Ngày 27/4, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 10/CT- TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) trong tình hình mới; đánh giá kết quả công tác thực hiện Điện của Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo nhiệm vụ công tác đảm bảo TTATGT năm 2023 và quán triệt các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4- 1/5, cao điểm du lịch hè năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an.
Toàn cảnh hội nghị
Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT; đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại các điểm cầu, có lãnh đạo địa phương chủ trì; lãnh đạo Công an tỉnh và lãnh đạo các phòng chức năng, Công an cấp huyện dự, báo cáo công tác khi lãnh đạo Bộ yêu cầu.
Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc và quán triệt các nội dung cơ bản của Chỉ thị số 10, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, quan điểm của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị số 10 là phải đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) của đất nước; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; đảm bảo quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng.
Chỉ thị đã xác định mục tiêu đối với công tác đảm bảo TTATGT là: thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về tham gia giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hoá giao thông trong nhân dân; giảm thiểu TNGT, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khoẻ, tính mạng, tài sản của nhân dân, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
“Để đạt được mục tiêu trên, Chỉ thị đã đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh và nêu rõ 9 nhiệm vụ, giải pháp mà lực lượng CAND và các ngành, các cấp phải thực hiện; trong đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đảm bảo TTATGT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư, xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông.
Trong quá trình xử lý vi phạm, phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật…
Cũng tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT thông tin nhanh kết quả 2,5 tháng thực hiện Điện số 05/ĐK-HT của đồng chí Bộ trưởng về nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2023. Theo đó, lực lượng CSGT toàn quốc đã huy động 246/914 lượt tổ công tác, với 990.468 lượt CBCS tổ chức tuần tra, kiểm soát; đã phát hiện, xử lý 736.646 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 1.577 tỷ 937 triệu đồng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an điều hành tại Hội nghị
Đáng chú ý, bám sát Điện 76 của Bộ trưởng Bộ Công an và Kế hoạch 299 của Cục CSGT, toàn lực lượng đã xử lý 176.122 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn; 28.358 trường hợp vi phạm vận tải hàng hóa “cơi nới” thành thùng, chở hàng quá khổ, quá tải. Đã có 28 địa phương trên cả nước được đánh giá làm tốt công tác đảm bảo TTATGT, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với thời gian liền kề như: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, Cao Bằng, Bến Tre, Bắc Kạn, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng… Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương có TNGT tăng cả 3 tiêu chí như: Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Trà Vinh, Bình Dương, Cà Mau.
Các đại biểu tại các đầu cầu tham luận tại Hội nghị
Tại Hội nghị, dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, lãnh đạo một số địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Phú Thọ; Nghệ An... và Công an các đơn vị, địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm TTATGT; đặc biệt, các địa phương TNGT tăng phải báo cáo nguyên nhân và kế hoạch để giảm TNGT trong thời gian tới.
Cụ thể, Công an tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm "5 không" trong bảo đảm TTATGT gồm: Không chở quá tải; không uống rượu bia khi lái xe; không có vùng cấm, ngoại lệ trong xử lý vi phạm; không có tình trạng người dân chống đối khi bị xử lý vi phạm; không sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ. Phong trào "5 không" đã phát triển sâu rộng, lan toả đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ; các cán bộ, đảng viên phải ký cam kết không vi phạm và không can thiệp vào xử lý vi phạm giao thông; lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp kiểm tra tại Công an huyện, xã; các đội trạm, tổ CSGT để kịp thời chấn chỉnh nếu phát hiện CBCS chưa làm tốt nhiệm vụ…
Tại Công an TP Hải Phòng, trực tiếp Phó Giám đốc phụ trách công tác giao thông đã thành lập 2 nhóm zalo: nhóm 1 gồm trưởng phòng, trưởng huyện và nhóm 2 gồm đội trưởng CSGT của phòng và các quận, huyện; yêu cầu 23h hàng ngày, các đội trưởng báo cáo kết quả trực tiếp chỉ đạo; yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường TTKS, xử lý vi phạm, không để trống địa bàn; đã tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo quán triệt công chức, viên chức trên địa bàn, nghiêm cấm cam thiệp vi phạm giao thông, vận động bạn bè, người thân chấp hành quy định; thành lập 3 tổ cơ động xử lý theo chuyên đề nồng độ cồn, quá tải, tốc độ…3 tổ này có nhiệm vụ TTKS tất cả các tuyến, không căn cứ địa bàn phụ trách. Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, Hải Phòng đã giảm được 25% số người chết, 42,8% số người bị thương; tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản.
Công an tỉnh Quảng Ninh báo cáo nguyên nhân xảy ra 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng và báo cáo tình hình thực tại công tác bảo đảm TTATGT, xuất hiện tình trạng học sinh tụ tập, sử dụng hung khí gây mất TTATGT. Qua kiểm tra, Công an tỉnh Quảng Ninh còn phát hiện tình trạng học sinh tụ tập, sử dụng hung khí đánh nhau, gây mất ANTT.
“Qua kiểm tra tại 1 trường PTTH, chúng tôi phát hiện 2 trường hợp học sinh có GPLX do bố mẹ mua cho con sử dụng” – Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết và nêu các phương án đảm bảo ATGT thời gian tới, đặc biệt là kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ngành, các cấp trong công tác triển khai nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác đảm bảo TTATGT.
“ATGT là vấn đề rất nhức nhối, trung bình từ 2011 đến nay, mỗi 1 giờ có 1 người chết, mỗi ngày 24-25 người chết và vài chục người bị thương, họ đều là lao động chính. Hình ảnh những cháu bé mồ côi cha mẹ do TNGT rất thương tâm, cuộc sống của các cháu sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, phải làm gì để không để xảy ra TNGT? không để thiệt hại về con người, về kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề rất lớn, cần phải thực hiện kiên quyết ngay, trong đó, việc xây dựng Luật TTATGT đường bộ là hết sức cần thiết không thể chậm trễ hơn.” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và khẳng định, các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các cấp ngành đã thưc hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác đảm bảo ATGT; hoan nghênh tỉnh Bắc Ninh đã tiên phong xây dựng mô hình “tỉnh ATGT”, trong 1 tháng đã giảm 30% số vụ TNGT so với tháng liền kề; Bộ trưởng bày tỏ hi vọng tỉnh nào cũng sẽ xây dựng mô hình này.
“Việc xử lý quyết liệt nồng độ cồn trong thời gian qua của toàn lực lượng CSGT là rất tốt, được các cấp, các ngành và nhân dân đánh giá rất cao, thực sự đã đi vào mâm cơm, bữa ăn từng gia đình. Chúng tôi nhận được thư cảm ơn của nhiều phụ nữ vì cho rằng, từ ngày xử lý nghiêm nồng độ cồn thì chồng ít đi tụ tập, rượu bia, về nhà sớm, chăm lo cho gia đình. Việc giải quyết nồng độ cồn không chỉ góp phần đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế TNGT, mà còn phòng ngừa những hành vi phạm tội bột phát do uống rượu như giết người, cố ý gây thương tích, dâm ô, hiếp dâm…” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Hình ảnh lực lượng CSGT giúp đỡ nhân dân, xử lý cương quyết vi phạm về nồng độ cồn đã góp phần kéo giảm TNGT và xây dựng hình ảnh đẹp lực lượng CSGT
Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện công tác đảm bảo TTATGT của lực lượng CSGT toàn quốc, cũng như nắm rõ các tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi nhiệm vụ của Công an các đơn vị, địa phương, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đã chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm cho toàn lực lượng.
Cụ thể: tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Điện 76, Điện 05 và Kế hoạch 299 về tăng cường xử lý các vi phạm như người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy, nồng độ cồn; phương tiện vận tải vi phạm chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng; vi phạm tốc độ…; các địa phương căn cứ kết quả điều tra cơ bản về phương tiện vận tải hành khách xây dựng các kế hoạch, phương án tập trung xử lý đối với từng nhóm phương tiện cụ thể. Đối với các phương tiện hết hạn kiểm định phải kiên quyết xử lý không để các phương tiện này hoạt động. Đối với các phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng phải quản lý chặt chẽ, không cho đưa vào sử dụng.
Gắn trách nhiệm cụ thể với các đơn vị, cá nhân phụ trách địa bàn nếu để các phương tiện quá hạn kiểm định, hết niên hạn sử dụng vẫn hoạt động gây TNGT; kiên quyết triệt xử lý triệt để tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, “nhồi nhét” khách…; xử lý nghiêm tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, mang theo hung khí diễu phố, đua xe trái phép gây hoang mang, lo lắng, bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định khi tham gia giao thông nhằm phòng ngừa TNGT; cần tập trung xử lý không để lấn chiếm lòng lề đường, không để hình ảnh “nhếch nhác” kéo dài, ảnh hưởng hành lang giao thông cũng như mất mỹ quan đô thị; các đơn vị bố trí, sắp xếp cho CBCS và người dân đỗ xe khi đến làm việc;
Đồng chí Bộ trưởng yêu cầu Công an các địa phương nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị các địa phương quan tâm cân đối ngân sách địa phương và huy động nguồn lực hợp pháp để đầu tư triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát trên các tuyến quốc lộ và cửa ngõ các địa phương, kết nối với Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành giao thông của Bộ Công an để phục vụ có hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT và bảo đảm ANTT, đầu tư xây dựng lực lượng CSGT trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại...
Theo csgt.vn