Ngay sau khi dự án được khởi công, các nhà thầu đã huy động gần 1.000 cán bộ kỹ thuật, công nhân triển khai hàng trăm mũi, dồn lực thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Thế nhưng 8 tháng trôi qua, dự án chỉ đạt hơn 7% so với giá trị hợp đồng. Nguyên nhân được xác định là do công trường “đói” cát, vướng mặt bằng.

Sau 8 tháng thi công, cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau đạt khoảng 7% so với kế hoạch.

Cùng một công trình, nơi nhộn nhịp, chỗ vắng vẻ

Ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông trên đại công trường cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, tại vị trí nút giao IC3 (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) không khí thi công hết sức khẩn trương. Hàng chục thiết bị máy móc, cùng hàng trăm công nhân đang triển khai ép cọc, đổ bê tông trụ cầu, gia công khuôn thép…

“Chúng tôi đã huy động hơn 70 kỹ sư, công nhân, triển khai thi công các hạng mục đóng cọc, kết cấu thân bệ trụ cầu tại nút giao IC3. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vướng mặt bằng, chúng tôi mong cơ quan chức năng giải quyết sớm để gói thầu hoàn thành đúng theo kế hoạch, đảm bảo tiến độ của dự án”, ông Lê Minh Đức, kỹ sư quản lý thi công Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C cho biết.

Công nhân gia công khuôn thép.

Tương tự tại nút giao IC2 (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) không khí thi công diễn ra cũng hết sức khẩn trương. Hàng chục bệ trụ cầu đã cơ bản hoàn thiện, những trụ khác đang được các công nhân tạo khuôn để đổ bê tông...

Nhưng trái ngược với khung cảnh nhộn nhịp tại các công trình cầu, trên khu vực thi công tuyến chính, chỉ lác đác vài xe công trường nhưng không có công nhân. Thậm chí, một số vị trí đã được đào hữu cơ nhưng không còn nhận biết được vì cỏ mọc cao che khuất, do không có cát để đắp.

Mỗi người một phần việc, không khí thi công trên công trường diễn ra hết sức khẩn trương.

“Phần cầu trên nhánh N2 tại khu vực thi công nút giao IC2, nhà thầu thi công từ trụ 5-15 phần thân bệ đã cơ bản hoàn thiện. Hiện nhà thầu đang triển khai thi công mũ trụ. Còn nhánh N1 có sáu trụ cầu cũng đang được đơn vị thi công triển khai được hai thân bệ, đóng cọc 4/6 trụ.

Riêng phần tuyến chính, chúng tôi cũng đã đào hữu cơ khá nhiều tuy nhiên hiện nay công việc đang bị chững lại do không có cát để bơm. Vì nguồn cát cung cấp do dự án hiện nay đang cực kỳ khó khăn, chúng tôi rất nóng ruột.

Chúng tôi cũng mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm để công trường đủ vật tư để thi công”, ông Nguyễn Ngọc Nam, cán bộ kỹ thuật Công ty CP Xây dựng Tân Nam chia sẻ.

Các trụ cầu tại nhánh N2 cơ bản hoàn thành.

Thi công cầm chừng vì thiếu cát

Trao đổi cùng PV Báo Giao thông, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) nhìn nhận, công tác thi công tuyến chính khoảng hai tuần qua gần như chững lại.

“Vừa rồi tỉnh An Giang đã hỗ trợ, bố trí cho dự án được 1,1 triệu m3 cát từ bốn mỏ đang khai thác. Nhưng sau đó tỉnh có một loạt quyết định thu hồi giấy phép khai thác mỏ nên việc cấp cát đã tạm dừng. Hiện các nhà thầu chủ yếu tập trung thi công phần cầu”, ông Tuân nói.

Công nhân gia công trụ bê tông.

Theo chủ đầu tư, thực tế, nhà thầu đã huy động 910 nhân sự bao gồm kỹ sư và công nhân, chia làm 143 mũi cùng với 422 máy móc thiết bị, thi công dự án. Tuy nhiên, 8 tháng đã trôi qua, tiến độ đạt khoảng 7%, chậm 3% so với kế hoạch.

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường. Đến nay, việc bố trí cát từ các mỏ đang khai thác còn chậm. Trong khi đó, thủ tục mở mỏ mới mất nhiều thời gian nên chưa đáp ứng kịp thời về khối lượng theo nhu cầu của dự án.

Do thiếu cát, các nhà thầu hiện tập trung thi công các hạng mục cầu.

Đồng thời một số vị trí trên tuyến còn vướng mặt bằng, công trình hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành di dời đặc biệt là đường điện cao thế.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, để giải quyết các khó khăn trên, đảm bảo tiến độ của dự án, chủ đầu tư đã có kiến nghị tỉnh An Giang xem xét sớm triển khai thủ tục đối với 2,2 triệu m3 như dự kiến đảm bảo bố trí cho dự án đủ 3,3 triệu m3 trong năm 2023 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Ban cũng kiến nghị xem xét hoàn thiện thủ tục tăng công suất, cấp quyền khai thác mỏ trong tháng 8 và tháng 9/2023.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 25.523 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là chủ đầu tư.

Đoạn này được phân thành hai dự án thành phần: dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài hơn 37km, mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng; dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài hơn 73km, mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.

Dự án được khởi công đầu năm 2023, hoàn thành cơ bản năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

 Theo Báo Giao thông