Ăn nhậu cả đêm trên đường Phạm Ngọc Thạch (P.6, Q.3, TP HCM)
Nhìn đường sá tại một số tỉnh, thành tràn ngập quán nhậu, nhất là buổi chiều tối, rồi những “đệ tử của ma men” loạng choạng trên đường phố, ai cũng thấy bất an. Tôi chợt nhớ về hiểm họa mà bia rượu đã làm gia đình tôi tan nát.
Gia đình tôi rơi vào bi kịch chỉ vì rượu bia
Một chiều giữa năm 2009, sau khi tan ca làm việc, anh hai tôi lại có thói quen “lai rai” với bạn bè sau giờ làm như thường nhật. 19h, không thấy anh hai về ăn cơm tối, má tôi nhấc máy gọi liên tục, anh mới chào bạn bè để ra về.
Nhưng xui rủi đã xảy ra. Khi men bia thấm vào người, vì nghĩ nhậu cách nhà vài trăm mét nên anh không đội MBH như mọi khi, mà để “đầu trần” chạy về nhà cho nhanh. Cách nhà chừng 200m, một gã say rượu khác, đi ngược chiều, từ trong bụi cây ven đường đột ngột đâm vào xe máy của anh tôi. Cả hai ngã lăn ra đường, nhưng kẻ say rượu thì dựng xe bỏ chạy, còn anh tôi nằm im bất động.
Khi đó, ba má tôi đi thể dục ngang qua, thấy đám đông bu quanh nhưng không nghĩ là con mình nên vẫn đi tiếp. Đến khi chuông điện thoại của họ reo, ba má tôi chạy như bay đến đám đông và đưa con trai của mình đi bệnh viện cấp cứu mà mùi men bia vẫn nồng nặc.
Anh hai tôi được chỉ định mổ ngay vì chấn thương sọ não do không đội MBH và vì quá say. Vết mổ không được như ý và hai năm tiếp theo phải sống đời thực vật. Cả nhà tôi rơi vào bi kịch. Má tôi, ba tôi, rồi cả tôi phải bỏ tất cả công việc lẫn học hành để thức trắng đêm bên anh ở buồng cấp cứu của bệnh viện và sau đó về nhà. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên giường.
Ba má tôi như già đi vài chục tuổi, chỉ còn da bọc xương, tóc bạc trắng như cước. Mỗi ngày phải tập co duỗi cho anh tôi để mong một phép nhiệm màu. Tối đến, cả nhà không ai ngủ được, chỉ nằm bên anh để đắp mền. Những khi tỉnh, nước mắt anh ứa ra vì xúc động. Thời gian còn lại thì rơi vào hôn mê. Năm ấy, anh tôi mới 31 tuổi và sắp cưới vợ.
Giá như…
Có hai mùa Tết Nguyên đán, chấn thương trở nặng, anh hai tôi và cả nhà phải nhập viện ngay tức khắc. Đêm nằm trở lưng trong khoa cấp cứu hay nằm trên ghế đá lạnh căm, muỗi thì vo ve bên tai, tôi không ngừng suy nghĩ và mong có hai từ giá như: “Giá như nếu anh hai tôi hôm ấy không đi nhậu; giá như nếu anh hai tôi đội MBH…”. Thế nhưng, tất cả đều quá muộn.
Khi những cơn động kinh không còn hành hạ, bác sĩ cho anh hai tôi về nhà. Họ thương ba má tôi nếu ở thêm một ngày trong bệnh viện có khi sẽ quỵ ngã vì xót thương và mệt mỏi. Có khi ba má tôi lại “đi trước” anh hai tôi vì tuổi già và hao mòn sức lực đến cạn kiệt vì biết bao ngày đêm thức trắng bên giường bệnh của con trai.
Hai năm trôi qua trong cùng cực của gia đình tôi chỉ vì tai ương từ đâu ập xuống. Mà tất cả cũng chỉ vì bia, rượu cả thôi. Đến năm 2011, do vết thương quá nặng, anh hai tôi đã ra đi mãi mãi sau một đêm dài vô tận trong sự xót thương của cả gia đình. Ba má và tôi như người điên dại. Nếu không có bia rượu, nếu không có “lai rai” thì gia đình tôi đã khác. Anh trai tôi đã không phải đi vào cõi vĩnh hằng. Nếu không nhậu quá chén, anh tôi đã có một gia đình riêng, “có ngôi nhà và những đứa trẻ” như bài hát mà anh vẫn yêu thích.
Nhưng chưa dừng lại, di chứng mà bia rượu để lại từ tai nạn của anh trai tôi là bệnh mất ngủ mãn tính, rối loạn tiền đình của ba má và thậm chí là của tôi vì suy nghĩ về sự ra đi của anh. Gia đình tôi đang vui vẻ, hạnh phúc là thế mà chỉ vì ăn nhậu mà tan nát. Ba má tôi bệnh mất ngủ ngày càng nặng dù đã nghĩ về tương lai, quên đi hai năm đau thương đã qua.
Việc ăn nhậu là một thói quen của nhiều người trong chúng ta, từ thành phố tới nông thôn, từ tri thức đến dân lao động, từ ông già đến cả sinh viên. Tuy nhiên, sau sự mất mát quá lớn của gia đình, tôi nghĩ đến việc tiếp khách có chừng mực để không quên “lối về”, bởi người say có bao giờ thừa nhận đâu mà thay vào đó là sự bảo thủ.
Nguyên nhân của việc say cũng một phần là do cách ép nhau uống, uống thì phải “tới bến” mới chịu về. Khi đã lỡ mời nhau, ai cũng cả nể, không nỡ từ chối nên mới xảy ra nhiều cớ sợ buồn. Nếu lỡ ai uống rồi, nên đi xe ôm hay taxi công nghệ về nhà để an toàn cho chính bản thân mình và người khác.
Các bạn thấy nhiều du khách Tây sang nước ta, họ cũng uống bia rượu nhưng rất chừng mực, có khi 1-2 chai là ngồi cả buổi. Chúng ta cũng nên học họ, vui bạn vui bè nhưng đừng bắt ép nhau, mời nhau uống say đến ngất ngưởng”.
Báo Giao thông trân trọng mời bạn đọc gửi bài tham gia Diễn đàn Chặn ma men lái xe
Mỗi tuần trao 4 giải thưởng hấp dẫn
Bạn đọc có thể tham gia diễn đàn dưới nhiều hình thức như gửi bài, ảnh, video, chia sẻ câu chuyện của chính mình hoặc cung cấp ý tưởng, kinh nghiệm, giải pháp để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ngăn chặn hành vi sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Các tác phẩm đạt chất lượng, được đăng tải trên Báo Giao thông sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định của báo. Nơi nhận tác phẩm tham gia diễn đàn: Trụ sở Báo Giao thông, số 2 đường Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; Email: thang.nguyen@baogiaothong.vn; Điện thoại đường dây nóng: 0914799709.
Mỗi tuần Ban tổ chức sẽ trao: 1 giải Nhất tuần trị giá 2 triệu đồng + 2 mũ bảo hiểm đạt chuẩn có gắn logo Báo Giao thông; 1 giải Nhì trị giá 1 triệu đồng + 2 mũ bảo hiểm; 2 giải Khuyến khích mỗi giải 2 mũ bảo hiểm.
Theo Tạp chí GTVT