e. Vạch 4.4: Vạch kẻ kiểu mắt võng

Áp dụng: Vạch kẻ kiểu mắt võng được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.

- Tùy theo sự cần thiết mà có thể sử dụng vạch kẻ kiểu mắt võng ở các vị trí thích hợp. Vạch kẻ kiểu mắt võng có thể sử dụng để xác định phạm vi cấm dừng trong phạm vi nút giao giao cùng mức, trên nhánh dẫn cửa vào hoặc cửa ra của nút giao hoặc những vị trí mặt đường cần thiết không cho phép dừng xe.

Minh họa:

Hình G.38 - Minh họa bố trí vạch kẻ kiểu mắt võng tại nút giao ngã tư

a) Áp dụng cho nút giao ngã ba

Hình G.39 - Minh họa bố trí vạch kẻ kiểu mắt võng tại nút giao ngã ba

Quy cách vạch như sau:

- Vạch mắt võng kiểu đơn giản: gồm vạch chéo trong lòng hình chữ nhật, màu vàng, bề rộng nét vẽ 20 cm - 40 cm (xem minh họa trên Hình G.38 và G.39); áp dụng ở khu vực trung tâm hoặc trên nhánh dẫn ra hoặc vào các nút giao có lưu lượng giao thông ít.

- Vạch mắt võng kiểu thông thường: vạch có nét vẽ màu vàng, vạch vành ngoài giới hạn phạm vi kẻ vạch mắt võng có bề rộng vạch 20 cm. Vạch mắt võng bên trong nghiêng 45° so với vành ngoài, vạch rộng 10 cm khoảng cách đường chéo 1 m - 5 m.

G1.5. Nhóm vạch dọc đường kéo dài qua phạm vi nút giao

a. Vạch 5.1: Vạch dẫn hướng rẽ trái qua phạm vi nút giao

Áp dụng: dùng để định hướng quỹ đạo cho dòng xe rẽ trái theo giải pháp tổ chức làn đường được sử dụng trong nút. Mục đích sử dụng vạch là tăng tính dẫn hướng cho xe chạy; xe có thể cắt qua vạch khi cần thiết. Vạch dẫn hướng rẽ trái qua phạm vi nút giao là đoạn kéo dài của vạch phân cách hai chiều xe chạy (vạch tim đường) hoặc vạch phân chia các làn đường cùng chiều. Không nhất thiết phải sử dụng cả hai loại vạch kéo dài nói trên để định hướng quỹ đạo dòng xe rẽ trái.

Chỉ sử dụng vạch khi quỹ đạo xe chạy được định hướng bởi vạch 5.1 phù hợp với ý đồ tổ chức giao thông và không gây khó hiểu cho các phương tiện qua nút.

Minh họa:

Hình G.40 - Minh họa bố trí vạch 5.1

Quy cách vạch như sau: Vạch 5.1 là vạch đơn, đứt nét, màu vạch lấy theo loại vạch (vạch phân cách hai chiều xe chạy hoặc vạch phân chia làn đường cùng chiều) được kéo dài. Vạch có bề rộng nét vẽ b = 15 cm; chiều dài đoạn nét liền L1 = (0,5 m - 2,0m); chiều dài đoạn nét đứt L2 = (0,5 m - 2,0 m). Tỷ lệ L1/L2 = 1:1.

b. Vạch 5.2: vạch phân làn đường kéo dài qua phạm vi nút giao

Áp dụng: sử dụng ở các nút giao lệch để định hướng quỹ đạo cho dòng xe đi thẳng. Mục đích sử dụng vạch là tăng tính dẫn hướng cho xe chạy; xe có thể cắt qua vạch khi cần thiết.

Minh họa:

Hình G.41 - Minh họa bố trí vạch 5.2

Quy cách vạch như sau: vạch 5.2 là vạch đơn màu trắng, bề rộng nét vẽ b = 15 cm, chiều dài đoạn nét liền L1 = ( 0,5 m - 2,0 m); chiều dài đoạn nét đứt L2 = (0,5 m - 2,0 m); tỷ lệ L1/L2 = 1:1.

c. Vạch 5.3: vạch làn chờ rẽ trái trong nút giao

Áp dụng: vạch được sử dụng để tạo không gian dừng chờ cho các xe rẽ trái sau khi xe đã vượt qua vạch dừng xe trên nhánh dẫn của nút giao có sử dụng đèn tín hiệu điều khiển, nhưng không thể vượt qua nút trong thời gian tín hiệu đèn cho phép rẽ trái. Khi hết thời gian cho phép rẽ trái mà xe đã vượt qua vạch dừng xe trên nhánh dẫn nhưng chưa vượt quá khu vực giới hạn bởi làn xe chờ rẽ trái trong nút giao thì phải dừng lại trong khu vực làn chờ.

Minh họa:

Hình G.42 - Minh họa bố trí vạch 5.3

Quy cách vạch như sau:

Vạch 5.3 gồm hai vạch đơn, đứt nét, màu trắng chạy song song hơi cong về bên trái và một vạch dừng xe (vạch 7.1) ở đầu các vạch đơn đứt nét. Vạch đơn đứt nét có bề rộng nét vẽ b = 15 cm, chiều dài đoạn nét liền L1 = (0,5 m - 1,0 m); chiều dài nét đứt L2 = (0,5 m - 1,0 m). Tỷ lệ L1/L2 = 1:1.

d. Minh họa bố trí vạch phân làn đường trong khu vực nút giao cùng mức

Hình G.43 minh họa một trường hợp điển hình bố trí vạch phân làn đường trong khu vực nút giao cùng mức.

Hình G.43 - Minh họa bố trí phân làn đường trong khu vực nút giao cùng mức

Huỳnh Anh