Bộ đề xe máy là linh kiện rất quan trọng giúp người lái khởi động xe dễ dàng. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, bộ đề có thể bị mòn, bị trượt dẫn đến không thể đề được, lúc này lái xe phải đạp cần khởi động mất rất nhiều sức.
1. Dấu hiệu nhận biết xe máy bị trượt đề
Trong các bộ phận của xe máy, củ đề có độ bền cao ít xảy ra hư hỏng nhất. Tuy nhiên, người điều khiển không bảo dưỡng thường xuyên hoặc sử dụng sai cách thì sao tránh khỏi việc xe máy bị trượt đề.
Nếu bộ đề hư hỏng nhận biết rất dễ. Đầu tiên bạn sẽ thấy trong quá trình di chuyển khó khởi động xe. Sau đấy khi lưu thông trên đường, nhiều lần xe xảy ra tình trạng chết máy giữa đường. Lâu dần nút đề không hoạt động, mỗi lần khởi động phải dận cần gạt.
Để chắc chắn xe đang gặp vấn đề có thể kiểm tra như sau:
Dùng điện kích vào bình ắc quy để kiểm tra. Nếu bình quá yếu phải bổ sung thêm nước hoặc thay ngay bình mới.
Tìm đến bộ phận rơ – le xem có hư hại để bắt tay vào sửa chữa.
Xác nhận lại xem than đề có mòn và mô tơ có chập không?
2. Nguyên nhân khiến xe máy bị trượt đề
2.1.Hỏng rơ-le
Rơ-le có vai trò hút nhả để vành răng khởi động của động cơ ăn khớp với vành răng đề. Khi rơ-le hoạt động không tốt, lái xe sẽ nghe thấy tiếng kêu tách tách liên tục.
Hiện tượng này là do nguồn cấp cho cuộn hút không ổn định khi đi qua rơ- le, gây tình trạng hút nhả liên tục. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động của đề gây vỡ răng, trượt đề.
2.2.Xe bị vả đề
Đây là hiện tượng khi người điều khiển ấn nút đề nhưng máy không nổ và có hiện tượng va đập bánh răng bất thường ở phía động cơ, có âm thanh chói tai.
Nguyên nhân là do IC đánh lửa không đúng lúc, đánh lửa quá sớm, cam đặt sai. Chúng gây nên hiện tượng nổ ngược chiều quay của mô tơ đề, ngược chiều quay động cơ. Từ đó gây nên tình trạng mẻ răng, vỡ răng đề, làm hư hỏng bộ đề.
2.3.Chổi than bị mòn
Chổi than là linh kiện bên trong bộ đề của xe máy. Sau một thời gian dài sử dụng nếu người dùng không bảo dưỡng chổi than định kỳ thì phần mạt do chổi than sinh ra sẽ bám vào phần nam châm vĩnh cửu được dính cố định ở vỏ bộ đề (stato).
Mạt càng nhiều sẽ làm cho khe hở giữa roto và stato nhỏ dần. Khi khoảng cách này quá nhỏ, mạt quá nhiều làm kẹt và bong nam châm của stato gây nên hiện tượng hỏng đề.
2.4.Các mối nối bị han gỉ
Hầu hết các mối nối đều không có nguyên liệu đồng hay nhôm nên nhanh bị rỉ sét và han gỉ. Trong quá trình sử dụng các mối nối từ đầu bình ắc quy đến bộ đề có thể bị ô xy hóa, bị han gỉ do nước mưa dính vào gây tiếp xúc kém.
Từ đó, dòng điện cung cấp từ ắc quy cho bộ đề không đủ lớn để làm quay mô men khiến động cơ không khởi động được.
Theo Theo Cartimes