“Trạm kiểm tra tải trọng xe (gọi tắt là trạm cân) có quyền yêu cầu người điều khiển hoặc chủ xe xuất trình các giấy tờ liên quan đến phương tiện và vận chuyển hàng hóa; xử phạt chủ xe, người điều khiển và tổ chức, cá nhân chất hàng lên xe”.
Đó là một trong những nội dung mới đáng chú ý, được nêu trong dự thảo sửa đổi quy định về hoạt động của trạm cân (quy định hiện hành là Thông tư 10/2012) đang được Bộ GTVT lấy ý kiến góp ý.
Truy về gốc, phạt người chất hàng
Theo dự thảo, trạm cân xe là nơi cơ quan quản lý đường bộ thực hiện việc thu thập, phân tích, đánh giá tác động của tải trọng, khổ giới hạn của xe đến an toàn đường bộ. Đồng thời là nơi kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm xe quá tải, xe quá khổ.
Dự thảo này cũng cụ thể hóa các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (Nghị định 146/2016). Theo đó, dự thảo không chỉ trao cho trạm cân xử lý các tài xế chở hàng quá tải mà còn trao thêm chức năng xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vi phạm, bao gồm chủ xe, người chất hàng và chủ hàng.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Thông tư 10/2012 đã có các quy định chi tiết hơn trong việc phân loại các trạm cân gồm trạm cân cố định (thường xuyên và không thường xuyên), trạm cân lưu động. Trong đó, dự thảo có nêu loại hình trạm cân ghép với trạm thu phí như trạm cân tại trạm thu phí trên quốc lộ 1 (đoạn An Sương - An Lạc, TP.HCM) hay trạm cân trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD)… Đặc biệt, trong đó “Trạm cân có quyền ngăn chặn, từ chối phục vụ xe quá tải, quá khổ lưu thông trên đường bộ” - dự thảo sửa đổi cũng nêu rõ.
Lực lượng chức năng hướng dẫn một xe có dấu hiệu quá tải vào trạm cân.
Thanh tra Sở GTVT TP.HCM xử lý một trường hợp vi phạm về quá tải.
Vẫn băn khoăn
Trao đổi về các quy định trên, một cán bộ thanh tra thuộc Sở GTVT TP.HCM cho rằng Thanh tra giao thông (TTGT) Sở GTVT thường xuyên phối hợp, đề nghị các cảng bến trích xuất dữ liệu để chặn xe quá tải từ gốc. Tuy nhiên, việc các trạm cân phát hiện xe quá tải rồi truy ra người chất hàng để xử phạt sẽ khó thực hiện.
“Thông thường, phát hiện xe chạy ngoài đường quá khổ hoặc quá tải thì chúng tôi chỉ xử phạt lái xe, chủ xe. Có thể hàng hóa được bốc xếp lên nhiều điểm và khi không xác định được chủ thể chất hàng vi phạm thì sao mà xử phạt đối tượng này được” - vị TTGT trên nói.
Ông Lâm Đại Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, góp ý thêm: Nhiều doanh nghiệp vận tải mong muốn chở đúng tải, việc xử phạt xe quá tải phải thực hiện một cách công bằng, minh bạch, song thực tế việc kiểm tra, xử lý còn nhiều bất cập.
“Tôi cho rằng việc lắp đặt các trạm cân, kiểm tra và xử phạt cần phải giảm thiểu tối đa yếu tố con người tác động vào. Ví dụ như các dữ liệu, hình ảnh về xe quá tải phải được lưu giữ theo đúng quy trình và khi có sự can thiệp như xóa dữ liệu thì phải có sự giám sát của cơ quan thứ ba, thay vì chỉ mỗi lực lượng TTGT là được làm.
Thứ nữa, Bộ GTVT bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của TTGT trong việc kiểm tra, xử lý các điểm sang hàng, dồn tải” - ông Vinh nói.
Cần công bằng Lâu nay công tác kiểm soát còn có nhiều vấn đề, đặc biệt là tính công bằng của các lực lượng TTGT hay CSGT. Vì vậy chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có các quy định cụ thể đảm bảo việc kiểm soát xe quá tải được công bằng. Tôi đơn cử ví dụ: TP.HCM đặt trạm cân trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), song việc kiểm tra, xử lý xe quá tải không đảm bảo. Cụ thể, các trạm cân tự động đặt trên hai làn xe/một chiều và các làn còn lại thì cấm xe tải trên 3,5 tấn hoặc cấm xe tải lưu thông. Tuy nhiên, ở các làn không có cân tự động này, xe tải trên 3,5 tấn hoặc các loại xe tải vẫn “vô tư” đi trên làn đường chỉ dành riêng cho xe máy hoặc ô tô con, ô tô chở khách. Điều đáng nói, các xe tải hạng nặng có dấu hiệu quá tải đi vào làn xe máy, làn chỉ dành cho xe tải dưới 3,5 tấn để tránh trạm cân tự động và qua mặt cả cơ quan chức năng. Ông NHH, tài xế xe tải thường chở hàng qua ____________________________ Việc kiểm soát tải trọng hiện cần tiến hành đồng bộ, đặc biệt kiểm soát tải trọng ngay tại đầu mối bốc xếp. Qua đó sẽ xử lý được từ gốc các vi phạm. Ông ThẠch Như SỸ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT |
Theo Pháp luật TPHCM