TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia

Vừa qua, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với UBND TP Hà Nội, Báo Giao thông, Nhà hát Kịch Việt Nam và cộng đồng cựu học sinh PTTH Hà Nội khóa 1991-1994 tổ chức sự kiện đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe”. Báo Giao thông trao đổi với TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia xung quanh sự kiện này.

Chỉ dùng phương pháp cũ khó đạt hiệu quả như mong đợi

Đã có rất nhiều vụ TNGT thương tâm liên quan đến vi phạm nồng độ cồn xảy ra thời gian qua, đặc biệt vụ tài xế xe Mercedes uống rượu bia say đâm chết 2 người phụ nữ ở hầm Kim Liên khiến dư luận bàng hoàng. Ông nhận định đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Tôi cho rằng, nguyên nhân trực tiếp là sự bất cập trong quy định pháp luật, nhận thức của một bộ phận người dân cũng như hiệu lực thực thi pháp luật về lĩnh vực này còn kém. Vi phạm nghiêm trọng nồng độ cồn nếu chưa gây hậu quả, hiện nay chúng ta vẫn đang thiếu án lệ hoặc hướng dẫn thực hiện trong Luật Hình sự. Gần như chưa có địa phương nào xử phạt hình sự được hành vi vi phạm nghiêm trọng về nồng độ cồn chưa gây hậu quả, dù bản chất của vi phạm là tội phạm nghiêm trọng, là hành vi giết người chưa gây hậu quả.

Hiện, chúng ta đang triển khai nhiều biện pháp như xây dựng các án lệ hoặc hướng dẫn thực hiện khi xử lý các tội xâm hại ATGT để các địa phương thực hiện, đưa ra truy tố các trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tiếp tục nghiên cứu nâng cao mức phạt... Nhưng theo tôi, nếu chúng ta chỉ tiếp tục thực hiện với các phương pháp cũ, sẽ chỉ có kết quả không mấy khả quan như hiện nay. Muốn có kết quả mới, cần thay đổi cách tiếp cận giải quyết vấn đề.

Hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe hiện mới chỉ bị xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe

Cụ thể là gì thưa ông?

Trong vấn đề rượu bia, sử dụng ma túy khi lái xe, các quốc gia phát triển kết hợp cả 4 giải pháp hình sự - hành chính - giáo dục và kinh tế rất hiệu quả. Trong khi đó, chúng ta mới chỉ chú trọng hành chính là phạt tiền. Nhưng việc làm này vẫn đang thiếu hệ dữ liệu để quản lý và xử lý những người tái phạm.

Chúng ta mới xử phạt hình sự khi có hậu quả, trong khi hành vi vi phạm nghiêm trọng chưa gây hậu quả về bản chất là tội phạm nghiêm trọng thì chưa bị xử lý hình sự. Có thể thấy, thế giới đã dùng 4 công cụ với đầy đủ hiệu lực, còn chúng ta mới có 2 và 2 công cụ này cũng chưa đầy đủ.

Do vậy, cần sớm sửa quy định pháp luật để kết hợp hiệu quả giữa các công cụ về hình sự để có thể xử lý vi phạm nghiêm trọng, kể cả khi chưa gây hậu quả. Công cụ hành chính cũng cần tiếp tục nghiên cứu nâng cao các mức phạt để đủ sức răn đe, đồng thời xây dựng hệ dữ liệu để quản lý tái phạm, chia sẻ giữa các cơ quan của ngành: Công an, GTVT, Y tế, Bảo hiểm và chính quyền địa phương để phối hợp quản lý.

Công cụ giáo dục như: Lao động công ích, học lại, thi lại bằng lái xe cũng cần khắt khe hơn. Về kinh tế, cần thay đổi mức bảo hiểm theo mức độ rủi ro của phương tiện người lái và lịch sử lái xe. Để làm được điều đó, phải sửa một loạt luật... những điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta.

Tổng cục Đường bộ VN vừa đề xuất tăng mức xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn lên cao nhất 40 triệu đồng và tước GPLX 2 năm. Một số người cho rằng, mức xử phạt tiền như vậy là quá nặng và quá cao so với mức thu nhập của đại bộ phận người dân tại Việt Nam. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Tôi cho rằng, đề xuất này là có căn cứ. Các nhà làm luật đã tham chiếu để mức phạt đưa ra phải đủ sức răn đe, đồng thời để người vi phạm nghĩ đến phải “chùn bước”, để họ không muốn, không dám và không thể vi phạm.

Mức thu nhập trung bình của Việt Nam từ 15 - 20 triệu đồng/tháng chỉ là ở mức trung bình. Tăng mức xử phạt lên 40 triệu đồng so với mức thu nhập trung bình này không phải là quá cao. Việc đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn được tham chiếu kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã rất thành công trong việc họ áp dụng những giải pháp mạnh để có thể vừa tuyên truyền, vừa giáo dục vừa xử lý vi phạm nhằm kéo giảm thành công TNGT.

Vết bẩn trong một bức tranh đẹp

Thống kê chính thức của Cục CSGT, tỷ lệ TNGT do vi phạm quy định nồng độ cồn tại Việt Nam thường dưới 5%, trong khi nghiên cứu độc lập của Tổ chức Y tế thế giới WHO, tỷ lệ này vào khoảng 36% trong ngày thường; vào dịp lễ, Tết, con số này lên tới hơn 60%, phần lớn là các vụ rất nghiêm trọng.


Ông kỳ vọng thế nào về kết quả sẽ đạt được của Việt Nam trong việc ngăn chặn TNGT liên quan đến rượu bia tới đây?

Tại Việt Nam trong một nghiên cứu độc lập năm 2015 về ATGT tại TP HCM, khảo sát trực tiếp tại một số quán bia cho thấy, có tới 90% số hành khách sau khi sử dụng rượu bia vẫn trực tiếp lái xe về nhà.

Nhưng thói quen xấu này tại Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi. Tại các quốc gia phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ... vào những năm 1970-1990, vấn nạn uống rượu bia khi lái xe cũng hết sức nhức nhối. Tuy nhiên, sau hàng thập kỷ kiên trì thay đổi toàn diện kể cả về mặt luật pháp, giáo dục tuyên truyền, cưỡng chế xử phạt, tới nay ý thức chấp hành quy định về nồng độ cồn khi lái xe tại các quốc gia này đã trở nên rất tốt. Việt Nam là quốc gia đi sau, hoàn toàn có thể đạt được nhiều kết quả hơn trong thời gian ngắn hơn.

Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm huy động cả hệ thống chính trị và người dân chung tay ngăn chặn và đẩy lùi TNGT, tới nay Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang phát triển có khả năng thực hiện thành công mục tiêu Thiên nhiên kỷ của Liên hợp quốc về ATGT vào năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề vi phạm nồng độ cồn khi lái xe đang là một trong những vết bẩn trong một bức tranh đẹp và vết bẩn này cần phải bị loại bỏ.

Bản thân cũng là người cha trong gia đình, ông có nhắn gửi gì đến con cái và với người tham gia giao thông trong vấn đề này?

Đừng là tấm gương xấu cho con cái và gia đình bạn. Nếu bạn muốn những người bạn yêu quý nhất có một xã hội tốt hơn thì chính bạn phải làm gương và chính bạn phải hành động. Hãy tự giác chấm dứt hành vi lái xe sau khi uống rượu bia trước khi bị bắt và bị xử phạt.

Cảm ơn ông!

Đề xuất Quốc hội ra Nghị quyết để xử nghiêm “ma men” lái xe

Ngày 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện đã tập hợp được 2.293 kiến nghị của cử tri. Báo cáo cho biết, trong lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT, cử tri mong muốn Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá sớm tìm những giải pháp thực sự mạnh, hiệu quả để kiềm chế TNGT.

Nhấn mạnh nên lựa chọn vấn đề bức xúc để Quốc hội ra Nghị quyết yêu cầu giải quyết trong khi chưa kịp sửa các luật liên quan, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, “nóng” nhất vẫn là ATGT.

Trước tình trạng tài xế sử dụng ma túy, rượu, bia dẫn tới nhiều vụ tai nạn thảm khốc, ông Hiển cho rằng, điều này đòi hỏi cần xử lý quyết liệt và Quốc hội có thể ra nghị quyết. “Chẳng hạn như sử dụng ma túy, khi lái xe thì có thể tước bằng vĩnh viễn, hay uống rượu, bia gây tai nạn thì phải tước bằng, chịu trách nhiệm hình sự thì mới nghiêm được. Xử phạt như hiện nay thì rất khó. Quốc hội nên lựa chọn một số vấn đề nóng bỏng để ra nghị quyết coi đây như quy định của pháp luật, khi chưa có luật thì có thể áp dụng ngay”, ông Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến.

Văn Huế

Ký kết hợp tác “Uống có trách nhiệm và ATGT” năm 2019

Chiều qua (9/5), Ủy ban ATGT Quốc gia, Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) đã tổ chức sơ kết giai đoạn 2017-2018 và ký kết Chương trình hợp tác thực hiện chuỗi hoạt động “Uống có trách nhiệm và ATGT năm 2019”.

2 năm qua, Chương trình hợp tác giữa Ủy ban ATGT Quốc gia, APIWSA và VARD đã thực hiện nhiều hoạt động tại 45 địa phương như: Đào tạo nâng cao hiệu quả công tác thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến nồng độ cồn và nâng cao nhận thức “Đã uống rượu, bia - Không lái xe’’ đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; Truyền thông nâng cao nhận thức về uống có trách nhiệm tại cộng đồng; Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho học sinh, sinh viên về tác hại của sử dụng đồ uống có cồn khi chưa đủ tuổi và hậu quả của việc lái xe sau khi uống rượu, bia; Chia sẻ kết quả Nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu bia đến hành vi điều khiển mô tô, xe gắn máy do Ủy ban ATGT quốc gia, Hội ATGT và Trường ĐH Việt Đức thực hiện năm 2018; Nâng cao chất lượng kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với xe vận tải thương mại… Năm 2019, chương trình sẽ phủ hết 18 tỉnh, thành còn lại của cả nước.

C.Sơn

Bà Nguyễn Nga, Phó Tổng Biên tập Báo Giao thông: 
Pháp luật phải bảo vệ người dân trước những kẻ say xỉn lái xe

Tôi đã duyệt những tin bài đầu tiên về vụ tai nạn hầm Kim Liên trong sự phẫn nộ, xót xa vẫn còn đeo đẳng từ vụ chị lao công bị một kẻ say tông tử vong giữa đêm. Và khi biết 2 nạn nhân chính là 2 người bạn cùng niên khóa với mình thì đó là cảm giác đau đớn tột cùng.

Không thể tưởng tượng nổi khi hai người phụ nữ tươi tắn, có tinh thần sống vô cùng tích cực, chỉ trong một giây phút không kìm chế của một kẻ say đã bị cướp đi cuộc sống. Cả hai đều là những người mẹ đã phải cáng đáng mọi gánh nặng trong gia đình từ nhiều năm nay. Tôi và nhiều người bạn của mình đã khóc và quyết tâm phải làm điều gì đó để chặn đứng những kẻ giết người sau tay lái. Chắc chắn phải chặn họ lại.

Việc phòng chống tác hại rượu bia, vai trò và trách nhiệm của những người phụ nữ cần được đặt ở vị trí trung tâm. Rượu bia tràn lan vô độ là vấn nạn của xã hội hiện nay và phụ nữ là những người thấm thía nhất hệ lụy, hậu quả từ thực trạng này. Vai trò của phụ nữ trong việc phòng chống tác hại rượu bia ai cũng thấy rõ, nhưng tôi cảm nhận tiếng nói của những người vợ, người mẹ, của các hiệp hội phụ nữ chưa được tôn trọng.

Đã đến lúc phải thay đổi, những người phụ nữ phải lên tiếng mạnh mẽ hơn và tôi tin những người đàn ông văn minh sẽ ủng hộ họ. Vì không chỉ còn là những cuộc nhậu triền miên, những bữa cơm vắng bố, những thân hình và trí tuệ kiệt quệ vì rượu bia mà ngay trước mắt kia thôi là nguy cơ cướp đi tính mạng người khác, tước đoạt sự bình yên của chính gia đình mình.

Sau vụ tài xế say xỉn cướp đi cuộc sống 2 người bạn đồng niên, tôi đã gửi đường link bài viết cho chồng kèm theo lời nhắn “xin anh hãy về nhà an toàn, đừng bao giờ cầm lái khi đã uống”. Tôi cùng bạn bè đang tiếp tục cất lên tiếng nói của mình, đòi hỏi mọi người phải sống có trách nhiệm, đòi hỏi pháp luật phải bảo vệ người dân trước những kẻ say xỉn lái xe gây tội ác.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, đại diện cộng đồng cựu học sinh PTTH
khóa 1991 - 1994 Hà Nội:

“Để 2 người bạn của chúng tôi ra đi không vô nghĩa”

Chúng tôi mong muốn tổ chức sự kiện đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe” vì 2 lý do. Trước hết, chúng tôi đang cùng nhau tạo sân chơi của sự tử tế trên cơ sở tình bạn, muốn làm gì đấy để cảm ơn Hà Nội, nơi sinh ra, học tập và làm việc, muốn đóng góp xã hội bằng việc nâng cao nhận thức cộng đồng, muốn một Hà Nội đẹp, sạch, văn minh và an toàn sức khoẻ. Một Hà Nội giảm thiểu TNGT do được nâng cao nhận thức, ý thức là điều chúng tôi mong muốn.

Thứ nữa, chúng tôi muốn sự mất mát, ra đi của 2 người bạn 91-94 trong vụ tai nạn ở hầm Kim Liên gần đây không trở nên vô nghĩa. Chương trình cũng là để răn chính mình, chính những thành viên 91-94, để từ đó lan toả ra xung quanh.

Phải thú thật, bản thân tôi đã lái xe khi trong người có hơi men. Tôi uống không được nhiều nên thường xuyên phải ngủ một giấc ở bàn trước khi đi về, rất may là khi đó đã tỉnh táo hơn rất nhiều nên không gặp sự cố đáng tiếc nào. Sau vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 2 người bạn nhóm 91-94 là Yến và Quỳnh, chúng tôi thường xuyên nhắc nhau, hãy uống có trách nhiệm, uống theo sức, không ép nhau uống và xác định nếu phải uống thì đi phương tiện công cộng. Vợ tôi cũng trong cộng đồng 91-94 Hà Nội nên biết rõ các hoạt động của tôi với nhóm và thường xuyên khuyên tôi uống ít.

Theo atgt.vn