Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, lãnh đạo tỉnh, nhà đầu tư... cắt băng thông xe toàn tuyến Dự án hầm Đèo Cả
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả (Chủ đầu tư dự án), đây là nỗ lực rất lớn của các chủ thể tham gia dự án, đơn vị chức năng. 6 năm triển khai Dự án, trong đó có 4 năm trực tiếp thi công, Ban QLDA, nhà thầu, TVGS đã vượt qua hàng loạt khó khăn, thách thức do điều kiện địa chất phức tạp, thời tiết bất lợi, sự thay đổi cơ chế chính sách, nguồn vốn đầu tư, cùng cả sự "hoài nghi" ban đầu... để đưa công trình về đích, đảm bảo yêu cầu tiến độ, chất lượng.
"Dự án lần đầu tiên do nhà thầu Việt thi công, làm chủ công nghệ khoan đào hầm, dưới sự tư vấn giám sát của các chuyên gia, đơn vị nước ngoài.... Tiến độ, chất lượng Dự án được đảm bảo, đưa công trình sớm thông xe toàn tuyến vượt tiến độ", ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, việc sớm thông xe sẽ phát huy hiệu quả công trình hầm Đèo Cả
Hầm đường bộ đèo Cả được đưa vào sử dụng tạo nên động lực để các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ có thêm điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực này, nhất là tỉnh Phú Yên so với cả nước còn có những hạn chế do hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nên nhiều nhà đầu tư ngại bỏ vốn vào đây. Hầm Đèo Cả được thông tuyến đồng nghĩa với nút thắt trên quốc lộ 1 được giải quyết, góp phần tạo nên sự hoàn chỉnh cho mạng lưới giao thông cả nước. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, công trình này đưa vào sử dụng không chỉ là một kỳ tích của người Việt Nam đối với một hầm đường bộ có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, mà còn tạo nên dấu ấn cho nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, cũng như khẳng định sự thành công của hình thức đối tác công tư (PPP) lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Đoạn quốc lộ 1 qua khu vực miền Trung đã được nâng cấp, hầm Đèo Cả sẽ mở nút thắt trên đoạn đường này tạo thuận lợi hơn nữa cho lưu thông của các phương tiện. Cùng với hầm Đèo Cả, năm 2018, hầm Cù Mông cũng sẽ hoàn thành góp phần hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật giao thông cả nước.
Ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh công trình thể hiện nội lực Việt trong thi công hầm,
vượt ra khỏi mọi thước đo về lợi ích kinh tế...
Trước đó, ngày 15/8, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã kiểm tra, thống nhất đánh giá "đại công trường" hầm đường bộ Đèo Cả đủ điều kiện đưa vào khai thác. Chủ đầu tư quyết định mở cửa lưu thông miễn phí cho người dân từ ngày 21/8-2/9/2017, dự kiến chính thức thu phí từ 3/9 tới.
Đặc biệt, người tham gia giao thông hoàn toàn được quyền quyết định khi lưu thông đường đèo hoặc lưu thông qua hầm Đèo Cả. Và chỉ mất phí khi lưu thông qua hầm, với nhiều tiện ích: rút ngắn tối đa thời gian lưu thông, đảm bảo ATGT, giảm hao mòn, chi phí nhiên liệu, không bị ách tắc giao thông.
"Công tác thu phí được triển khai đúng các quy định, được các cơ quan chức năng phê duyệt, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước- người dân- doanh nghiệp", ông Hoàng nhấn mạnh.
Bí thư tỉnh ủy Phú Yên nhấn mạnh: hầm Đèo Cả tạo động lực cho kinh tế miền Trung cất cánh.
Cũng theo ông Hoàng, công tác quản lý, vận hành công trình được ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, tự động hóa, giám sát chặt chẽ, đảm bảo an toàn khai thác. Ám ảnh về tai nạn giao thông, sạt trượt, ách tắc giao thông, di chứng của bệnh tật do không thể kịp thời cứu chữa vì lưu thông đường đèo... sẽ dần được xóa bỏ khi công trình đưa vào vận hành, khai thác.
Ông Huỳnh Tấn Việt - Bí thư tỉnh ủy Phú Yên, đại diện các địa phương vùng dự án cho biết: công trình là niềm mơ ước, nguyện vọng của đảng bộ, nhân dân các thế hệ của địa phương. Con đèo chỉ dài hơn 10km nhưng hiểm trở, nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, ùn tắc giao thông. Chỉ cần một xe bị chết máy hoặc một cú va quệt giữa 2 xe đi ngược chiều nhau là hàng trăm phương tiện sẽ ùn ứ ở hai đầu đèo Cả hàng giờ liền. Ngoài ra, mỗi khi vào mùa mưa bão, đèo Cả cũng thường xuyên xảy ra sạt trượt gây tắc đường, làm lực lượng cảnh sát giao thông hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa phải vất vả để giải tỏa. Thiệt hại kinh tế của những lần như vậy là rất lớn nên người dân, chính quyền hai tỉnh luôn ước mong đèo Cả có hầm.
Đường dẫn phía Bắc hầm Đèo Cả
Tại buổi lễ, nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng vì thành tích trong triển khai Dự án.
Hầm Đèo Cả và tiếp sau hầm Cù Mông sẽ mang đến niềm hi vọng, phá thế “ốc đảo” cho cả Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Định; mở toang cánh cửa thông thương, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, quốc phòng, an toàn giao thông, kết nối giữa hai khu kinh tế Nam Phú Yên và Vân Phong (Khánh Hòa), phát triển du lịch...
Phát lệnh thông xe toàn tuyến Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, Thứ trưởng Lê Đình Thọ biểu dương nỗ lực cố gắng triển khai dự án của chủ đầu tư, các đơn vị chức năng. Hầm Đèo Cả là công trình trọng điểm cả nước, có quy mô, tính chất phức tạp nhất, đặc biệt hoàn toàn do người Việt làm chủ công nghệ thi công.
Việc sớm thông xe, vận hành toàn tuyến, góp phần phát huy hiệu quả tối đa Dự án. Rút ngắn ít nhất 9km hành trình, giảm 30phút so với lưu thông đường đèo, đảm bảo an toàn giao thông, lưu thông mùa mưa bão.
Công trình rút ngắn thời gian lưu thông, đảm bảo ATGT, giảm hao mòn phương tiện, nhiên liệu so với đường đèo
Người dân được lưu thông miễn phí đến ngày 3/9/2017
Một trong những thành công nhất của Dự án này chính là xây dựng mô hình đầu tư, tạo nên một thế hệ kỹ sư mới, một thế hệ nhà thầu trong nước, nhà đầu tư Việt Nam có thể đủ sức đảm nhận được các dự án hạ tầng có độ khó mà trước đây chỉ có thể là nhà thầu quốc tế đảm nhận. Từ đây, ngành GTVT có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu để triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm khác - Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá.
Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị chủ đầu tư, các đơn vị chức năng tiếp tục đảm bảo công tác vận hành hầm an toàn, hiệu quả, tính động bộ công trình.
Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả có điểm đầu tại Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên), điểm cuối tại (Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) với tổng chiều dài 13,2 km, trong đó hầm đèo Cả dài 4.125m, hầm đèo Cổ Mã dài 500m; cầu và đường dẫn dài 9km. Quy mô toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.300 tỷ đồng.
Nguồn: Báo Giao thông