Bên cạnh đó, còn có tác dụng bảo vệ, củng cố thể lực, trí lực cho nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá trong từng gia đình, cộng đồng dân cư. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về quyết tâm của Bộ Công an trong việc xử lý nghiêm cồn, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT.
Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết, vì sao việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma tuý lại là việc cần thiết, cấp bách trong tình hình hiện nay?
Thượng tá Phạm Quang Huy: Có thể nói, qua theo dõi tình hình TTATGT, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tới TNGT. Trong đó, tập trung vào 3 nguyên nhân chính là: vi phạm nồng độ cồn, ma tuý; vi phạm về tốc độ và vi phạm về chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng xe. Chính vì vậy, trong năm 2022, đặc biệt là từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng CSGT đã tập trung kiên quyết, xử lý rốt ráo những vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT, trong đó, tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn và ma tuý của người lái xe. Điều này, đã tạo được những dấu ấn, tạo tác động tích cực đến đời sống xã hội và đã đem lại những hiệu quả bước đầu.
Tôi lấy ví dụ như TNGT liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, ma tuý đã giảm rõ rệt; đặc biệt, đã hạn chế những tai nạn liên hoàn. Ngay tại các cơ sở khám chữa bệnh thì đội ngũ y, bác sỹ làm công tác cấp cứu cũng xác định đã giảm rõ rệt số người đến khám chữa bệnh do TNGT liên quan đến người điều khiển có nồng độ cồn trong cơ thể. Ngoài ra, đánh nhau, cố ý gây thương tích, gây rối TTCC ở trên đường phố mà có nguyên nhân xuất phát từ nồng độ cồn cũng đã giảm. Hiệu quả của xử lý nghiêm nồng độ cồn không đã góp phần giúp người dân sống trong bình yên, an toàn, bớt nỗi lo mỗi khi ra đường, mà còn giúp các gia đình, xóm làng bình yên hơn. Nhiều ý kiến mong muốn lực lượng chức năng tiếp tục duy trì nghiêm việc kiểm tra, xử phạt việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn để hạn chế, ngăn chặn TNGT và các vụ đánh, cãi nhau, thậm chí giết người do uống rượu bia không làm chủ được bản thân. Không chỉ thế, những vụ TNGT liên hoàn mà có nguyên nhân mà người điều khiển phương tiện có cồn cũng giảm sâu.
Dấu ấn này được thể hiện ngay trong đợt Tết Quý Mão vừa qua, xuyên suốt trong những ngày Tết, lực lượng CSGT đã tập trung xử lý rất quyết liệt các vi phạm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; của lãnh đạo Bộ Công an đó là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý vi phạm và kiên quyết xử lý vi phạm, trong đó có vi phạm nồng độ cồn để tạo thói quen người tham gia giao thông là “đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn để hình thành thói quen, văn hóa đã uống rượu bia, không lái xe.
Phóng viên: Thời gian qua, đặc biệt từ năm 2022 đến nay, Bộ trưởng Bộ Công an đã có nhiều điện, kế hoạch, mệnh lệnh, chỉ đạo về công tác đảm bảo TTATGT; gần đây nhất là đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 23, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 10 về tăng cường công tác đảm bảo TTATGT đường bộ trong tình hình mới, điều này thể hiện quyết tâm của Bộ Công an trong việc lập lại TTATGT, kéo giảm tai nạn. Đề nghị đồng chí nói rõ hơn về vấn đề này.
Thượng tá Phạm Quang Huy: Công tác đảm bảo TTATGT ở nước ta thời gian qua có thể nói, như bác sỹ đã “bắt” được đúng bệnh của bệnh nhân. Đối với công tác này, “bắt” đúng bệnh cũng đã là việc khó, nhưng “kê thang, bốc thuốc” trị bệnh cũng khó không kém.
Với quan điểm lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực trong mọi hành động thì Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo: một mặt, đã tham mưu cho Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 23 thay thế Chỉ thị số 18 về bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. Đây là chỉ thị mới nhất, được Ban Bí thư ban hành ngày 25/5/2023 vừa qua. Ngay trong tháng 4/2023, Bộ Công an cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10 về bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, trong đó đặt ra rất cụ thể, rất chi tiết những nội dung, nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, đưa ra mục tiêu lập lại trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông đối với cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ, từng bước tạo dựng được ý thức, thói quen và xây dựng văn hoá của người tham gia giao thông. Trong Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư, Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ đã có những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể từ tổng quát đến chi tiết của từng bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã có nhiều kế hoạch, điện chỉ đạo hết sức sâu sát để làm sao lực lượng Công an toàn quốc do CSGT chủ công làm tốt vai trò tham mưu, huy động bố trí lực lượng, huy động các ngành, các cấp cùng vào cuộc đảm bảo ATGT. Trong đó, lực lượng Công an, nòng cốt là lực lượng CSGT phải là trọng tâm, chủ động trong triển khai các biện pháp công tác bảo đảm TTATGT, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để đưa ra các giải pháp cụ thể, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT.
Phóng viên: Đồng chí cho biết kết quả nổi bật trong công tác đảm bảo TTATGT khi có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo, thực hiện nghiêm túc của lực lượng CSGT các cấp.
Thượng tá Phạm Quang Huy: Theo số liệu thống kê, từ ngày 14/12/2022 đến 15/4/2023, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý 232.056 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, có 113.792 trường hợp nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở; 48.291 trường hợp nồng độ cồn vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở; 67.183 trường hợp vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Ngoài ra, có 2.790 trường hợp không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn. Các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra, chúng tôi lập biên bản xử phạt vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất. Lực lượng chức năng đã phạt tiền hơn 1.100 tỷ đồng thu nộp ngân sách; tước GPLX 137.722 trường hợp. Cụ thể, đã tước GPLX 233 trường hợp đối với ô tô khách; 1.016 trường hợp lái xe ô tô tải; 10.481 trường hợp lái xe ô tô con; 571 trường hợp lái xe container; 219.261 trường hợp lái xe mô tô; máy kéo, xe máy chuyên dùng 20 trường hợp; xe thô sơ 474 trường hợp. Nhờ đó, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí.
Như tôi đã nói ở trên, qua công tác tuyên truyền, TTKS, xử lý nghiêm vi phạm, chúng tôi đã tạo được ý thức rõ rệt của người dân về việc “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Điều này thể hiện rất rõ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục CSGT đã nhận được thư của nhiều chị phụ nữ cảm ơn, hoan nghênh vì trước đấy, chồng thường xuyên say rượu về gây gổ với vợ con, bây giờ không dám uống rượu nữa nên không còn gây sự nữa, cuộc sống gia đình bình yên, hạnh phúc hơn.
Bên cạnh đó, những hành vi gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, cố ý gây thương tích, phạm pháp hình sự liên quan đến đối tượng sử dụng rượu bia cũng giảm, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội.
Trong giai đoạn này, lực lượng CSGT đang quyết tâm, căng sức, tập trung lực lượng để xử lý nghiêm những vi phạm về nồng độ cồn là để tạo thói quen, hình thành văn hoá đã uống rượu bia thì không điều khiển tham gia giao thông và sau này sẽ không còn phải xử phạt nhiều hành vi vi phạm này nữa.
Phóng viên: Quan điểm của Bộ Công an về việc đảm bảo TTATGT đó là xiết chặt trật tự kỷ cương trong chấp hành pháp luật của cả người tham gia giao thông và người thực thi pháp luật về giao thông. Đề nghị đồng chí nói rõ hơn về vấn đề này. Trên thực tế, đã triển khai thực hiện như thế nào?
Thượng tá Phạm Quang Huy: Đây là mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 10. Tiếp thu quan điểm chỉ đạo này, Bộ trưởng Bộ Công an đã có nhiều điện, kế hoạch chỉ đạo công tác đảm bảo TTATGT, yêu cầu CSGT tuần tra kiểm soát, khép kín địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm như tôi đã nói ở trên. Tại Điện số 05 ngày 3/3/2023, Kế hoạch số 320 về thực hiện Chỉ thị 10 và Điện số 02 ngày 18/5/2023, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo xiết chặt trật tự kỷ cương trong chấp hành pháp luật của cả người tham gia giao thông và người thực thi pháp luật về giao thông; giữ gìn an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản cho Nhân dân, “lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, là lẽ sống của mình”. Trong đó, đối với người tham gia giao thông, đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kiên trì tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về ATGT, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Công an các tỉnh, thành phố cũng đã tham mưu cho tỉnh uỷ, thành uỷ, UBND địa phương có văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, không can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông. Qua đó, gần đây, không còn hình ảnh cán bộ, đảng viên say xỉn, cự cãi cán bộ CSGT hoặc gây gổ với người khác khi xảy ra va chạm.
Đối với lực lượng CAND nói riêng, Bộ Công an cũng chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giao thông của CBCS, các mệnh lệnh, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, quy định không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia và không uống rượu bia trong giờ làm việc, trong ca trực của CBCS Công an.
Điều này đã khẳng định quyết tâm lãnh đạo Bộ trong việc đảm bảo TTATGT, góp phần đảm bảo tính mạng, sức khoẻ, trí tuệ của người Việt Nam.
Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết, Bộ Công an, Cục CSGT có những biện pháp gì để tiếp tục đảm bảo TTATGT trong thời gian tới.
Thượng tá Phạm Quang Huy: Để đảm bảo TTATGT trong thời gian tới, lực lượng Công an đã có các kế hoạch chi tiết, cụ thể để triển khai các Chỉ thị của Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, các kế hoạch đều rất chi tiết, cụ thể cho từng cấp Công an. Tôi lấy ví dụ kế hoạch ở cấp tỉnh, cấp huyện cũng phải chỉ rõ được trên tuyến đường có những điểm nào là điểm phức tạp về ATGT, tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm gây TNGT như: có nhiều đường nhánh đâm ra đường chính; khu vực khuất tầm nhìn, tổ chức giao thông chưa hợp lý… Ngoài việc kiến nghị với ngành chức năng trong khắc phục tồn tại trong tổ chức giao thông, thì chúng tôi đã chủ động đề ra các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn ngay nguy cơ tai nạn xuất phát từ nguyên nhân này. Như khi thời tiết xấu, sương mù nhiều tại các tuyến đường đèo dốc khu vực Tây Bắc, CSGT các tỉnh Hoà Bình, Sơn La đã trực tiếp có mặt tại các cung đường lên đèo, dốc để cảnh báo, hướng dẫn lái xe đi chậm, giữ khoảng cách, sử dụng đèn xe đúng cách…
Hay như đối với vi phạm nồng độ cồn, chúng tôi xác định phải nắm bắt được trên tuyến, địa bàn của mình có những loại đối tượng nào thường sử dụng rượu, bia sau đó lại điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Sở dĩ phải nắm được điều này là để có biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục phù hợp để từng đối tượng có ý thức hơn trong chấp hành pháp luật về ATGT, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia. Bên cạnh đó, đối với những đối tượng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu bia thì sẽ xử lý kiên quyết. Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng việc uống rượu để thực hiện các hành vi càn quấy, gây rối TTCC, đua xe trái phép hoặc phát sinh tội phạm xuất phát từ rượu, bia thì chúng tôi sẽ xử lý rất nghiêm, có thể xử lý hình sự nếu hành vi đó cấu thành tội phạm.
Lực lượng CSGT đẩy mạnh công tác điều tra, nắm bắt bám sát diễn biến tình hình TTATGT, hoạt động của các loại tội phạm hoặc những phức tạp về an ninh trật tự trên tuyến, để chủ động tham mưu cho các cấp, các ngành những chương trình, kế hoạch và giải pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, cơ bản là giảm thiểu thiệt hại do TNGT gây ra, hạn chế để xảy ra những vụ TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh đúng người, đúng hành vi vi phạm. Đồng thời huy động các lực lượng, phát huy trách nhiệm của các cấp chính quyền, các lực lượng, cơ quan, tổ chức và của toàn thể Nhân dân đối với công tác bảo đảm TTATGT.
Đơn cử như lực lượng CSGT cũng là nòng cốt trong việc tham mưu để Bộ Công an ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Công an các tỉnh, thành phố ký kết với ngành giáo dục cấp tỉnh các chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở đào tạo. Trọng tâm của sự phối hợp này là phân công lực lượng Công an các cấp để tuyên truyền tại các cơ sở đào tạo từ cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, cao đẳng, đại học, dạy nghề, đảm bảo mỗi kỳ học có 2 buổi lực lượng Công an trực tiếp lên lớp hướng dẫn tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên và cả các thầy cô giáo; đồng thời vận động các nhà trường, thầy cô giáo, phụ huynh học sinh ký kết chấp hành quy định về bảo đảm TTATGT. Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai xây dựng cổng trường ATGT; Đảng uỷ Công an Trung ương cũng đã phối hợp với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn giao thông”. Trong mô hình đó, đã phân công, phân cấp rất kỹ, cụ thể, chi tiết nhiệm vụ, tiến độ thực hiện của từng sở, ban, ngành; phân cấp cho cấp huyện, xã từng nhiệm vụ cần thực hiện để đảm bảo ATGT từ thôn, xóm, huyện đến cấp tỉnh, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia công tác đảm bảo ATGT.
Lực lượng CSGT cũng thay đổi về tư duy, nhận thức, phương pháp hành động trong công tác bảo đảm TTAGT, theo phương châm “lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực”, đảm bảo việc giữ gìn sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông là trên hết, lấy đó là động lực, động cơ để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Theo csgt.vn