Nghiên cứu thu phí qua GPS và qua vệ tinh
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa có buổi làm việc với Cục Đường bộ VN về công tác quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc với Cục Đường bộ VN hôm nay (10/2).
Đánh giá cao những kết quả mà Cục Đường bộ VN đã đạt được trong thời gian qua như: chuyển đổi thành công mô hình tổ chức, công tác bảo trì đường bộ có nhiều chuyển biến, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số,... Trong đó nổi bật là việc hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong thu phí giao thông, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cần tiến thêm bước nữa.
"Chúng ta đang đầu tư khối lượng lớn đường cao tốc. Việc đầu tư hệ thống trạm thu phí không dừng gây tốn kém. Trong khi nhiều nước trên thế giới đã có công nghệ mới, họ không cần xây dựng trạm, không có barie. Họ sử dụng hai công nghệ thu phí GPS và qua vệ tinh.
Công nghệ thu phí qua vệ tinh và qua GPS sẽ giúp thu phí vào nội đô tại các đô thị lớn dễ dàng hơn. Đây là giải pháp được nhiều quốc gia như Singapore và một số nước Châu Âu áp dụng để hạn chế phương tiện vào nội đô. Khi không có barie thì giải pháp thu phí nội đô mới khả thi, tránh được ùn tắc giao thông", Bộ trưởng nói và yêu cầu Cục Đường bộ VN phải triển khai nghiên cứu xây dựng đề án ngay để thu phí bằng các công nghệ này để phục vụ cho thu phí đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến cao tốc khác.
Báo cáo Bộ trưởng, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, thời điểm hiện tại, toàn bộ 147 trạm thu phí trên toàn quốc với tổng số 857 làn thu phí đã được đầu tư, lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí điện tử không dừng. Các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí điện tử không dừng hoàn toàn từ ngày 1/8/2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT.
Tính đến đến ngày 1/12/2022, có hơn 4,2 triệu phương tiện trên toàn quốc đã dán thẻ đầu cuối, đạt tỷ lệ 92% và đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí cơ bản ổn định, tạo thuận lợi và an toàn cho phương tiện.
Phòng chống tiêu cực trong bảo trì, đào tạo, sát hạch lái xe
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu tập thể Cục Đường bộ VN phải làm việc với tinh thần quyết tâm cao nhất, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, đổi mới tư duy, cách làm để đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn.
"Đặc biệt, trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Cục Đường bộ phải tăng cường thanh, kiểm tra. Trước mặt, tập trung thực hiện hiệu quả thanh tra theo kế hoạch đã được Bộ GTVT ban hành. Sửa đổi các quy định pháp luật để phân cấp, phân quyền triệt để trong đào tạo, sát hạch lái xe", Bộ trưởng yêu cầu, đồng thời, giao nhiệm vụ cho Cục Đường bộ VN tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định đảm bảo ATGT, nhất là trong quản lý vận tải, ATGT trong mùa lễ hội.
“Cục Đường bộ VN phải khẩn trương xây dựng phần mềm tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, nhất là tình trạng “xe dù bến cóc”, các vấn đề mất ATGT và các vấn đề của ngành”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Trong sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ trưởng yêu cầu phải làm theo hướng phù hợp với chức năng nhiệm vụ, vị trí, vai trò của Cục Đường bộ, đảm bảo tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Công tác rà soát tham mưu xây dựng thể chế, chính sách theo nhiệm vụ, chức năng của Cục Đường bộ VN cũng phải phản ảnh được hơi thở của thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ. Trong đó, phối hợp tốt với Bộ Công an hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ và Luật đảm bảo trật tự ATGT, sớm trình Chính phủ và Quốc hội.
Đối với vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý đường bộ, Bộ trưởng yêu cầu cần làm rõ vai trò, trách nhiệm giữa Cục Đường bộ với các địa phương. “Đẩy mạnh phân cấp phân quyền nhưng phải khoa học, hợp lý đi đôi với tăng kiểm tra, giám sát, địa phương nào làm tốt tiếp tục mở rộng phân cấp, nơi nào không tốt sẽ thu về. Không để phân cấp phân quyền mà buông lỏng quản lý”, Bộ trưởng nói.
Đề cập đến lĩnh vực bảo trì đường bộ - lĩnh vực quan trọng nhất trong hoạt động quản lý của Cục Đường bộ VN, Tư lệnh ngành GTVT yêu cầu phải tăng cường năng lực dự báo, xây dựng triển khai một cách chủ động kế hoạch bảo trì hàng năm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng. "Triển khai công tác bảo trì đường bộ đảm bảo khách quan, đúng tiến độ, chất lượng, tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng tiêu cực", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, hành lang pháp lý quan trọng số 1 đối với Cục Đường bộ VN là Luật Giao thông đường bộ. Quá trình phát triển đã đến lúc cần chi tiết, cụ thể các quy định trong Luật. ATGT đang là vấn đề bức xúc, việc tách Luật Giao thông Đường bộ và Luật đảm bảo trật tự ATGT là cần thiết, rõ trách nhiệm, người thực thi và thực hiện. Cục Đường bộ VN cần tập trung để hoàn thiện dự thảo Luật.
Theo Báo Giao thông