực địa phương tăng cường xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong 05 năm qua, đã triển khai, hoàn thành, đưa vào khai thác 1.255 km đường giao thông, với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng.
Với phương châm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông, tập trung vào các tuyến huyết mạch, đường vành đai và các trục giao thông hướng trung tâm. Trong đó, tranh thủ vận dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên các tuyến trọng điểm về giao thương, vận tải… phục vụ tích cực nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, đã thực hiện được 24 công trình, nổi bật là khu Quảng trường văn hóa trung tâm tỉnh Cà Mau, cầu Kênh Mới và cầu Kênh 90, đường Cái Nước – Vàm Đình, đường Tắc Thủ - U Minh, cầu Rạch Ruộng nhỏ, cầu Sông Trẹm,…. đường ô tô từ trung tâm huyện đã kết nối đến 76/82 xã.
Trong 5 năm, đã huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; các dự án công trình giao thông trọng điểm, cấp bách, các công trình điều tiết phân luồng giao thông đã được triển khai thực hiện: tuyến đường Quản Lộ Phụng Hiệp, Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 63, Dự án đường Hành lang ven biển phía Nam, đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn – Đất Mũi), cầu Phụng Hiệp, cầu Hòa Trung, cầu Kênh Tắc, cầu Đầm Cùng, cầu Năm Căn,... Những tuyến đường này khi đưa vào sử dụng đã góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn..
Tuyến đường Hành lang ven biển Phía nam đi vào sử dụng góp phần giảm tải cho tuyến Quốc lộ 63, hạn chế tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường này – Ảnh: Văn Đum
Đặc biệt, trong thời gian qua Sở Giao thông Vận tải cũng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập và ban hành Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ và đưa vào hoạt động từ tháng 04/2013 theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải. Đến nay tổng số tiền thu phí được hơn 07 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn kinh phí Quỹ bảo trì đường bộ đã phân khai chi tiết kế hoạch chi để đầu tư, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường trên địa bàn tỉnh phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương.
Bên cạnh công tác đầu tư, quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, xác định và kiến nghị cấp có thẩm quyền phối hợp kiểm tra khảo sát kịp thời khắc phục các điểm mất an toàn giao thông; kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn kỹ thuật và trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Trong 5 năm qua các lực lượng chức năng phối hợp rà soát điều chỉnh, bổ sung báo hiệu giao thông trong nội ô thành phố Cà Mau, các tuyến đường tỉnh quản lý. Trong đó, lắp đặt mới 42 biển báo, bổ sung 158 trụ và 259 biển, di dời 07 trụ và 13 biển, thay thế 28 trụ và 55 biển, sửa chữa 17 trụ và 50 biển, sơn bảo dưỡng 235 trụ.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh bên cạnh những kết quả mà Cà Mau đạt được thì trong công tác này cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể là việc giữ địa bàn sau giải tỏa gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, thiếu phương tiện kiểm tra (vì việc quản lý địa bàn sau giải tỏa được giao cho các xã, phường, thị trấn tại địa phương quản lý và nòng cốt là lực lượng công an trong khi đó công an xã chưa có cơ chế kinh phí hoạt động, thiếu phương tiện, kinh phí tuần tra kiểm soát).Vẫn còn xảy ra tình trạng cất nhà vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, hợp chợ trái phép. Quốc lộ 63 mặt đường hẹp, trong khi lưu lượng xe lưu thông lớn nên ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và khả năng vận chuyển hàng hoá. Kết cấu hạ thầng giao thông đường bộ còn hạn chế so với nhu cầu, đường về trung tâm xã, liên xã đang thi công, nhưng tiến độ chậm, cầu chưa đồng bộ, đường giao thông nông thôn mặt đường hẹp, có nơi hư hỏng xuống cấp chưa được sữa chữa kịp thời, biển báo chưa đầy đủ hoặc hư hỏng. Phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, nhất là mô tô và xe gắn máy (bình quân tăng trên 20%/năm) trong khi đó cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu tăng mật độ phương tiện lưu thông,… gây mất trật tự an toàn giao thông.
Văn Đum – Báo ảnh Đất Mũi.