Ban An toàn Giao thông huyện Năm Căn ra quân giải tỏa chướng ngại vật trên sông

Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Năm Căn Nguyễn Tấn Phương thông tin, đến nay qua tuyên truyền vận động, người dân trên địa bàn huyện tự tháo dỡ 6 đám chà, 82 cây cọc, 16 cái lú và 8 lưới đăng trên sông. Bên cạnh đó, Ban ATGT huyện phối hợp với ngành chức năng ra quân nhổ 400 cây cọc đáy, 200 đám chà, thanh thải 10 cái lú, cắt bỏ trên 300 cái phao neo, giải tỏa 3 hàng đáy mới phát sinh trên sông Bảy Háp và sông Cửa Lớn . Sau khi giải tỏa, đoàn công tác làm biên bản bàn giao cho UBND xã. Địa phương có trách nhiệm ngăn chặn, nếu để tái diễn sẽ bọ xử lý trách nhiệm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

 Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thới Bình Quách Phát Để thông tin về tình hình giải tỏa chướng ngại vật trên sông với đoàn Kiểm tra thuộc Sở GTVT tỉnh tỉnh Cà Mau

Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thới Bình Quách Phát Để nêu rõ, Ban An toàn giao thông huyện đã triển khai 7 cuộc giải tỏa chướng ngại vật trên các tuyến sông do Trung ương và địa phương quản lý. Kết quả đã giải tỏa, thanh thải được 79 km, với 230 gió, lú đóng trên sông, thanh thải hơn 850 cây cọc đặt nò, gió, lú. Qua giải tỏa đã trả lại sự thông thoáng cho các tuyến sông. Ngoài ra,  chính quyền các xã, thị trấn còn tổ chức vận động người dân tự giác tháo dỡ vật chướng ngại trên sông, với nhiều hình thức như: Đăng ký cam kết không vi phạm hành lang bảo vệ luồng, gây mất an toàn giao thông đường thủy, tuyên truyền trên loa truyền thanh về tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy.

Ông Tôn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hải, huyện Năm Căn bày tỏ. do tập quán sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông của các hộ dân nên tình trạng tái lấn chiếm hành lang đường thủy sau những đợt kiểm tra, giải tỏa vẫn thường xuyên diễn ra. Vì vậy, nếu không tạo điều kiện, hướng dẫn để người dân chuyển đổi ngành nghề việc tái chiếm sẽ tiếp tục diễn ra.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau Nguyễn Việt Triều cho biết: “ Theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp, trong tổng số các hộ đang hoạt động khai thác trên sông, rạch trên địa bàn tỉnh có 1.170 hộ đồng ý giải toả, 340 hộ không đồng ý. Trong có số này có 1.340 hộ có nguyện vọng chuyển đổi nghề sau khi giải toả, 75 hộ không đồng ý chuyển nghề, 91 hộ không có ý kiến. Trong đó gần 730 hộ muốn chuyển qua nghề nuôi thuỷ sản, trên 200 hộ chuyển nghề chăn nuôi, 220 hộ chuyển nghề mua bán, 100 hộ chuyển nghề khác, 250 hộ không có ý kiến”.

Đặt nò, đó, lú trên sông đang là những cái bẫy các phương tiện tham gia giao thông

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau Nguyễn Việt Triều nhấn mạnh,  việc giải toả các đáy lú và chướng ngại vật trên sông nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn đường thuỷ nội địa, đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân, đồng thời giữ gìn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Các hoạt động hành nghề đáy cũng như khai thác thuỷ sản khác trên sông, rạch đã tồn tại qua nhiều thời kỳ, có lịch sử lâu đời và chuyển tiếp qua nhiều thế hệ nên trong quá trình điều tra, thu thập thông tin mất nhiều thời gian. Vì vậy, cần có cơ chế, giải pháp để chuyển đổi ngành nghề để điều kiện cho những hộ dân này không tiếp tục tái chiếm lòng sông.

Như vậy, để giải quyết tình trạng lấn chiếm trên sông, các địa phương cần điều tra, rà soát, phân loại địa bàn thật cụ thể để có giải pháp chỉ đạo đúng, hiệu quả đối với việc chuyển đổi sản xuất cho người dân trên tuyến. Giải quyết triệt để tình trạng này rất cần sự vào cuộc, phối hợp quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, sự đồng thuận của người dân sinh sống trên các tuyến sông. Trong đó, việc nghiên cứu tìm ra giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm chuyển đổi ngành nghề sản xuất cho người dân sau giải tỏa mới chính là giải pháp mang tính căn cơ, bền vững.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 4 người chết. Việc tăng cường công tác giải tỏa chướng ngại vật trên sông cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính chính trị để hạn chế tai nạn xảy ra trên đường thủy.

Hoài An