Quảng cáo đồ uống có cồn bị hạn chế tại nhiều nước ASEAN. Ảnh: StraitsTimes
Trong khi Việt Nam vẫn đang tranh cãi thì tại châu Á, các nước ASEAN như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và các quốc gia phát triển có mức tiêu thụ rượu bia cao như Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã có các chính sách quản lý quảng cáo rượu bia với mục đích hạn chế việc sử dụng đồ uống có cồn.
ASEAN: Có nước cấm quảng cáo rượu bia
Mặc dù việc quảng cáo đồ uống có cồn trên sóng truyền hình và radio của Malaysia đã bị cấm từ năm 1995, tuy nhiên nếu các đoạn quảng cáo không thể hiện hành vi tiêu thụ rượu bia thì logo và tên thương hiệu có thể xuất hiện trên tivi sau 22h.
Cùng với đó, Cơ quan Quản lý Tiêu chuẩn Quảng cáo Malaysia có những quy định cụ thể đối với nội dung quảng cáo rượu bia. Tất cả quảng cáo đồ uống có cồn không được hướng tới đối tượng thanh thiếu niên hoặc có ý nghĩa khuyến khích nhóm này sử dụng bia rượu.
Thêm vào đó, quảng cáo đồ uống có cồn tại đất nước hồi giáo này không nên đưa ra thông điệp hành vi uống rượu bia là lý do chính dẫn đến thành công của các mối quan hệ cá nhân hay sự kiện xã hội.
Luật pháp của Malaysia cũng khuyến cáo việc tiêu thụ rượu bia không nên được ngụ ý có tác dụng nâng cao thể chất, tinh thần, sự hấp dẫn với người khác giới, sự nổi tiếng hoặc đạt được thành tích trong thể thao trong các thông điệp quảng cáo.
Tại Singapore, hiện không có quy định về việc cấm quảng cáo đồ uống có cồn tuy nhiên các đoạn quảng cáo rượu bia không được phát sóng trong khung chương trình dành cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Tương tự nước láng giềng, Singapore cũng có những quy định nhằm kiểm soát nội dung của quảng cáo rượu bia do Cơ quan Quản lý Tiêu chuẩn Quảng cáo Singapore ban hành năm 2008.
Một số điểm nổi bật bao gồm trẻ em không nên xuất hiện trong các quảng cáo rượu bia và nếu xuất hiện trong các phân đoạn như gia đình sum vầy thì trẻ em không được sử dụng đồ uống có cồn; việc tiêu thụ rượu bia không nên được khuyến khích hay tha thứ khi nhân vật trong phim quảng cáo đang vận hành máy móc, lái xe hoặc làm các công việc yêu cầu sự tập trung để hoàn thành một cách an toàn, các hoạt động dưới nước hoặc trên cao.
Ở Thái Lan, đạo luật kiểm soát đồ uống có cồn năm 2008 quy định cá nhân không được phép quảng cáo một cách gián tiếp hoặc trực tiếp, tên hay nhãn hiệu rượu bia với ngụ ý cho thấy tính chất của chúng hoặc kích thích người khác sử dụng. Tháng 8/2017, 3 phụ nữ Thái Lan đã bị cảnh sát bắt giữ sau khi livestream kêu gọi khách hàng đến thưởng thức bia tại quán bar nơi họ đang làm việc.
Đối với quảng cáo của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia, thông tin được thể hiện không bao gồm hình ảnh minh họa sản phẩm hoặc bao bì. Tuy nhiên, biểu tượng của thương hiệu hoặc nhà sản xuất được phép xuất hiện theo quy định.
Trong khi đó, tại Indonesia, quảng cáo rượu bia bị cấm trên tất cả phương tiện truyền thông đại chúng. Còn tại Philippines, quảng cáo đồ uống có cồn được cho phép tuy nhiên nhà chức trách tại đây yêu cầu tất cả các đoạn quảng cáo phải kèm theo thông điệp “Uống có trách nhiệm”.
Nhật Bản, Hàn Quốc kiểm soát nội dung quảng cáo
Cùng với Việt Nam và Trung Quốc, Nhật Bản là một trong 3 quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất châu Á. Hiện Nhật Bản chưa có một luật cụ thể nào giới hạn việc quảng cáo đồ uống có cồn. Tuy vậy, giới chức xứ sở mặt trời mọc cũng đặt ra một số yêu cầu về những nội dung mà các đoạn quảng cáo bia rượu không nên thể hiện.
Cụ thể, các quảng cáo đồ uống có cồn không nhắm đến nhóm đối tượng dưới 20 tuổi hoặc phụ nữ mang thai; không khuyến khích việc uống quá nhiều hoặc bị ép uống, uống bia rượu; không có sự xuất hiện của trẻ vị thành niên; không cho thấy hình ảnh uống rượu khi đang lái xe; không liên kết thương hiệu bia rượu với các hoạt động nguy hiểm.
Trong khi đó, dù không nằm trong top 3 quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất nhưng Hàn Quốc lại dẫn đầu châu Á về mức tiêu thụ đồ uống có cồn trên đầu người theo thống kê của nhiều tổ chức.
Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về mức tiêu thụ đồ uống có cồn trên đầu người tại châu Á. Ảnh: Yonhap
Để khuyến khích người dân uống rượu bia ít hơn, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc vừa thông báo chính sách hạn chế quảng cáo đồ uống có cồn vào ngày 13/11. Hành động này được đưa ra trong bối cảnh nhiều người kêu gọi sự trừng phạt nghiêm khắc hơn với hành vi lái xe khi đang say xỉn sau khi một sinh viên 22 tuổi thiệt mạng trong vụ tai nạn giao thông gây ra bởi tài xế sử dụng rượu bia, theo hãng thông tấn UPI.
Theo đó, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ cấm các hoạt động quảng cáo đồ uống có cồn trong khung giờ từ 7h đến 22h trên nhiều nền tảng phát sóng, bao gồm truyền hình kỹ thuật số đa phương tiện và truyền hình trên giao thức Internet.
Trước khi chính sách mới trên có hiệu lực, các loại rượu có nồng độ cồn từ 17 độ trở lên đã bị cấm quảng cáo trên sóng phát thanh và truyền hình tại Hàn Quốc mà không có bất kì ngoại lệ nào.
Những sản phẩm rượu có nồng độ cồn dưới 17 độ được phép quảng cáo nhưng phải tuân thủ một số quy định về nội dung như không thể hiện việc uống rượu sẽ giúp thoát khỏi trạng thái khổ sở, lo lắng hoặc giúp điều trị bệnh; không mô tả việc uống rượu trong các tình huống đòi hỏi sự tỉnh táo cao độ; không ngụ ý việc uống rượu nhiều không gây hại cho sức khỏe; không đưa ra thông điệp việc uống rượu cần thiết để nhận được sự công nhận của xã hội hoặc đạt được thành công.
Ngoài ra, người xuất hiện trong các quảng cáo rượu tại Hàn Quốc phải từ 19 tuổi trở lên. Các nhà sản xuất rượu cũng không được sử dụng hình ảnh và giọng nói của người vị thành niên trong quảng cáo của mình.
Theo Cafebiz