“Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 mở rộng đối tượng không được sử dụng rượu, bia khi lái xe. Trong đó, nghiêm cấm đối với người điều khiển tất cả phương thức vận tải, bao gồm cả hàng không, hàng hải, thủy nội địa, đường sắt, đường bộ…”.

Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, cho biết như trên khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM liên quan đến việc Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cấm tuyệt đối dễ tranh cãi pháp lý dai dẳng

. Phóng viên: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Theo ông, tới đây chúng ta cần sửa những quy định nào để xử phạt người lái xe sử dụng rượu, bia?

                                                  

Ông Trần Hữu Minh

+ Ông Trần Hữu Minh:Trong lĩnh vực đường bộ, Luật Giao thông đường bộ cấm tuyệt đối người lái ô tô sử dụng rượu, bia; nay mở rộng đối với các phương tiện vận tải khác như xe máy, xe đạp... Tất cả quy định xử phạt liên quan sẽ cần được xem xét và rà soát để bảo đảm thống nhất.

Về mặt hành chính thì các lĩnh vực hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa đã có những quy định tương đối chặt chẽ nên nội dung sửa đổi sẽ không nhiều. Tôi cho rằng sửa đổi lớn nhất sẽ xảy ra trong lĩnh vực giao thông đường bộ với các mức phạt đối với người đi xe máy.

Chắc chắn các cơ quan chức năng có liên quan sẽ chuẩn bị đầy đủ các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện ngay từ bây giờ để khi luật có hiệu lực thì các nghị định, thông tư hướng dẫn sẵn sàng.

. Người dân cho rằng hiện nay có nhiều đồ uống có cồn, nếu như quy định không chặt chẽ dễ dẫn đến phạt oan?

+ Lo ngại trên là rất có cơ sở. Sắp tới, các cơ quan chức năng phải chuẩn bị rất nhiều hành lang pháp lý, hướng dẫn chi tiết vì trong một số thực phẩm mà chúng ta ăn và thậm chí nước súc miệng... cũng có nồng độ cồn nhất định. Do đó, chính sách cấm tuyệt đối có thể dẫn tới những tranh cãi pháp lý dai dẳng nên phải có hướng dẫn, quy trình chặt chẽ để triển khai.

Các cơ quan chức năng phải chuẩn bị rất nhiều hành lang pháp lý vì trong một số thực phẩm hay thậm chí nước súc miệng... cũng có nồng độ cồn nhất định. Ảnh: HOÀNG GIANG

Báo chí, người dân sẽ giám sát

. Qua tiếp xúc nhiều đại biểu Quốc hội, họ bày tỏ lo lắng quy định trên dễ phát sinh nạn “cưa đôi”, lạm quyền, thiếu lực lượng thực thi công vụ. Vậy theo ông, làm cách nào để chúng ta giám sát được điều này ?

+ Nhiều quốc gia khác cũng lo ngại tương tự. Trước khi có một chính sách nghiêm sắp ban hành thì lo không đủ lực lượng nhưng khi triển khai nghiêm thì lại không còn nhiều vi phạm, do người dân sợ quy định nghiêm của pháp luật nên không vi phạm nữa.

Với hiện tượng tiêu cực khi thực hiện nhiệm vụ (nếu có như một số báo chí phản ánh), tôi cho rằng phải có giải pháp phù hợp. Trong đó cần tăng cường sự giám sát của người dân và báo chí. Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu các địa phương công bố đường dây nóng về trật tự ATGT và đây là kênh để tiếp nhận các phản ánh của người dân. Chúng tôi rất mong người dân và báo chí cùng chung tay với cơ quan quản lý để giám sát việc thực hiện quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, để quy định nói trên được thực thi thì cần tăng cường thanh tra công vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, hoàn thiện quy trình nộp phạt, và quan trọng phải quan tâm bảo đảm chất lượng cuộc sống của người lao động. Trong đó, làm sao để lực lượng thực thi công vụ không muốn vi phạm, không thể vi phạm và không dám vi phạm. Đó là những bài học mà Singapore đã thực hiện rất thành công.

Với quy định của luật này, ông có kỳ vọng sẽ giảm các tai nạn do người sử dụng rượu, bia gây ra không?

+ Nếu thực thi tốt thì chắc chắn là tai nạn giao thông sẽ giảm sâu, vì chúng ta biết vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông tại Việt Nam.

Để thực hiện tốt việc này, cần sửa khá nhiều văn bản pháp luật, bao gồm cả Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 46/2016 và cả nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới. Riêng với Bộ luật Hình sự, cần có văn bản hướng dẫn thật rõ ràng cho khoản 4 Điều 260, qua đó cho phép xử lý hình sự với các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về nồng độ cồn kể cả khi chưa gây hậu quả.

. Xin cám ơn ông.

Phạt lũy tiến để răn đe

Theo tôi biết, trong nghị quyết Quốc hội đã giao cho Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATGT. Trong đó, tăng mức chế tài xử phạt các hành vi sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông.

Với hành vi sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông diễn biến phức tạp và gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bởi vậy, hoàn toàn có căn cứ nghiên cứu tăng cao các mức phạt với các hành vi này để đủ sức răn đe.

Mức phạt chỉ là một vấn đề, quan trọng là các cách thức xử phạt. Hiện nay xử phạt xong là hồ sơ lái xe lại như mới nên tính giáo dục, răn đe không cao, bởi vậy tôi cho rằng thời gian tới phải quyết tâm làm cho được hệ dữ liệu quốc gia về vi phạm trật tự ATGT, quản lý tái phạm và phạt lũy tiến với hành vi tái phạm thì tính răn đe sẽ rất cao.

Ông TRẦN HỮU MINH, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia

Theo PLO