Xe Limousine Phúc Xuyên chạy tuyến Hà Nội - Quảng Ninh chuẩn bị đón khách trên đường Mạc Thái Tổ, quận Cầu Giấy, Hà Nội (Chụp sáng 30/7). Ảnh: Hữu Tuấn
Bến xe khách đìu hiu, trong khi xe trá hình vô tư lộng hành có nguyên nhân từ việc các doanh nghiệp nhà xe lợi dụng kẽ hở để lách luật. Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng không kém chính là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải tại các địa phương bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí bị buông lỏng.
Nhiều bất cập
Ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, đối với xe tỉnh ngoài quản lý và cấp phù hiệu chạy hợp đồng, địa phương có xe chạy qua không kiểm tra được có hay không việc thông báo hợp đồng trước khi thực hiện hoạt động vận chuyển khách về Sở GTVT cấp phù hiệu, do đó rất khó khăn cho công tác phối hợp quản lý, xử lý các xe tỉnh ngoài vi phạm. “Việc chia sẻ dữ liệu trên hệ thống giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ VN còn hạn chế, không kiểm tra được các phương tiện của địa phương khác vi phạm tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sở đã nhiều lần đề nghị các Sở GTVT liên quan phối hợp xử lý nhưng kết quả chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở”, ông Minh cho hay.
Ông Minh cũng thừa nhận về tình trạng xe đăng ký kinh doanh vận tải khách bằng hợp đồng nhưng hoạt động không đúng quy định, tổ chức bán vé, chạy cố định theo giờ. Chủ, lái xe dùng nhiều cách thức để đối phó với các lực lượng chức năng nên việc xử lý vi phạm đối với hành vi này rất khó khăn, chế tài chưa đủ sức răn đe nên hoạt động trên ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, một số đơn vị vận tải đứng ra làm hợp đồng thuê xe hay hợp đồng tiếp nhận xã viên để được cơ quan có thẩm quyền cấp phù hiệu xe hợp đồng và thu một khoản tiền theo tháng của chủ xe mà không quản lý phương tiện. Hoạt động của phương tiện do chủ xe tự chịu trách nhiệm theo thỏa thuận ngầm giữa các đơn vị vận tải với chủ xe. Hồ sơ quản lý phương tiện chỉ hoàn thiện để đối phó với cơ quan chức năng.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo quy định, xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước chuyến đi phải thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển về Sở GTVT. Tuy nhiên, các đơn vị vận tải “lách luật” bằng cách sử dụng xe 10 chỗ ngồi (1 lái xe và 9 hành khách) và “chống chế” lực lượng chức năng kiểm tra là chỉ có 9 hành khách.
Mặt khác, việc quản lý, theo dõi, giám sát thực hiện theo thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển trước chuyến đi tại các Sở GTVT còn thủ công, chưa có phần mềm quản lý, dẫn tới chưa kiểm soát chặt chẽ được hoạt động của đơn vị vận tải.
Đủ chiêu đối phó, xử phạt chưa triệt để
“
Thất thu thuế khổng lồ
Theo ông Thượng Thanh Hải, nguyên Phó giám đốc Bến xe Miền Đông (TP HCM), chỉ riêng việc các xe hợp đồng trá hình thu tiền mà không bán vé thì họ đã trốn 10% thuế giá trị gia tăng, gây thất thu thuế cho Nhà nước số tiền rất lớn mỗi ngày. Cùng đó là thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa kể tình trạng đa số các “xe dù” thường trốn đóng phí bảo hiểm cho hành khách; trốn nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho nhân viên, tài xế, đồng thời khiến bến xe của các địa phương bị thất thu rất lớn.
”
Cũng theo ông Viện, hiện chế tài xử lý và các quy định của pháp luật chưa theo kịp với điều kiện thực tế, thậm chí còn nhiều kẽ hở. Theo quy định, khi vận chuyển đơn vị vận tải phải có hợp đồng. Tuy nhiên, các loại xe trá hình này lách luật bằng việc chuẩn bị sẵn hợp đồng, sau khi đón khách thì ghi tên hành khách vào hợp đồng để đối phó, do vậy lực lượng chức năng không đủ cơ sở để xử lý.
Một số doanh nghiệp lại đối phó bằng cách ký hợp đồng vận chuyển với doanh nghiệp du lịch, hoạt động như tuyến cố định. Xe hợp đồng, du lịch lại không bị hạn chế đi vào phố nên thường lợi dụng để dừng, đỗ đón, trả khách tại khu vực không cấm dừng, đỗ xe, kéo theo việc hình thành xe dù, bến cóc.
Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của một số bộ phận cán bộ thực thi công vụ và chính quyền địa phương chưa triệt để. Một số địa bàn chưa kịp thời phát hiện các địa điểm phức tạp, tuyến đường trọng điểm, phương tiện, văn phòng đại diện thường xuyên vi phạm hoặc tái vi phạm, dẫn đến vi phạm tiếp tục tái diễn.
Tương tự, ông Bùi Hồng Minh cho rằng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng TTGT không thường xuyên, liên tục do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, quyền dừng xe kiểm tra của thanh tra trên đường còn hạn chế. Hiện vẫn còn tình trạng phổ biến các đơn vị vận tải không nộp lại phù hiệu bị thu hồi do vi phạm, hoặc báo mất, thất lạc nhưng vẫn dùng phù hiệu cũ lưu hành trên đường, trong khi việc xử lý cũng rất khó.
Để xử lý được xe trá hình, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM cho rằng, cần có một Ban chuyên trách với sự phối hợp của 3 lực lượng gồm: Đại diện sở GTVT, công an và chính quyền địa phương. Sở GTVT cũng nên quy định tất cả các xe kinh doanh tuyến cố định chỉ vào bến và các trạm dừng, không được đỗ lại dọc đường hoặc bến bãi tự phát.
Địa phương kêu thiết bị GSHT... trục trặc
“
Quảng Ninh lập tổ liên ngành xử xe hợp đồng trá hình
Thống kê của Sở GTVT Quảng Ninh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.300 phương tiện xe hợp đồng 16 ghế và xe Limousine dưới 9 ghế hoạt động theo hình thức trên, trong đó có 349 xe do Sở này cấp phù hiệu, số còn lại chủ yếu từ các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng.
Mới đây, UBND tỉnh có quyết định thành lập tổ liên ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT trong kinh doanh vận tải đối với các đơn vị vận tải trên địa bàn do Ban ATGT tỉnh làm trưởng đoàn (thành viên gồm: Công an tỉnh, TTGT, Phòng Quản lý vận tải) với mục đích xử lý doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải taxi, xe hợp đồng và sẽ thu hồi GPKD vận tải đối với đơn vị vi phạm.
”
Còn theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh, qua kiểm tra thực tế tại địa phương cả công tác quản lý phương tiện, lái xe, điều kiện vận tải và ATGT của các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp vận tải đều đang còn bất cập, buông lỏng, nhất là các tổ chức hợp tác xã vận tải.
Theo quy định, trước khi xe bắt đầu hành trình, doanh nghiệp phải kiểm tra điều kiện ATGT và bắt buộc phải điền đầy đủ các thông tin theo mẫu kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện như hệ thống phanh, hệ thống lái, tình trạng và áp suất của lốp… Nhưng dường như những thao tác này đang được thực hiện rất hình thức, đối phó, nếu không muốn nói là không có.
Trước thực tế như vậy, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải cũng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP HCM cho rằng, nhiều tháng nay, trang dữ liệu của Tổng cục Đường bộ VN quá tải, hệ thống không ổn định nên việc trích xuất dữ liệu rất khó khăn. Trên thực tế dù có lắp thiết bị GSHT nhưng nhiều tài xế cố tình tắt thiết bị, can thiệp vào phần cứng để ngăn truyền thông tin, dữ liệu tới trung tâm kiểm soát.
Ông Hải cho biết, Sở GTVT thường xuyên truy cập vào trung tâm dữ liệu kiểm tra nhằm nhanh chóng chấn chỉnh các vi phạm tại địa phương. Tuy nhiên, khó khăn nhất là dữ liệu khi trích xuất chưa thống nhất giữa trang thông tin quản lý của các nhà cung cấp “hộp đen” với hệ thống dữ liệu của Tổng cục Đường bộ VN. Vì thế, Tổng cục Đường bộ VN cần sớm nâng cấp cải tiến phần mềm quản lý dữ liệu thiết bị GSHT.
Tương tự, ông Vũ Văn Bằng, Chánh TTGT Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, hơn một năm nay, hệ thống truyền dữ liệu GSHT của Tổng cục Đường bộ VN đang bị trục trặc nên địa phương không trích xuất được lỗi vi phạm của các phương tiện vận tải. Do đó, công tác xử lý của địa phương cũng bị hạn chế.
Còn ông Ngô Hồng Quang, Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT Hải Phòng thông tin: “Nhiều tháng gần đây, mạng hệ thống giám sát hành trình luôn trong tình trạng trục trặc nên chúng tôi hầu như không thể truy cập được. Khi cần giám sát hành trình của xe nào, chúng tôi lại phải yêu cầu chính doanh nghiệp đó cung cấp”.
Theo .baogiaothong.vn