Phối cảnh cầu Cần Giờ dài 7,3 km, rộng 6 làn xe với tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng
Sở GTVT TP. HCM vừa có báo cáo gửi UBND Thành phố về tiến độ triển khai các công trình thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/2025.
Theo đề xuất của Sở GTVT TP. HCM, dự án cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ dài 7,3 km, rộng 6 làn xe, tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng theo hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao). TP. HCM dự kiến chi khoảng 5.246 tỷ đồng để tham gia đầu tư dự án (tương đương gần 50% tổng mức đầu tư), còn lại do nhà đầu tư huy động.
Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng hạ nhịp cho tàu thuyền lớn đi qua
Tiếp đó là cầu Thủ Thiêm 4 nối Quận 7 và TP. Thủ Đức dài hơn 2 km với 6 làn xe. Điểm độc đáo của cây cầu này là có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45 m, giúp tàu thuyền dễ dàng qua lại. Tổng mức đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 khoảng 6.030 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BOT. TP. HCM sẽ chi khoảng 2.826 tỷ đồng tham gia đầu tư (tương đương khoảng 50% tổng mức đầu tư).
Nếu được HĐND TP. HCM thông qua, cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 sẽ khởi công dịp 30/4/2025.
Phối cảnh cầu đi bộ hình lá dừa nước vượt sông Sài Gòn
Cũng trong báo cáo lần này, Sở GTVT TP. HCM đề xuất bổ sung thêm dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn nối Quận 1 và TP. Thủ Đức dài 500 m, nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn.
Phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn đã được Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM chấp thuận chủ trương. Theo đó, cầu sẽ có hình tượng lá dừa nước.
Công trình được thiết kế chống động đất cấp 7, gió giật, dao động khi tập trung đông người... Ngoài phục vụ người đi bộ, cầu còn có làn đường dành cho xe đạp và người khuyết tật. Cầu cũng được thiết kế cho xe cứu thương trong những trường hợp khẩn cấp.
Đầu tháng 12/2023, Sở GTVT TP. HCM đã ký kết biên bản thỏa thuận tài trợ dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng xây dựng cầu. TP. HCM đặt mục tiêu khởi công dự án vào dịp 30/4/2025.
Phối cảnh nút giao 3 tầng Phạm Văn Đồng - Vành đai 2 trong tương lai
Ngoài ra, hai đoạn đường Vành đai 2 TP. HCM qua TP. Thủ Đức đang tiến hành giải phóng mặt bằng để khởi công dịp 30/4/2025, hoàn thành vào năm 2026. Đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp với tổng vốn đầu tư khoảng 9.328 tỷ đồng và đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng dài 2,8 km, tổng kinh phí 4.543 tỷ đồng.
Dự án đường Vành đai 4 đoạn qua TP. HCM dài khoảng 17,3 km với tổng số vốn 14.502 tỷ đồng đang được Sở GTVT TP. HCM lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong quý II/2024, khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2028.
Phối cảnh Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Đối với Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hiện dự án này đang được Sở GTVT TP. HCM lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về hồ sơ đề án, dự kiến hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2024. Nếu được phê duyệt, công trình dự kiến khởi công năm 2025.
Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ được nghiên cứu xây ở cù lao Phú Lợi (huyện Cần Giờ) thuộc cửa sông Cái Mép, vốn đầu tư khoảng 5,45 tỷ USD. Công trình dài hơn 7 km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000 DWT (24.000 Teus) do Tập đoàn MSC - hãng tàu container đứng tốp đầu thế giới đề xuất. Việc triển khai công trình đang được nghiên cứu theo 7 giai đoạn. Dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 năm 2027, hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2045.
Theo Tạp Chí Giao thông