Ra mắt được gần nửa năm, cái tên Suzuki Hybrid Ertiga hẳn ai quan tâm xe cũng biết. Các bài đánh giá xe ngoài kia không thiếu. Điều đó đưa chúng tôi đến một ý tưởng mới hơn, mà có lẽ cũng chưa ai thực hiện. Đó là thử xem một bình xăng của chiếc Hybrid Ertiga đi được bao xa. Liệu con số tiêu thụ nhiên liệu thực tế có giống so với nhà sản xuất công bố hay không?

Xem trên Google Maps, chúng tôi thấy hành trình Hà Nội - Đà Nẵng với khoảng cách gần 800 km là phù hợp để thử thách một bình xăng 45 lít của Ertiga. Nếu đạt được 800 km có nghĩa là mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình 5,62 lít/100 km. Con số này còn thấp hơn một chút so với số liệu trên Cục Đăng kiểm (5,69 lít/100 km hỗn hợp) khiến chúng tôi có chút e dè.

Đoàn chúng tôi có 6 người. Chỉ có 3 người ngồi trên chiếc Hybrid Ertiga nhưng cốp xe lại chứa toàn bộ hành lý của cả đoàn. Gập hàng ghế cuối, phần khoang sau để được 3 vali lớn, 3 balo lớn cùng 2 túi xách cũng không hề nhỏ. Chiếc xe hậu cần chỉ sử dụng để cất thiết bị ghi hình cho chuyến đi.

Chúng tôi lên đường từ 7h sáng tại văn phòng (Thanh Xuân, Hà Nội). Đường Nguyễn Trãi tắc, lên Vành đai 3 cũng tắc đường, bản đồ Google Maps hiển thị đỏ trên màn hình xe, vận tốc xe không quá nổi 30 km/h, xe nhích từng chút một cả cây số khiến cả đoàn không khỏi lo lắng.

Đường bắt đầu thoáng khi ra đến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình. Đường giới hạn 100-120 km/h nhưng chúng tôi chỉ chạy 80 km/h ở cấp số 4 để giữ được mức tiết kiệm nhiên liệu nhất định cho xe. Ra đường trường, Hybrid Ertiga thể hiện rõ sự vượt trội so với bản máy xăng bởi khả năng bứt tốc tốt hơn, vượt xe khác ở dải tốc độ 60-80 km/h một cách dễ dàng. Thông số kỹ thuật cho thấy động cơ Hybrid Ertiga có công suất 104,7 mã lực (bản xăng cũ là 103 mã lực) và mô-men xoắn 138 Nm.

Cruise Control trên Hybrid Ertiga giúp ích rất nhiều trong chuyến đi “tiết kiệm nhiên liệu này”. Chỉ cần cài đúng 80 km/h và chân ga trở nên nhàn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đôi lúc cần vượt xe khác, chúng tôi vẫn phải thay đổi tốc độ liên tục dựa vào tình hình. Do có những lúc thốc ga, đồng hồ báo quãng đường còn đi được giảm xuống còn hơn 500 km, trong khi từ cao tốc Hà Nội - Ninh Bình tới Đà Nẵng còn tới hơn… 600 km.

Chặng đường từ Thanh Hoá đến Quảng Bình khá nhàn khi chỉ đường quốc lộ 1A. Hầu hết chặng chỉ chạy 50-60 km/h, một số đoạn đường ngoài khu đông dân cư chạy lên 80 km/h. Hộp số 4 cấp có chút ngật ngưỡng lại thiếu lẫy chuyển số nhưng khi đã làm quen rồi thì không khó để kiểm soát, đưa lên số cao, hạ vòng tua máy để tiết kiệm nhiên liệu hơn. Nhờ đó, quãng đường còn di chuyển được trên đồng hồ lại tăng lên hơn 700 km ở Thanh Hóa và giảm dần khi về tới Quảng Bình. Khi nghỉ chân ở Hà Tĩnh tối ngày đầu, kim xăng chỉ đúng mức giữa.

Quảng Bình đón chúng tôi bằng ánh nắng gắt gỏng ban trưa. Chúng tôi quyết định rẽ vào khu cánh đồng điện gió nơi đây để ngắm những chiếc tuốc-bin gió khổng lồ cao tới cả trăm mét, thay vì đi quốc lộ 1A. Dừng lại giữa trời nắng một lúc, đồng hồ báo xe chỉ còn đi được khoảng 170 km, trong khi quãng đường còn lại tới Đà Nẵng hơn… 200 km.

Cái nắng chói chang gần như không ảnh hưởng tới tầm nhìn của người cầm lái. Màn hình trung tâm lớn được phủ bề mặt dạng gương nhưng có góc nghiêng vừa đủ, không hề gây lóa khi đi nắng. Vật liệu ốp vân gỗ tối màu mới cũng hắt ánh sáng dịu dàng chứ không gây chói mắt khi ánh nắng chiếu vào.

Cách hầm Hải Vân khoảng 30 km, không chỉ xuất hiện đèn cảnh báo sắp hết xăng, đồng hồ bắt đầu không còn báo quãng đường có thể đi được nữa. Khi đó, chúng tôi tưởng như phải dừng chân khi chưa kịp đến Đà Nẵng.

Song, khi qua hầm, chiếc xe vẫn chưa có dấu hiệu nào giống sắp hết xăng. Chúng tôi lại đưa ra thử thách khó nhằn hơn là tới… Hội An, cách khoảng 40 km nữa. Và kỳ lạ thay, chiếc xe tới Hội An mà xăng vẫn còn! Cỗ máy Hybrid này quả thực không chỉ mạnh mà còn rất tiết kiệm nhiên liệu.

Chạy xe suốt khoảng 15 tiếng sau 2 ngày, chúng tôi vẫn tỉnh táo khi tới Hội An. Không gian rộng rãi bên trong cùng ghế da mềm êm ái và điều hoà mát khiến các thành viên trên xe cảm thấy hoàn toàn thoải mái sau hơn 800 km. Tuy nhiên, có lẽ ai cũng thấy “mệt” vì xe đi mãi vẫn chưa cạn bình nhiên liệu. Đây là lúc mong chiếc xe hết xăng hơn bao giờ hết nhưng không được, chiếc xe vẫn bon bon như còn khá nhiều nhiên liệu.

Đi lòng vòng ngắm Hội An về đêm, cuối cùng chúng tôi cũng bỏ cuộc vì chiếc xe vẫn chưa hết xăng. Chúng tôi quyết định chạy chiếc xe về Đà Nẵng trong sáng hôm sau để xem liệu “những giọt xăng cuối cùng” sẽ giúp xe trụ được đến đâu.

Đi đêm mới thấy một nâng cấp rất đáng giá trên Hybrid Ertiga là màn hình tích hợp gương chiếu hậu. Hiệu quả phát huy rõ rệt khi đi cả đường đêm và đi trong mưa lớn. Khi mắt thường không thể quan sát qua kính hậu thì hình ảnh lại hiển thị rõ nét trên gương. Tần số quét cao giúp chuyển động trên màn hình khá mượt mà.

Kết quả của ngày hôm sau khiến chúng tôi quá đỗi bất ngờ. Từ Hội An về tới Cầu Rồng (Đà Nẵng), chiếc xe vẫn chưa có biểu hiện sắp hết xăng. Mãi đến khi dừng xe đỗ lại một chỗ cả tiếng đồng hồ để ghi hình, chiếc xe mới báo cạn xăng và lịm đi, không thể khởi động lại được nữa. Đồng hồ xe khi đó báo quãng đường đã đi được từ điểm xuất phát đến đây là 881,4 km. Như vậy, tính trung bình, xe chỉ tiêu thụ khoảng 5,1 lít/100 km trong điều kiện vận hành hỗn hợp, có cả đường tắc, đường nội đô thông thường, đường trường và cao tốc. Chuyến đi kết thúc với kết quả ngoài mong đợi.


Theo Autopro