Theo hacker người Đức, anh ta có thể sử dụng nhiều chức năng trên xe, khởi động động cơ hay biết chính xác vị trí chiếc xe (Ảnh: Insideevs).
Ngày nay, ô tô được thiết kế để có thể kết nối qua internet đã mở ra nhiều khả năng cho các nhà sản xuất và người dùng, từ cập nhật phần mềm qua mạng đến điều khiển các tính năng trên xe từ xa qua ứng dụng trên điện thoại thông minh như khởi động xe, bật/tắt điều hòa hay trên một số mẫu xe đời cao như trên các mẫu xe Tesla, có thể yêu cầu chiếc xe tự động di chuyển từ vị trí đỗ đến nơi chủ nhân đang đứng.
Tuy nhiên, cũng như bất kỳ thiết bị nào được kết nối với internet, nguy cơ kẻ xấu có thể hack phần mềm và kiểm soát nhiều chức năng của thiết bị là điều khó có thể tránh khỏi.
Ví dụ mới nhất đến từ một hacker trẻ tuổi đến từ Đức, David Colombo, anh ta đã tuyên bố trong một loạt các tweet được chia sẻ trên Twitter rằng "hoàn toàn kiểm soát từ xa hơn 25 xe Tesla ở 10 quốc gia khác nhau".
Theo David Colombo, anh ta tự nhận mình là một chuyên gia an ninh mạng và là người sáng lập công ty mang tên anh ta nên anh không có ý định tống tiền chủ xe để trả lại quyền kiểm soát ô tô của họ. Bên cạnh đó, David Colombo chỉ muốn đặt ra vấn đề bảo mật phần mềm trên xe hơi.
Dòng tweet chia sẻ lên mạng xã hội: "Tôi hiện có toàn quyền điều khiển từ xa hơn 20 chiếc Tesla ở 10 quốc gia và dường như không có cách nào để tìm ra chủ sở hữu và báo cáo tới họ" (Ảnh chụp màn hình).
Hiện tại, chi tiết chính xác về lỗ hổng bảo mật trên xe điện Tesla không được tiết lộ. Hacker người Đức chỉ ra rằng, các vấn đề không liên quan đến phần mềm hoặc cơ sở hạ tầng của Tesla, đồng thời anh ta cho biết thêm, lỗi nằm ở các chủ sở hữu cá nhân, những người mà Colombo đang cố gắng liên lạc.
Do đó, không hiểu tại sao hacker trẻ tuổi này có thể kiểm soát hơn 25 xe điện Tesla, mở khóa cửa, khởi động động cơ, kiểm soát thông tin giải trí, tắt chế độ Sentinel (tự động ghi hình khi chiếc xe có dấu hiệu bị trộm cắp) hay biết vị trí chính xác của từng chiếc xe và biết được ai đó đang ngồi trong khoang hành khách.
Trong một tweet khác, Colombo chia sẻ rằng, ngoài việc điều khiển âm lượng giải trí với mức tối đa hoặc nháy đèn, anh không thể can thiệp vào việc ai đó đang lái xe. Đồng thời, cũng không thể lái những chiếc xe Tesla này từ xa.
Theo Bankinfosecurity, vấn đề lỗ hổng bảo mật có thể xuất phát từ phần mềm của bên thứ ba đang ngày càng phổ biến trong cộng đồng sở hữu xe Tesla.
Colombo cho biết đã nhiều lần cố gắng liên hệ với Tesla để báo cáo vấn đề nhưng không nhận được phản hồi. Nhóm công ty sau đó đã xác nhận với Colombo rằng họ đang làm việc để tìm hiểu vấn đề và khắc phục sự cố.
Trong thời gian chờ đợi, một báo cáo chi tiết sẽ được tải lên trang web CVE, do Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ điều hành, nơi tất cả các vấn đề liên quan đến bảo mật máy tính đều được tải lên.
Theo Dân Trí