Theo đề xuất mới đây, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe ô tô. Trẻ em dưới 4 tuổi ngồi ghế thiết kế dành cho trẻ em - Ảnh minh họa: Which.co.uk

Đó là đề xuất của Bộ Công an bổ sung cho dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (trừ ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo luật quy định của pháp luật đường bộ). 

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến xung quanh đề xuất này.

Xe ô tô nhà, con tôi ngồi đâu cũng được?

Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự kiến góp ý lần đầu vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023).

Đề xuất phải có ghế riêng cho trẻ dưới 4 tuổi và quy định trẻ dưới 10 tuổi, thấp hơn 1,35m không được ngồi hàng ghế trước (ngang với người lái) là vấn đề được quan tâm nhiều.

Thực tế ở khắp nơi cho thấy không khó để bắt gặp cảnh cha mẹ cho con nhỏ ngồi ở ghế trước ô tô khi xe đang chạy. 

Nhiều người có thói quen nếu chỉ có cha hoặc mẹ lái xe sẽ cho con nhỏ ngồi ở ghế trước. Một người quen của tôi có con hơn 2 tuổi bày tỏ: "Tôi có đọc thông tin khuyến cáo, biết để con nhỏ ngồi ghế phía trước không an toàn và chẳng may xảy ra tai nạn dễ gặp nguy hiểm hơn người lớn. 

Nhưng nếu chỉ có hai bố con trên xe phải cho con ngồi ghế trước để còn dễ quản. Ngồi ghế này rộng rãi, thoải mái hơn, có cài dây an toàn và con ngắm được đường phố".

Một mẫu ghế dành cho trẻ nhỏ trong xe hơi - Ảnh minh họa: Which.co.uk

Với trẻ độ tuổi tiểu học, việc ngồi ghế trước là chuyện hằng ngày khi đi học, đi chơi dù trẻ có thể ngồi an toàn phía sau (một mình hoặc ngồi cùng người lớn). Đây là chỗ ngồi yêu thích với trẻ và nhiều người lớn vẫn đang chiều con, nghĩ đi đường gần, thậm chí nghĩ đơn giản là con ngồi đâu cũng được.

Tôi thử làm một khảo sát nhỏ với người thân quen về việc này. Nhiều người nói "xe nhà, con tôi thích ngồi đâu cũng được". Hầu hết băn khoăn chuyện sẽ phải mất thêm chi phí mua thêm ghế cho con.

Một anh ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho hay sau lần con trai 3 tuổi ngồi ghế trước nghịch sang vô lăng lúc xe đang chạy, suýt gây tai nạn, anh đã phải mua ghế phụ về lắp cho con ngồi sau. 

"Cháu hiếu động, chưa ý thức được, hôm đó đã cài dây an toàn rồi vẫn với tay sang vô lăng lúc bố đang lái xe trên đường. Do bất ngờ nên tôi loạng choạng, suýt va chạm với xe tải đi bên cạnh. Thực sự rất nguy hiểm".

Một chị bạn từng sống ở Mỹ ủng hộ việc có quy định cấm trẻ em ngồi ghế trước. Chị cho rằng ở Mỹ việc cấm trẻ em dưới 12 tuổi ngồi ghế trước và phải có ghế chuyên dụng đã áp dụng từ rất lâu. 

Việt Nam cũng cần sớm xem xét nghiên cứu, luật hóa để thực hiện. Không nên để con thích ngồi đâu trên xe cũng được bởi đây là vấn đề liên quan đến an toàn, tính mạng con người. Ủng hộ đề xuất mới, trước hết vì an toàn cho con em mình là việc nên làm sớm.

Tại Anh, trẻ em dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 135cm phải sử dụng ghế trẻ em khi di chuyển bằng ô tô. Trẻ hơn 12 tuổi hoặc cao hơn 135cm phải thắt dây an toàn. Trẻ dưới 15 tháng tuổi phải sử dụng ghế trẻ em (i-Size) có mặt quay về phía sau tại hàng ghế phía sau.

Tại Đức, trẻ dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 150cm phải sử dụng ghế ngồi cho trẻ em hoặc loại ghế nâng khi đi xe. Trẻ em không được ngồi hàng ghế phía trước trừ khi túi khí đã ngừng kích hoạt. Mức phạt khi vi phạm sẽ là 70 EUR.

Tại Pháp, trẻ em dưới 10 tuổi phải ngồi ghế dành cho trẻ em và không được ngồi ở hàng ghế phía trước cạnh tài xế. Tại Nga, quy định này áp dụng với trẻ em dưới 12 tuổi.

Tại Mỹ, từng tiểu bang có quy định khác nhau về vấn đề ghế ngồi cho trẻ em trong độ tuổi dưới 12 tuổi, nhưng quy định về ghế ngồi cho trẻ em (ghế chuyên dụng có dây giữ, ghế nâng, thắt dây an toàn) luôn được yêu cầu phải thực hiện.

Bảo vệ an toàn cho trẻ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quĩ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy trẻ em còn nhỏ được ngồi hàng ghế phía sau và trong ghế an toàn cho trẻ em có thể giảm tới 60% nguy cơ thương tích và tử vong trong các vụ tai nạn giao thông.

Ở các quốc gia phát triển, 90% cha mẹ thường xuyên sử dụng ghế an toàn cho trẻ nhưng ở châu Á nói chung tỉ lệ này chưa đến 5%.

Khi để trẻ em ngồi ghế phụ phía trước, trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí có thể bung ra với vận tốc lên tới 300 km/h. Cơ thể người trưởng thành có thể chịu được lực tác động này, nhưng cơ thể trẻ nhỏ có phần lưng và cổ rất yếu nên dễ bị tổn thương.

Về cấu trúc sinh học, trẻ nhỏ cũng có tỉ lệ đầu lớn so với cơ thể nên khó giữ thăng bằng hơn người trưởng thành. Chính vì vậy, trẻ nhỏ dễ bị sai tư thế vào thời điểm túi khí bung ra nên có thể bị chấn thương nghiêm trọng.

Dây đai an toàn vừa vặn với người lớn, trẻ có thể bị lọt ra ngoài, thậm chí bị lao về phía trước nếu có tai nạn xảy ra.

Bộ Công an đã đưa nội dung này vào dự thảo luật. Việc này nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ em trên ô tô.

* TS Trần Hữu Minh (chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):

Phải có thiết bị an toàn cho trẻ

Trong trường hợp không may xảy ra tai nạn giao thông, người ngồi ở vị trí ngang với lái xe ô tô hấp thụ nhiều lực xung động nên có xác suất tử vong cao gấp bốn lần so với ngồi ghế sau.

Việc cấm trẻ em ngồi ở hàng ghế trước và bắt buộc trẻ nhỏ (dưới 4 tuổi) phải có thiết bị an toàn như đề xuất của Bộ Công an là có cơ sở. Đồng thời, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng quy định này.

Dây an toàn trên xe ô tô được thiết kế cho người trưởng thành và có tác dụng rất nhỏ đối với trẻ em. Do vậy, cần thiết phải có thiết bị an toàn dành riêng cho trẻ và phải được luật hóa sớm tại Việt Nam. Từ đó các cơ quan chức năng có những bộ tiêu chuẩn, quy định cụ thể về thiết bị này.

* TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên giám đốc Nhà xuất bản GTVT):

Cần sớm luật hóa

Tôi ủng hộ đề xuất của Bộ Công an. Nhiều nước có quy định không cho trẻ em ngồi gần người lái. Trẻ dưới 10 tuổi chưa đầy đủ hiểu biết và hiếu động, ngồi bên cạnh tay lái có thể gây ảnh hưởng, thậm chí khiến lái xe mất tập trung, vô tình làm mất an toàn.

Thêm vào đó, khi va chạm thông thường phía trước chịu ảnh hưởng nặng nhất và dù có thắt dây an toàn nhưng khả năng nguy hiểm, bị sát thương nặng có xác suất cao hơn.

Do đó, cần sớm luật hóa quy định này và cần nghiêm túc thực hiện chứ không thể thương con rồi cho ngồi phía trước cùng. Không được đùa với vấn đề an toàn.

Trong xu hướng nhiều gia đình trẻ chuyển sang sử dụng ô tô tăng nhanh tại Việt Nam, quy định về thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em vô cùng cần thiết, để giữ trẻ không bị văng ra khỏi chỗ ngồi, ngăn chặn việc trẻ bị va đập vào các bề mặt nội thất của xe hay các vật thể bên ngoài.

Đồng thời, hướng các lực tác động lên trẻ tới các vị trí có sức chịu lực mạnh nhất, phân bố lực tác động, bảo vệ đầu, cổ và cột sống của trẻ nếu có xảy ra va chạm.

* Ông Bùi Danh Liên (phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội):

Cần có đánh giá, nghiên cứu cụ thể

Tôi ủng hộ nhưng vẫn lo lắng với tính khả thi của đề xuất này trong điều kiện thực tế của xã hội, giao thông Việt Nam hiện nay.

Đề xuất này liệu đã phù hợp với trình độ, nhận thức của người dân hay chưa? Liệu người dân có nghiêm túc thực hiện hay không? Việc xác định các trường hợp trẻ em dưới 10 tuổi hoặc dưới 1,35m cũng rất khó cho việc xử lý vi phạm.

Đó là những vấn đề cần phải có đánh giá tác động, nghiên cứu cụ thể, tránh việc ban hành rồi nhưng sau đó người dân lại không nghiêm túc thực hiện.

Cùng với đề xuất các quy định cần phải có biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nhận thức rõ các vấn đề, đặc biệt liên quan an toàn của trẻ em khi ngồi trong xe ô tô lưu thông trên đường.

Theo tuoitre.vn