Trên các đường phố, thay vì phải vào các cây xăng to uỳnh khi hết nhiên liệu thì mỗi chiếc xe khi hết điện sẽ tìm đến những chiếc bốt như thế này để nạp lại năng lượng.

Hình ảnh này đã dần trở nên phổ biến trong cuộc sống của người dân các thành phố lớn ở Trung Quốc, đặc biệt là thủ đô Bắc Kinh.

Theo đó, các nhà máy lọc dầu cần chuẩn bị cho tương lai khi xăng dầu, nguồn thu lớn nhất của họ, không còn là ngành đem lại lợi nhuận lớn nhất.

Những thay đổi này bắt nguồn từ sự thay đổi chính sách tại Ấn Độ và Trung Quốc. Chính quyền của hai nền kinh tế này đang cố gắng ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bằng cách cắt giảm nhập khẩu dầu mỏ và tăng khả năng cạnh tranh quốc gia trong phân khúc ô tô điện thân thiện môi trường và ngày càng phát triển.

Tháng 4 vừa rồi, Chính quyền Trung Quốc công bố kế hoạch nâng số lượng ô tô sử dụng năng lượng thay thế, năng lượng sạch lên khoảng 1/5 tổng số 35 triệu ô tô được tiêu thụ mỗi năm tại Trung Quốc vào năm 2025.

Ở Việt Nam, chiếc xe điện nhỏ nhắn, giá rẻ phù hợp với chị em này chưa được cấp phép lưu thông ngoài đường nhưng ở quốc gia hàng xóm Trung Quốc, số lượng xe được bán ra đã lên đến con số hàng trăm nghìn.

Theo thông tin từ tờ LA Times, ngay từ thời điểm năm 2011, các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc đã đưa ra thị trường khoảng 2.388 chiếc xe. Tính cho đến cuối năm 2015, con số đã là 180.000 xe. Hiện nay, loại phương tiện này đã trở nên phổ biến đến nỗi nhiều thành phố bắt đầu đề nghị giảm phí đỗ xe và hủy bỏ các lệnh cấm đường nghiêm ngặt.

Tại Ấn Độ, theo nguồn tin từ Reuters, chính quyền nước này còn cân nhắc tới hành động cấp tiến hơn. Theo dự thảo kế hoạch do các chuyên gia trong nước đề xuất, Ấn Độ sẽ tiến tới mục tiêu điện khí hóa tất cả các loại xe hơi tại quốc gia này vào năm 2032.

Ông Wilco Stark, Phó chủ tịch về Chiến lược và Kế hoạch sản xuất của hãng sản xuất xe Đức Daimler cho biết: “Chúng tôi thấy sự dịch chuyển sang tiêu dùng ô tô điện. Điều này được định hướng bởi luật pháp, vì vậy, xe điện sẽ ngày càng phát triển và không chỉ phục vụ một nhóm đối tượng nhỏ như hiện nay nữa”.

Stark và các giám đốc điều hành được phỏng vấn bên lề Hội nghị về dầu mỏ châu Á được tổ chức tại Kuala Lumpur tuần trước.

Diamler nhận định xe điện sẽ đóng góp khoảng 15-20% doanh thu của hãng tới năm 2025 và dòng xe sử dụng xăng lai điện (hybrids) sẽ đóng góp tối thiểu khoảng 10% trong doanh thu của công ty.

Một mẫu ô tô điện do Trung Quốc sản xuất

Xe điện hiện nay chiếm khoảng 2% tổng số lượng xe ô tô toàn cầu, và bất cứ sự tăng trưởng bất ngờ nào của loại phương tiện này đều ảnh hưởng đáng kể tới nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và các doanh nghiệp lọc dầu.

Dawood Nassif, Giám đốc của Công ty dầu mỏ quốc doanh Bahrain Petroleum Company (BAPCO) cho hay: "Công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Trong 10-15 năm tới thị trường xăng dầu của chúng tôi có thể không giống như hiện nay”.

Xăng dầu chiếm khoảng 45% sản lượng của nhà máy lọc dầu, và đây cũng là một trong những loại nhiên liệu mang lại biên độ lợi nhuận cao nhất cho các công ty lọc dầu. Do đó, bất kỳ sự giảm sút nhu cầu nào đối với xăng dầu đều tác động lớn tới ngành lọc dầu.

Tổ chức tín dụng Moody cho rằng, tốc độ phát triển công nghệ nhanh chóng khiến dự báo chính xác trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, tổ chức này cũng cảnh báo tác động tài chính trực tiếp từ suy giảm nhu cầu xăng dầu “là hiện hữu vào năm 2020”.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đang có kế hoạch xem xét lại phân tích về xu hướng xe điện và nhu cầu xăng dầu trước đó. Trong một dự báo gần đây nhất vào tháng 11-2016, IEA vẫn cho rằng nhu cầu xăng dầu cho xe hơi có thể tăng tới năm 2040.

Bóng bẩy ô tô điện Chevy Volt.

Thực tế, tăng nhu cầu sử dụng xe điện không chỉ diễn ra ở Trung Quốc và Ấn Độ. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, hai thị trường sản xuất ô tô lớn tại châu Á, doanh thu từ dòng xe xăng lai điện đã tăng đáng kể trong thời gian qua. Bên cạnh đó, những cải tiến tiết kiệm nhiên liệu cho dòng xe chất lượng cao cũng làm giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu.

Dù vậy, theo các nhà phân tích, vẫn còn nhiều trở ngại cho một đất nước như Ấn Độ đạt được mục tiêu điện khí hóa xe hơi của mình. Chi phí ắc quy cao đẩy giá thành sản xuất ô tô tăng đáng kể; thiếu các trạm nạp điện; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu chạy xe điện… Đây là những rào cản khiến các nhà đầu tư “ngần ngại” đổ tiền vào lĩnh vực này.

Thị trường ô tô điện ở Trung Quốc khá phong phú với nhiều chủng loại và mẫu mã xe và giá cả. Có những chiếc giá chỉ vài chục triệu cho đến vài trăm triệu đồng theo mệnh giá tiền Việt Nam.

Châu Á từ lâu đã là động lực thúc đẩy nhu cầu xăng dầu. Trung Quốc đã bán hơn 2 triệu xe mỗi tháng và đang cạnh tranh với Mỹ trở thành nước sử dụng xăng dầu lớn nhất thế giới. Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, tiếp đến là Nhật Bản. Hơn 1/3 nhà máy lọc dầu của thế giới ở châu Á, tăng từ mức 18% năm 1990.

Đối với các nhà máy lọc dầu, Moody cảnh báo: “Tăng áp lực lên biên độ lợi nhuận và dòng tiền có thể dẫn tới tài sản bị mất giá (stranded assets)”, từ được sử dụng cho loại tài sản không đem lại lợi ích kinh tế do những thay đổi về môi trường kinh doanh và pháp lý.

Ngành công nghiệp dầu mỏ cũng đã nhận ra được vấn đề. Royal Dutch Shell tuần vừa rồi cho hay: “Đang xem xét khả năng giới thiệu các điểm nạp điện tại địa điểm bán lẻ của chúng tôi ở một số quốc gia”.

Tuy vậy, một vài giám đốc điều hành trong ngành dầu mỏ cho biết vẫn còn quá sớm để cho rằng tiêu thụ dầu mỏ sẽ giảm mạnh trong thời gian tới. “Ngành của chúng tôi sẽ không thể biến mất”, Abdulaziz al Judaimi, Phó chủ tịch cấp cao tại Saudi Aramco, công ty xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới nói.

Exxon Mobil tuần rồi cũng cho hay họ sẽ mua 1 nhà máy hóa dầu tại Singapore.

Các nhà lọc dầu cũng nhìn thấy cơ hội lớn từ các ngành công nghiệp nặng. “Các nhà máy lọc dầu có thể chuyển từ hoạt động chính là sản xuất xăng dầu sang các các sản phẩm chưng cất trung gian”, KY Lin của Công ty Hóa dầu Formosa, Đài Loan, một nhà lọc dầu lớn nhất châu Á, cho biết: “Dầu diesel được sử dụng rộng rãi, bao gồm cả trong trang trại /thiết bị công nghiệp... cũng như nhiên liệu hàng hải”.

Theo TBKTSG Online, Reuters