Hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới
Cục Hàng không VN cho biết, sản lượng hành khách và hàng hóa thông qua các cảng hàng không 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhà ga hành khách quốc nội Cảng HKQT Nội Bài
Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng 904,6%. Khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%. Dự kiến cả năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu lượt khách, tăng 190% so với năm 2021. Trong đó khách quốc tế dự kiến đạt khoảng 5 triệu lượt khách, tăng 844% và khách nội địa đạt khoảng 82,8 triệu lượt khách, tăng 178,4%.
Tại báo cáo công bố mới đây, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá Việt Nam đứng vị trí thứ nhất trong danh sách 25 quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới, vượt qua Mexico, Brazil, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia đứng thứ 8, Malaysia đứng thứ 9, Thái Lan đứng thứ 24.
Điểm tựa cho ngành hàng không Việt Nam sớm phục hồi là thị trường nội địa 100 triệu dân đang gia tăng nhu cầu đi lại sau hơn hai năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó là sự chủ động ứng phó của các doanh nghiệp.
Ưu tiên cao nhất của các hãng hàng không trong giai đoạn khó khăn vừa qua là nỗ lực duy trì hoạt động liên tục, tạo niềm tin cho các đối tác và đặc biệt là triển khai tốt chính sách lao động, tiền lương và hỗ trợ người lao động để duy trì đội ngũ nhân lực, sẵn sàng quay trở lại thị trường.
Vì vậy ngay khi khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, các hãng hàng không Việt Nam đã có điều kiện sớm đẩy mạnh khai thác, cải thiện doanh thu. Nhờ đó, hàng không Việt Nam đang trở thành điểm sáng phục hồi trong bối cảnh ngành hàng không thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân sự sau đại dịch, nhiều quốc gia không đủ phi công, tiếp viên, nhân viên mặt đất… để vận hành thông suốt các chuyến bay.
Cần “lực đẩy” từ chính sách
Tuy nhiên, đà hồi phục của các hãng hàng không còn nhiều trắc trở vì khó khăn do đại dịch Covid-19 còn chưa được khắc phục đã phải đối mặt với “bão giá” nhiên liệu.
Sự trỗi dậy của thị trường đem lại nguồn doanh thu giúp các hãng hàng không cải thiện được dòng tiền nhưng không đủ để cân đối được những khó khăn tài chính đã tích tụ lại sau hơn hai năm chống chịu với đại dịch. Đây là thời điểm ngành hàng không cần có sự hỗ trợ về cả cơ chế, chính sách và nguồn lực để phục hồi và tăng tốc phát triển mạnh mẽ.
PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần nhìn nhận đúng vai trò của ngành hàng không là một trong những trụ cột quan trọng của quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, từ đó có cơ chế, chính sách kịp thời và đủ lớn để tạo “lực đẩy” cho ngành hàng không nắm lấy cơ hội bứt phá, vượt lên trước các đối thủ trong khu vực đang phục hồi khó khăn hơn.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới hoàn toàn thay đổi. Hàng không Việt Nam đang có cơ hội trỗi dậy rất là mạnh và hoàn toàn có thể vươn lên tạo lập vị thế trên thế giới. Cần có cách tiếp cận hàng không Việt Nam như một thế lực quốc gia có vị thế toàn cầu, tạo "sức bật" cho cả nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay”, PGS, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, cần xây dựng một Đề án tổng thể cơ cấu lại ngành hàng không nhằm giải quyết được những khó khăn trước mắt cũng như thực hiện quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Cụ thể, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu soạn thảo, đề xuất các phương án sửa một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10/2022 để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp về tình hình tài chính;
Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp; nghiên cứu phương án các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc quyền quản lý được phép hợp vốn để đầu tư hạ tầng hàng không và hãng bay như một tổ chức quản lý vốn mà không làm giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được giao quản lý…
Trước tình trạng lạm phát tăng cao và biến động giá nhiên liệu toàn cầu, các chuyên gia kinh tế cho rằng Bộ Tài chính cần xem xét kiến nghị của các hãng hàng không về việc áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Bên cạnh đó, kiến nghị của các hãng hàng không về việc phụ thu nhiên liệu, điều chỉnh trần giá vé máy bay trên chặng nội địa cần được nghiên cứu, ban hành để phù hợp với thực tế khai thác cũng như thông lệ quốc tế..
Theo Báo Giao Thông