Trước ngày 1/11/2016, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2012/BGTVT chỉ quy định rất chung chung về vạch liền màu trắng. Cụ thể như sau: "Vạch liền trắng: Khi vạch theo chiều dọc đường với tác dụng phân cách giữa làn xe có động cơ và làn xe không có động cơ, hoặc giới hạn ngoài của đường dành riêng cho xe chạy. Khi vạch ở đầu đường có tác dụng hướng dẫn xe chạy hoặc xe dừng;"

Chính vì vậy, suốt một thời gian dài đã gây ra tranh cãi giữa người lái xe và lực lượng chức năng vì các lái xe cho rằng vạch liền trắng chỉ có tác dụng phân cách giữa các làn xe có động cơ và xe không có động cơ. Cũng như chỉ có tác dụng làm giới hạn ngoài của đường dành riêng. Và trong quy chuẩn QCVN 41:2012/BGTVT cũng không có mục nào nói đến vạch liền phân chia các làn đường trong cùng một chiều mà chỉ có vạch liền phân chia hai chiều ngược nhau.

Tuy nhiên, bắt đầu từ, từ 1/11 tới, quy chuẩn QCVN 41:2016/BGTVT chính thức có hiệu lực, thay thế cho quy chuẩn QCVN 41:2012/BGTVT lại quy định rất rõ ràng về vạch kẻ đường khi tách thành các nhóm vạch dành cho hai chiều xe chạy và vạch dành cho xe chạy cùng chiều.

                                 Vạch liền màu trắng có tên gọi vạch 2.2

Theo quy chuẩn QCVN 41:2016/BGTVT, vạch liền màu trắng sẽ xuất hiện trong quy chuẩn với tên gọi vạch 2.2. Và theo quy chuẩn này cũng quy định vạch kẻ liền 2.2 này dùng để phân chia các làn xe cùng chiều và các loại xe không được phép lấn làn và không được đè lên vạch.

Bên cạnh đó, đối với đường hai chiều xe chạy sẽ sử dụng vạch kẻ liền màu vàng có tên gọi vạch 1.2. Vạch liền màu vàng có nhiệm vụ phân chia hai chiều xe chạy cho đường có 2 hoặc 3 làn xe, không có dải phân cách giữa. Các loại xe cũng không được lấn làn, không được đè vạch.

                                 Vạch liền màu vàng có tên gọi vạch 1.2

Về mức phạt, nếu xe đè vạch liền là phạm lỗi "không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường". Theo điều 5 và điều 6 của nghị đinh 46/2016/NĐ-CP (thay thế nghị định 171/2013 trước đây) thì mức phạt tiền là 60.000-80.000 đồng đối với môtô, xe gắn máy và 100.000-200.000 đồng đối với ô tô.

Trong Luật giao thông đường bộ vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe, người tham gia giao thông cần chấp hành vạch kẻ đường. Vạch kẻ đường chia làm 2 loại: vạch nằm ngang và vạch nằm đứng.

Vạch kẻ đường có thể dùng độc lập hoặc có thể kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu chỉ huy giao thông. Trong trường hợp ở một nơi vừa có vạch kẻ đường vừa có cả biển báo thì người lái xe phải tuân thủ theo sự điều khiển của biển báo hiệu. Vạch kẻ đường chia làm 2 loại: Vạch nằm ngang và Vạch đứng.

Các lái xe cũng cần lưu ý, quy định xử phát chỉ áp dụng với vạch kẻ liền màu trắng được kẻ giữa đường, dùng để phân chia làn nhưng không áp dụng cho loại vạch liền nhưng vẽ sát lề đường hoặc sát giải phân cách để giới hạn phần xe chạy hoặc phân chia làn xe cơ giới và xe thô sơ. Loại vạch này được phép đè khi cần thiết.

Nguồn Trí Thức Trẻ - Thiên Ân st.