Khối động cơ cỡ lớn V12 dung tích 6.3 lít trên siêu xe Ferrari FF

Động cơ ô tô và những điều cơ bản cần biết

Động cơ ô tô là gì, cấu tạo ra sao, hoạt động thế nào? Để trả lời những câu hỏi này, hãy cùng tìm hiểu về động cơ trên những chiếc ô tô ngày nay, một bộ phận được ví như trái tim của xe.

Trước tiên chúng ta tìm hiểu về dung tích xi lanh. Dung tích xi lanh là thể tích của tất cả các xi lanh bên trong động cơ, thường được đo bằng đơn vị lít hoặc cc (cm3, 1.000 cm3 = 1L). Nếu bạn có một động cơ 5 xi lanh và mỗi xi lanh có dung tích khoảng nửa lít thì động cơ của bạn có dung tích khoảng 2.5L.

Thông thường dung tích xi lanh cho bạn biết về độ lớn của động cơ. Bạn có thể hiểu đơn giản dung tích xi lanh càng lớn thì động cơ càng khỏe, do có thể chứa nhiều nhiên liệu hơn trong mỗi chu kỳ và tất nhiên sẽ tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn.

Động cơ V8 5.7L trên Lexus LX570

Bên cạnh dung tích xi lanh, người ta thường ghi các ký hiệu như I5, V8, W12. Các ký hiệu I, V và W là kiểu sắp xếp của xi lanh trong động cơ, theo kiểu thẳng hàng (ký hiệu I), theo kiểu chữ V hay W. Chữ số phía sau là số lượng xi lanh trong động cơ.

Mã lực (sức ngựa) là đơn vị được sử dụng để đo công suất của mỗi chiếc ô tô, thường được viết tắt là hp (Horse Power). 1hp được tính tương đương bằng một con ngựa trung bình nâng 15 kg gram lên cao 30,48 cm trong 1 phút. James Watt là người đầu tiên đưa ra khái niệm “mã lực” vào năm 1782. Khi đó, ông phát minh ra động cơ hơi nước và muốn bán chúng cho những người đã quen sử dụng ngựa.

Minh họa về mã lực (sức ngựa)

Mô men xoắn (Torque) là khái niệm khá phức tạp biểu thị một lực làm quay một vật thể quanh một trục, đơn vị Nm (Newton x mét). Lấy ví dụ như chiếc cờ-lê khi siết ốc, người ta phải tác dụng một lực kéo để con ốc xoay. Lực xoay ở con ốc chính là mô men xoắn.

Nếu công suất thể hiện rằng, chiếc xe mạnh thế nào và nhanh đến đâu thì mô men xoắn lại thể hiện thời gian đạt được tốc độ đó trong bao nhiêu lâu. Mô men xoắn càng cao, khả năng kéo, leo dốc, vượt địa hình càng tốt. Hay nói đơn giản là xe càng "khỏe". Các dòng xe chuyên dùng cho địa hình, chở nặng như SUV, bán tải hay xe tải thường trang bị động cơ dầu do có ưu điểm mô men xoắn lớn hơn động cơ xăng nếu cùng dung tích để tạo sức kéo lớn.

Vòng tua máy là số vòng trục khuỷu có thể quay trong một phút, đơn vị rpm (revolutions per minute) có nghĩa vòng/phút. Quay càng nhanh, lực tạo ra càng nhiều.

Công suất, mô men xoắn và vòng tua máy luôn quan hệ chặt chẽ với nhau. Mô men xoắn thường đạt cực đại ở vòng tua sớm hơn công suất.

Động cơ trên xe Toyota Camry

Ví dụ như khi đọc thông tin về xe Toyota Camry ta gặp các thông số như sau: Động cơ I4 2.5L, 178 mã lực tại 6.000 vòng/phút và 231 Nm tại 4.100 vòng/phút. Ở đây ta hiểu rằng, động cơ của chiếc Camry này là loại 4 xi lanh thẳng hàng (I4), có dung tích xi lanh 2.500 cc (2.5 lít), mạnh 178 mã lực tại vòng tua máy 6.000 vòng/phút và mô men xoắn cực đại 231 Nm tại vòng tua máy 4.100 vòng/phút.

Theo Báo Thanh Niên