Hơn 90% xe đạp điện nhập lậu?
Nhiều mẫu xe đạp điện trên thị trường chưa được kiểm định chất lượng
Mấy năm gần đây, xe đạp điện và xe máy điện bắt đầu được sử dụng nhiều tại Việt Nam, đặc biệt là vùng nông thôn. Nhưng có một thực tế đáng buồn là thị trường xe máy điện và xe đạp điện đang bị hàng lậu, hàng giả hàng nhái áp đảo gây thiệt hại không nhỏ cho cho người tiêu dùng và gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của nhà nước.
Chia sẻ về vấn nạn này, ông Đoàn Ngọc Linh, CEO hãng xe điện Pega cho biết: "Có tới trên 90% xe đạp điện và các loại linh kiện bán và lưu hành trên thị trường hiện nay không rõ nguồn gốc xuất xứ". Khi được hỏi về căn cứ của con số nói trên, ông Linh lý giải: Số liệu này dựa trên con số từ các cơ quan quản lý và sản lượng hàng năm.
Cụ thể, theo ông Linh, năm 2019 có khoảng 700.000 xe đạp, xe máy điện và 50cc được bán ra thị trường Việt Nam. Đó là con số tem kiểm định do cơ quan quản lý cấp. Nhưng con số thực tế trên thị trường phải lên tới 1 triệu xe.
Trong khi đó, lãnh đạo của hãng xe điện Yadea cho biết: Hiện, số lượng xe máy, xe đạp điện tại Việt Nam vào khoảng hơn 5 triệu chiếc, tương đương với khoảng 5% tổng lượng xe 2 bánh gắn máy trên toàn quốc. Tốc độ tăng trưởng của ngành xe điện hiện vẫn đạt được khoảng 35-40% sau mỗi năm, trong bối cảnh xe máy xăng đang bão hòa. “Các mẫu xe nhập lậu thường đi theo đường tiểu ngạch không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hoặc các xe sản xuất trong nước song không có đăng kiểm và đăng ký. Vì vậy, nhóm xe lậu này không có số liệu thống kê rõ ràng và cách thức hoạt động”, đại diện Yadea chia sẻ thêm.
Còn theo số liệu mà ICTNews có được từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2019 có tổng số 52.938 chiếc xe đạp điện được 11 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Lượng xe đạp điện nhập khẩu là không đáng kể (40 xe). Lượng xe máy điện sản xuất trong cùng năm là 237.742. Con số này là không đáng kể so với con số hàng triệu mà các doanh nghiệp nêu.
Thị trường xe máy, xe đạp điện vẫn còn dư địa phát triển và liên tục tăng trưởng trong vài năm trở lại đây. Điều này khiến thị trường này trở nên “béo bở”. Lãnh đạo hãng xe điện Pega cho biết, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều “đi lên” từ xe đạp điện, sau đó mới lắp ráp và phân phối xe máy điện khí các loại xe này trở nên phổ biến hơn trong hơn 2 năm trở lại đây.
Các loại xe đạp điện có mức giá rẻ từ 6-11 triệu đồng và tập trung vào phân khúc khách hàng là học sinh sinh viên và người cao tuổi. Đối tượng khách hàng này chiếm khoảng trên 90%. Thế nhưng, nhiều mẫu xe bán ra lại không có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm định về chất lượng.
Một số liệu từ quản lý thị trường từng nêu ra với các cơ quan truyền thông năm 2018, khi đó Việt Nam có khoảng 3 triệu xe đạp, xe máy điện nhưng các cơ quan quản lý mới chỉ quản được 10%, còn lại là “thả nổi”.
Đại diện của một công ty xe điện Việt Nam xin được giấu tên chia sẻ hiện thị trường xe đạp điện lậu đang bán trên thị trường có thể chiếm đến 80%. Sở dĩ như vậy vì xe đạp điện không phải đăng ký làm biển số nên các đơn vị nhập linh kiện lậu và không thông qua Cục Đăng kiểm để cấp phép cho các xe này.
ICTnews cũng đã gửi câu hỏi đến cho Công ty Sơn Hà - một doanh nghiệp sắp nhảy vào lĩnh vực sản xuất xe máy điện. Tuy nhiên, một lãnh đạo Công ty Sơn Hà cho biết, đây là vấn đề nhạy cảm và công ty tạm thời chưa lên tiếng về vấn đề này.
Giá nào cũng bán
Người mua có thể dễ dàng tìm kiếm các loại xe điện với mức giá rẻ trên các sàn TMĐT.
Trong vài năm trở lại đây, các loại xe đạp và xe máy điện ngày càng trở nên phổ biến vì giá rẻ và tiện dụng. Hàng trăm mẫu mã của các thương hiệu xe đạp điện, xe máy điện đang được bán trên thị trường. Theo một con số thống kê không chính thức, cả nước có khoảng trên 2.000 điểm bán xe đạp, xe máy điện.
Khi có nhu cầu tìm hiểu về xe đạp điện để di chuyển, khách hàng có thể tìm kiếm dễ dàng trên các con phố Tôn Đức Thắng, Ô chợ Dừa, Bà Triệu…thậm chí là trên các trang TMĐT cũng bày bán rộng rãi. Hầu hết các mẫu xe này đều được giới thiệu là lắp ráp tại Việt Nam với mức giá phổ biến từ 6 – 12 triệu đồng với xe đạp điện và 14 – 20 triệu đồng với xe máy điện. Nhiều thương hiệu như VinFast, Yadea, Pega... làm các mẫu xe máy điện cỡ lớn với chất lượng tốt hơn và thường có giá bán cao hơn, từ 20 – 50 triệu đồng.
Tuy vậy, các mẫu xe đạp và xe máy điện cỡ nhỏ vẫn là phổ biến nhất. Với người tiêu dùng, đa số các loại xe này đều “na ná” về kiểu dáng và cũng khó để xác định về chất lượng. Người mua cũng khó có thể phân biệt được đâu là hàng Việt Nam hay hàng Trung Quốc.
Ngoài ra, người dùng còn “rối rắm” vì giá bán của các mẫu xe. Cùng một mẫu nhưng giá bán cách nhau tới vài triệu đồng. Điều này khiến nhiều người dùng lạc vào “mê hồn trận” và rất dễ mua phải sản phẩm kém chất lượng hoặc hàng chính hãng.
Một người trong ngành cho biết: Các xe lậu đa phần đều nhái thiết kế của các mẫu xe đang bán chạy ở Việt Nam và các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, do các loại xe lậu thường chạy theo giá rẻ, bán không có bảo hành, đi kèm chất lượng xe kém từ khung, vỏ, động cơ, ắc quy... nên chỉ có thể sử dụng trong thời gian ngắn. Và người dùng chọn mua các xe lậu dễ gặp rất nhiều bất tiện, phải trả thêm nhiều chi phí phát sinh và thậm chí gặp nguy hiểm trong quá trình vận hành xe.
Trong khi đó, lãnh đạo Pega cho biết: “Khi đã làm xe lậu thì bản chất đã là chọn các loại linh kiện giá rẻ để tối ưu hóa lợi nhuận. Mức giá của các mặt hàng này sẽ rẻ hơn so với các sản phẩm chính hãng bán trên thị trường và cũng khó có thể phân biệt bằng mắt thường. Thậm chí, cũng không loại trừ việc làm giả nhãn kiểm định để dán vào hòng qua mặt các cơ quan chức năng”.
Sau khi linh kiện nhập lậu được đưa vào Việt Nam sẽ nhanh chóng lắp ráp mà không quan tâm tới chất lượng sản phẩm và cũng không qua đánh giá kiểm định chất lượng của Cục đăng kiểm Việt Nam. Các mẫu xe này được vận chuyển về các nhà phân phối tại nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc và đưa xuống các đại lý nhỏ, lẻ ở tuyến huyện để bán đến tay người dân.
Theo Báo VietNamnet