Global Times dẫn lời ông Huang Jun – Giáo sư Khoa Kỹ thuật và Khoa học Hàng không tại Đại học Beihang cho biết, một trong những lý do máy bay bất ngờ lao xuống có thể là vì phi công bị mất kiểm soát phương tiện bởi hệ thống kiểm soát chuyến bay đột ngột gặp sự cố.
Ngoài ra, còn có một số lỗi kỹ thuật cơ khí khác trên máy bay cũng dẫn tới kịch bản tương tự.
Đội tìm kiếm cứu nạn tìm thấy mảnh vỡ máy bay tập trung ở khu vực bán kính 30m xung quanh điểm tác động chính
Cùng đánh giá như trên, ông Wang Ya'nan – Tổng biên tập tờ Kiến thức Hàng không Vũ trụ giải thích thêm rằng, nếu xem xét dữ liệu chuyến bay, có thể thấy, phi công không liên lạc với đài kiểm soát không lưu trước khi máy bay bắt đầu có dấu hiệu bất thường.
Điều này đồng nghĩa máy bay đã mất kiểm soát khi đang ở độ cao hành trình, dẫn tới phi công mất kiểm soát toàn máy bay.
Đó có thể là lỗi kỹ thuật rất nghiêm trọng khiến máy bay lao dốc ở tốc độ cao, ông Wang nói.
Tỷ lệ hủy chuyến tăng vọt sau vụ rơi máy bay tại Quảng Tây, Trung Quốc
Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết, máy bay đã cất cánh từ Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào lúc 1h16 chiều 21/3 và bắt đầu đi vào khu vực kiểm soát không lưu tỉnh Quảng Châu ở độ cao hành trình 8.900m vào lúc 2h17 phút.
Lúc 2h20 phút, đài kiểm soát không lưu thông báo máy bay hạ độ cao rất nhanh và ngay lập tức liên lạc với phi hành đoàn rất nhiều lần nhưng không nhận được hồi đáp. Vào lúc 2h23 chiều, máy bay hoàn toàn mất tín hiệu.
Theo hãng tin Bloomberg, dựa trên dữ liệu sơ bộ, có thể thấy chiếc máy bay gặp nạn đã vận hành ở vận tốc 966km/h, có thời điểm lên tới 1.126km/h - gần với tốc độ âm thanh.
Đội tìm kiếm, cứu nạn cũng phát hiện hầu hết các mảnh vỡ máy bay tập trung ở khu vực trong bán kính 30m tính từ điểm tác động chính và ở độ sâu khoảng 20m.
Hệ thống thông tin liên lạc vẫn bình thường cho đến khi máy bay mất tích và phi hành đoàn không gửi tín hiệu khẩn cấp – ông Liu Xiaodong, người phát ngôn China Eastern Airlines cho biết tại cuộc họp báo tối 25/3 ở thành phố Ngô Châu, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
Quá trình điều tra rất phức tạp và mất thời gian
Ông Mao Yanfeng, Giám đốc đơn vị điều tra tai nạn máy bay thuộc CAAC cho biết, không thể nói chắc chắn khi nào quá trình điều tra sẽ hoàn tất.
Đội cứu hộ vẫn đang tìm kiếm hộp đen thứ 2. Khi tìm được và hoàn thành giải mã 2 thiết bị này, mới có thể phần nào quyết định chính xác nguyên vụ tai nạn.
Nói về quá trình điều tra tai nạn, ông Gao Yuanyang, học giả tại Trung tâm nghiên cứu công nghiệp hàng không tại Đại học Beihang cho biết, đây là quá trình rất phức tạp từ thu thập, rà soát dữ liệu, suy luận cho đến xác nhận nguyên nhân.
Các lực lượng tìm kiếm , cứu nạn tại hiện trường vụ máy bay rơi ở huyện Đặng, thành phố Ngô Châu, Quảng Tây
Quy trình này thường mất rất nhiều thời gian, đặc biệt khi không có đủ dữ liệu hoặc thông tin, theo ông Gao.
Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) cho biết, đơn vị này đang phối hợp với chính phủ Mỹ và Trung Quốc để giải quyết vấn đề thị thực cũng như quy trình cách ly phòng Covid-19 cho các chuyên gia, cố vấn Mỹ để sang Trung Quốc tham gia nỗ lực điều tra vụ tai nạn.
Kể từ khi nhận được thông báo từ CAAC, NTSB thường xuyên liên lạc với các bên chịu trách nhiệm điều tra của CAAC để hỗ trợ.
Theo Báo Giao thông