Giống như Singapore, thành phố Seoul (Hàn Quốc) cũng quy hoạch bài bản từng khu để những người bán hàng rong kiếm sống. Đến những khu như Insa-dong hay Myeongdong, không khó bắt gặp những quầy ẩm thực hay bán phụ kiện, quà lưu niệm bày ra ngay giữa đường.
Ở khu phố bán hàng rong, đường được chặn, ngăn xe để dành riêng cho người đi bộ. Những quầy bán đồ ăn, quà lưu niệm được đặt xen kẽ với làn đường dành cho khách bộ hành. Khi những cơn gió lạnh thốc vào, dòng người dừng chân ngẫu nhiên bên quầy hàng thưởng thức từng thanh cá viên, gà lăn bột, thư thả chọn cho mình một món đồ lưu niệm mang về. Ở thành phố này, hầu như mỗi khu đều được quy hoạch tuyến phố hàng rong để người dân cùng nhau đến bán.
Tuyến phố bán hàng rong ở khu Myeongdong
Một quầy bán đồ ăn giữa lòng đường ở khu bán hàng rong
Kinh tế hộ gia đình
Những cửa hàng, cửa hiệu trong nhà cũng góp phần làm vỉa hè thông thoáng. Trừ khu quy hoạch bán hàng rong giữa đường, không hề bắt gặp người dân nơi đây bày bán chiếm dụng vỉa hè, vì các hoạt động buôn bán được đẩy vào mặt bằng phía trong nhà dân hoặc nơi họ thuê để buôn bán.
Muốn ăn gà rán gia truyền? Mời bạn “chịu khó” đẩy cửa bước vào cửa hiệu bán món ăn này nơi góc phố. Muốn mua văn phòng phẩm, đồ dùng gia đình? Xin mời vào siêu thị hay cửa hàng tiện lợi đầy ra. Quán cà phê, quán ăn v..v đều diễn ra hoạt động kinh doanh ngay trong nhà.
Bày bán dọc tuyến phố bán hàng rong
Trung tâm mua sắm dưới lòng đất
Nếu như buôn bán trên mặt đất chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu mưu sinh, người dân Seoul có thể bán ở những trung tâm ngay dưới lòng đất. Các trung tâm này thường được quy hoạch theo tuyến đường di chuyển của dòng người đi từ trạm tàu điện ngầm (metro) này đến trạm tàu metro khác.
Khi di chuyển giữa các trạm tàu bên dưới, họ sẽ đi qua những cửa hàng, cửa hiệu, thoải mái dừng chân bất cứ lúc nào để mua món đồ mình thích, không có cảnh gửi xe máy giữa cung đường khói bụi rồi tấp vào mua. Quy hoạch các trung tâm buôn bán ngầm dọc những tuyến metro cũng góp phần giải tỏa áp lực buôn bán tràn lan, gây mất mĩ quan, chiếm dụng vỉa hè trên mặt đất.
Một trong những trung tâm mua sắm dưới lòng đất, dọc tuyến đường giữa hai trạm tàu điện ngầm (metro)
Chính quyền đã làm gì?
Chính quyền Seoul cũng như các thành phố khác như Singapore đã chọn cách làm “vì dân” khi đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh. Chỉ có hoàn chỉnh hạ tầng đô thị thì nạn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè mới được giải quyết tận gốc.
Tại Seoul, nhờ việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm (metro) hoàn chỉnh thành một mạng lưới tỏa đi các điểm khắp thành phố, hàng chục triệu người của thành phố này chỉ việc xuống lòng đất đi metro đến chỗ làm, không có cảnh xe máy chen chúc trên đường, dựng, đỗ lấn chiếm vỉa hè. Trên mặt đất chỉ còn xe buýt, xe ô tô cá nhân, người đi bộ hay lác đác vài chiếc mô tô phân khối lớn di chuyển.
Nhờ có khu vực bán hàng rong được quy hoạch ở mỗi khu trên mặt đất hay những khu bán hàng dưới lòng đất như đã đề cập ở trên, không còn cảnh buôn bán lề đường tràn lan gây mất mỹ quan đô thị.
Vỉa hè Seoul thông thoáng vì các hoạt động buôn bán đều diễn ra trong nhà, nơi bán hàng rong hay các trung tâm mua sắm trên mặt đất và dưới lòng đất
Nhờ các bãi đỗ xe ô tô nổi và ngầm ở khắp các tòa nhà, trung tâm thương mại, bố trí đồng đều khắp thành phố, không có cảnh đậu ô tô chiếm dụng lòng đường.
Nhờ hệ thống giao thông công cộng phát triển (metro, taxi, xe buýt), văn hóa xe máy hay dừng, đậu giữa đường để mua đồ đã bị triệt tiêu, cảnh quan đô thị thông thoáng, không còn xô bồ.
Tóm lại, Seoul không cần những chiến dịch dọn dẹp vỉa hè. Khi chính quyền đã quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng bán buôn tốt, tự khắc vấn nạn chiếm dụng vỉa hè sẽ hiển nhiên chấm dứt.
Theo CAO