Hưởng ưu đãi thuế, doanh nghiệp phải sắn tay nội địa hóa
Thời gian gần đây, trong nhiều báo cáo liên quan ngành ô tô, Bộ Công Thương liên tục nhắc lại kiến nghị cũ: Không tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho phần giá trị sản xuất trong nước, đồng thời, thêm đề xuất mới tăng thuế TTĐB đối với một số dòng xe nhất định.
Cụ thể, Bộ đề xuất giá tính thuế TTĐB của xe nội là giá xuất xưởng trừ đi giá trị linh kiện phụ tùng trong nước. Phần trừ đi này chính là phần nội địa hóa của xe.
Trên thực tế, khoảng cách giá thành giữa giá xe nhập và xe nội hiện là 20%, đang ngày một dãn cách xa.
Xe nội thua xe nhập, 2 năm kiến nghị ưu đãi vẫn dậm chân
Góp ý về chính sách này, TC Motor đã từng đưa ra bài toán khi thuế nhập khẩu trong ASEAN trước đây đang từ 30% nay hạ về 0%, giá xe nhập sẽ giảm trung bình từ 23-35%. Trong khi, các ưu đãi của Nghị định 125 như miễn thuế nhập khẩu linh kiện phụ tùng mà trong nước chưa sản xuất được cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ sản lượng cam kết, cũng chỉ giúp giảm giá bán xe ô tô nội xuống 12-15%.
Một loạt các hãng xe như TC Motor, Thaco Trường Hải, Toyota Việt Nam… đều cho rằng, giải pháp miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, không dừng ở việc lắp ráp đơn thuần, có cơ sở để mở rộng đầu tư.
Về lý thuyết, mục đích của phương pháp tính thuế TTĐB trên là nhằm xóa bỏ khoảng cách giá giữa xe nội và xe ngoại. Xe càng có tỷ lệ nội địa hóa cao, phần miễn thuế càng lớn, giá tính thuế càng thấp, ô tô nội sẽ càng giảm sâu giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Trên thực tế, theo các chuyên gia ngành ô tô, dù được ưu đãi thuế TTĐB như vậy, muốn giảm giá xe xuống thấp hơn xe nhập khẩu, câu chuyện vẫn nằm ở doanh nghiệp.
Theo tính toán, để bù lại được 20% chênh lệch giá xe nội cao hơn xe ngoại, ô tô trong nước phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 50% trở lên mới có hiệu quả.
Đơn cử như, một mẫu xe có dung tích động cơ 2.0 lít, suất thuế TTĐB hiện là 40%. Nếu nội địa hóa 50%, phần thuế TTĐB được miễn cho xe nội mới tương ứng là 20% giá thành.
Một mẫu xe dung tích động cơ 1,5 lít có thuế suất TTĐB hiện là 35%. Nếu nội địa hóa 50% thì phần miễn thuế cho xe sản xuất trong nước cũng chỉ là 17,5% giá thành, nếu nội địa hóa 60% thì phần miễn thuế mới giúp giảm được 21% giá thành.
Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của ô tô Việt vẫn rất thấp, trung bình từ 7-10%, một vài mẫu đạt 18% và có mẫu đạt cao nhất hiện nay là 37% đối với Toyota Innova. Do đó, phần miễn thuế TTĐB theo tỷ lệ nội địa hóa vẫn không đủ hạ giá thành để bù đắp khoảng chênh cao hơn xe nhập khẩu.
Dù vậy, đây vẫn là một giải pháp được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng nhất và khiến cho các kế hoạch tăng nội địa hóa lên tới 60% của Vinfast, 50% của TC Motor hay 40% của Thaco trở nên khả thi hơn.
Một giải pháp khác vừa được Bộ Tài chính đề xuất là miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ô tô theo dự thảo sửa đổi Nghị định 125.
Như vậy, nếu gộp 2 đề xuất của hai Bộ này cộng hưởng lại, giá linh kiện phụ tùng trong nước xuống thấp, đồng thời lại không phải chịu thuế TTĐB, giá ô tô nội sẽ có dư địa giảm mạnh và có lợi thế hơn hẳn so với xe nhập khẩu.
Ông Phạm Anh Tuấn- Hiệp hội VAMA cho rằng, nội địa hóa phải giúp giá thành giảm. Nếu vì nội địa hóa mà giá thành lại tăng thì doanh nghiệp ô tô sẽ không thể làm được.
Thái Lan, Inodonesia đã ưu đãi, Việt Nam lại ngần ngại?
Tuy nhiên, bài toán trên vẫn đang bỏ ngỏ 2 năm qua. Phản hồi tới Bộ Công Thương cũng như báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính lo ngại, nếu áp dụng đề xuất tính thuế TTĐB như vậy, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử hàng hóa trong nước và nhập khẩu trong WTO.
Trả lời Xe VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cũng cho biết, các vấn đề kiến nghị trên đều đã được trình Chính phủ từ đầu năm và hiện vẫn đang chờ đợi.
Xe nội ngày càng bị lấn át với xe ASEAN
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, cần phải xem xét kỹ giữa lợi ích kinh tế vĩ mô khi ngành ô tô nội địa phát triển và sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang là thành viên.
Các hãng ô tô lớn của nhiều quốc gia trên thế giới hầu hết đều đã có các nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Những chính sách ưu đãi khuyến khích sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam cũng sẽ có lợi cho các hãng xe lớn trên thế giới
Theo Bộ Công Thương, dung lượng thị trường ô tô của Việt Nam so với sản lượng sản xuất của các hãng ô tô lớn trên thế giới vẫn còn nhỏ. Sản lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam không đáng kể so với năng lực sản xuất ô tô của các quốc gia xuất khẩu vào Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức…
Do vậy, thiệt hại cho các nền sản xuất này bởi chính sách ưu đãi xe nội của Việt Nam cũng như ảnh hưởng tới cán cân thương mại của các quốc gia trên là không đáng kể để dẫn tới khả năng khởi kiện.
Đặc biệt, kinh nghiệm của một số nước đang phát triển cho thấy, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thường áp dụng các chính sách tương tự, tiêu biểu là các nước ASEAN (như Thái Lan, Indonesia, Malaysia) và Ấn Độ. Riêng về thuế TTĐB, Thái Lan, Indonesia cũng áp dụng quy định cho trừ giá trị linh kiện phụ tùng khi tính thuế.
Trong khi đó, Bộ Công Thương đề xuất cách tính thuế này chỉ áp dụng có thời gian ngắn hạn trong 5-10 năm, đủ để cho các doanh nghiệp ô tô tăng tốc tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. 10 nâm là khoảng thời gian mà hàng rào thuế quan từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP và EVFTA về 0%.
Trước nỗi lo hụt thu ngân sách, mới đây, Bộ Công Thương cũng đề nghị đồng bộ với ưu đãi thuế TTĐB cho giá trị xe sản xuất trong nước là việc tăng TTĐB cho các dòng xe có số lượng xe nhập khẩu lớn, khi đó, vấn đề hụt thu sẽ được giải quyết.
Đầu năm 2018, Bộ Công Thương đã lần đầu tiên đề xuất giải pháp ưu đãi trên trước nỗi lo xe ASEAN thuế 0% sẽ ồ ạt tràn vào chèn ép xe nội. Thực tế hiện nay đã chứng minh lo ngại của Bộ này trở thành sự thật khi xe Thái Lan, Inodonesia 8 tháng qua đã tràn ngập thị trường Việt, từ thị phần 17% nay đã chiếm tới 40% thị phần xe Việt Nam, mức giá ngày càng rẻ. Nhiều hãng liên doanh đã thu hẹp sản xuất.
Theo Vietnamnet