Sáng 18/6, Lễ khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và hai cao tốc trục ngang, gồm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hoà - Vũng Tàu được tổ chức với hình thức trực tuyến.
Trong đó, điểm cầu chính được đặt tại TP.HCM (đường 9A, phường Long Bình, TP Thủ Đức). Hai điểm cầu kết nối tại tỉnh Đắk Lắk (thôn Cư Dhắt, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) và Bà Rịa - Vũng Tàu (phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ).
Báo Giao thông tường thuật trực tiếp sự kiện quan trọng này.
Thi công các dự án ngay sau khi Thủ tướng phát lệnh
Ngay sau khi Thủ tướng phát lệnh, bấm nút khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, tại các điểm cầu, các nhà thầu lập tức vận hành máy móc bắt đầu thi công.
Thủ tướng bấm nút khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm
Tại 3 đầu cầu TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng bấm nút khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và 2 cao tốc trục ngang: Biên Hoà - Vũng Tàu; Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột.
Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ bấm nút khởi công dự án Vành đai 3 TP.HCM
Hình ảnh Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa bấm nút phát động Lễ khởi công dự án Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Video, hình ảnh các đại biểu, khách mời bấm nút khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm tại đầu cầu Bà Rịa - Vũng Tàu
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đột phá phát triển hạ tầng là mục tiêu chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết rất vui mừng tham dự Lễ khởi công 3 dự án hạ tầng giao thông quốc gia. Theo Thủ tướng, GTVT nói chung, cao tốc, sân bay bến cảng mang lại kết quả rõ nét, hạ tầng phát triển tới đâu, không gian phát triển đến đó. Nhiều khu đô thị, công nghiệp dịch vụ, y tế, giáo dục quỹ đất được khai thác hiệu quả.
“Đất nước chúng ta chỗ nào phát triển hạ tầng chiến lược tốt thì tốc độ phát triển rất nhanh. Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, 20 năm tập trung phát triển hạ tầng là 20 năm nước bạn có tốc độ phát triển 2 con số trở lên”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh nước ta luôn xác định đột phá hạ tầng là mục tiêu chiến lược.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công 3 dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại đầu cầu TP.HCM
Thủ tướng cho biết: Ngày 25/6 tới đây sẽ khởi công Dự án đường vành đai 4 ở Hà Nội có chiều dài 112 km tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng. Ngay chiều nay sẽ khánh thành cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm.
“Nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, đến 2025, cả nước chắc chắn sẽ có 3.000km đường cao tốc” - Thủ tướng Phạm Minh Chính
Với mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km, Thủ tướng cho rằng đến năm 2025, nước ta phải đạt ít nhất 3.000 km. Như vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội 13, 14, cả nước phải phát triển gấp 4 lần đường cao tốc của giai đoạn trước. “Đây là nhiệm vụ nặng nề, tuy nhiên chúng ta đã có nhiều bài học quý giá để khắc phục những bất cập của giai đoạn trước.
Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đưa vào khai thác thêm 566km đường cao tốc, nâng tổng số km cao tốc cả nước lên 1.729 km đến thời điểm này. “Tất cả đã vượt nắng thắng mưa, vượt đại dịch để đạt kết quả này”, ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh: Đường cao tốc xuyên Việt, bắt đầu từ Cao Bằng qua Lạng Sơn, đến Cà Mau sẽ giải quyết được bài toán hạ tầng của cả đất nước, phân bổ vùng miền khá đồng đều, đặc biệt là phát triển các cao tốc trục ngang Đông Tây, đi qua các vùng kinh tế trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng cũng nêu rõ: 3 dự án khởi công hôm nay được đẩy mạnh phân cấp phân quyền (cơ chế đặc thù giao cho các địa phương), được Quốc hội ủng hộ.
"Cứ hình dung gần 2.000 km cao tốc, nếu chỉ mỗi Bộ GTVT chủ trì thì sẽ khó khăn đến mức nào. Cho nên cơ chế phân cấp phân quyền cho địa phương rất quan trọng quyết định thành quả", Thủ tướng nói và cho biết thêm: Nhiệm kỳ này, nước ta dự tính có 500.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông. Ngoài ra còn huy động nguồn vốn Trung ương, địa phương như Vành đai 3 (địa phương 50%, Trung ương 50%). Kế đến là nguồn vốn từ tăng thu, tiết kiệm chi; nguồn đầu tư trung hạn; nguồn vốn hợp tác khác; nguồn vốn các chương trình phục hồi. Từ 5 nguồn vốn này chúng ta mới có nguồn lực lớn như thế.
Ông biểu dương tinh thần nỗ lực của TP.HCM, trong thời gian ngắn đã hoàn thành hơn 80% mặt bằng thi công, đủ điều kiện để khởi công dự án. “Các địa phương đã quản lý, điều hành, được sự ủng hộ của nhân dân, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nên đã tạo sự đồng thuận và đạt kết quả tốt trong giải phóng mặt bằng. Đây là kết quả rất tốt”.
Ông xúc động: “Đây là sản phẩm cân đong, đo đếm được, không phải sản phẩm trên giấy, rất xúc động”.
Chỉ rõ phải lấy khí thế kể trên để làm các công việc tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, nhất là Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài Nguyên - Môi trường, các địa phương có dự án đi qua phải tiếp tục quyết liệt vào cuộc.
Ông đánh giá cao và biểu dương TP.HCM, các địa phương, đặc biệt 7 tỉnh có các dự án đi qua đã nỗ lực giải phóng mặt bằng; giải bài toán đầu tư công đang rất phức tạp; bớt đi thủ tục; kiểm soát tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng bày tỏ trân trọng tình cảm, trách nhiệm của nhân dân cả nước đã nhường phần đất, nhà ở, nơi sinh kế nhiều năm để triển khai dự án.
"Đây là kết quả rất đáng trân trọng nhưng chỉ là bước đầu. Vẫn còn nhiều thách thức khác như giải phóng mặt bằng; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng; thi công khối lượng công trình lớn, chịu ảnh hưởng của thời tiết; các điều kiện phát sinh khác...", Thủ tướng nói.
Để công trình đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương được giao tập trung quyết liệt chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm, xây dựng kế hoạch khoa học, đảm bảo chất lượng, an toàn trong thi công. Đồng thời đảm bảo thông suốt, an toàn môi trường cho người dân trong vùng dự án.
Ông cũng lưu ý các nhà thầu phải đảm bảo đầy đủ thiết bị, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong thi công; Các cơ quan quản lý, bộ ngành liên quan chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu bám sát thực tiễn dự án; chính quyền vào cuộc kiểm tra xây dựng chủ trương, kế hoạch; huy động lực lượng để giải quyết vướng mắc phát sinh; đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ, không đội vốn bất hợp lý.
Vành đai 3 là dự án giao thông có quy mô đầu tư lớn nhất trong vùng từ trước đến nay
Trong vai trò điều phối dự án Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thay mặt các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương phát biểu tại Lễ khởi công dự án.
Ông đánh giá đây là dự án có quy mô tư lớn nhất từ trước đến nay của ngành giao thông vận tải trong vùng.
“Dịp này TP cũng mong muốn các địa phương cùng nhau phối hợp chặt chẽ, bà con tiếp tục ủng hộ, đồng là tác giả con đường này - vành đai 3 TP.HCM”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.
Ông cam kết với Chính phủ và Trung ương, sẽ cùng các tỉnh, thành toàn tâm toàn ý, đốc thúc, sáng tạo để dự án Vành đai 3 sẽ thông xe cuối 2025, hoàn thành vào 2026. Ông mong nhân dân, các tổ chức là "đồng tác giả" dự án lớn này.
Vành đai 3 TP.HCM cũng là dự án được áp dụng nhiều cách làm chưa có tiền lệ, giúp rút ngắn một năm so với cách triển khai thông thường. Trong đó có công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư linh hoạt, tiệm cận giá thị trường, tặng bản vẽ thiết kế cho người trong vùng dự án…
Sơ đồ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM
“Đây là yếu tố then chốt giúp dự án có thể khởi công đúng như kỳ vọng. Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn cùng áp lực thời gian; mục tiêu phải thông xe tuyến chính cao tốc vào cuối năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án đường vành đai 3 vào năm 2026 theo yêu cầu Chính phủ và Quốc hội đặt ra là thách thức rất lớn”, ông Mãi nói và cho rằng đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với TP.HCM và 3 tỉnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định sẽ phối hợp các địa phương quyết tâm, tập trung chỉ đạo, điều hành, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ: Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu sẽ tạo động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Thọ, cho biết: UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định việc đầu tư hạ tầng giao thông đa phương thức, kết nối liên vùng, khu vực và quốc tế nhằm tăng năng lực khai thác Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Thời gian vừa qua, tỉnh đã triển khai rất nhiều dự án giao thông quan trọng, trong đó có 2 dự án lớn và quan trọng nhất là Dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và dự án cầu Phước An.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 53,7km, chia làm 3 dự án thành phần. Bà Rịa - Vũng Tàu được giao chủ quản thực hiện dự án thành phần 3 có chiều dài khoảng 19,5km thuộc địa bàn tỉnh.
Trước sự cấp bách của dự án, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành lập 2 Ban chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại TP Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ do các Phó Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng Ban chỉ đạo.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng Ban; Quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án cho Ban QLDA Giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải.
Trong quá trình chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Ban chỉ đạo thực hiện dự án đã thường xuyên họp để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu công tác bố trí vốn kịp thời để thực hiện dự án; chỉ đạo Ban QLDA phối hợp kịp thời với Cục quản lý đầu tư xây dựng - Bộ GTVT trong công tác thẩm định dự án, thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán.
"Việc đầu tư hoàn thành dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ giúp khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng HKQT Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại", ông Thọ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thọ, do được áp dụng các cơ chế đặc thù để thực hiện nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, chỉ trong thời gian rất ngắn từ tháng 7/2022 đến nay đã hoàn thành khối lượng công việc lớn từ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường, thiết kế kỹ thuật công trình, giải phóng mặt bằng, tiến hành lựa chọn các nhà thầu, … để có thể khởi công xây dựng công trình ngày hôm nay vượt tiến độ do Thủ tướng Chính phủ giao.
Người đứng đầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Ban QLDA, các nhà thầu sau khi tiến hành khởi công xây dựng cần tiếp tục chỉ đạo, thực hiện dự án một cách nghiêm túc, đồng bộ, khẩn trương nhằm hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ đề ra.
UBND TP Bà Rịa, UBND thị xã Phú Mỹ và các phường, xã cần tiếp tục phối hợp, triển khai hoàn tất công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho toàn bộ dự án trong Quý IV năm 2023.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là tuyến đường chiến lược “kết nối rừng với biển”
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của hai tỉnh và cả khu vực - là tuyến đường chiến lược “kết nối rừng với biển”, nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ, kết nối hành lang vận tải Đông - Tây.... Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh của hai tỉnh và khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên...
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Lễ khởi công
"Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Dự án, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị của tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao nhất, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các Ban, bộ, ngành Trung ương, sự phấn khởi - đồng thuận của Nhân dân hai tỉnh. Đến nay, công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo các điều kiện khởi công thực hiện Dự án...
Về trách nhiệm của mình, tỉnh Đắk Lắk xin cam kết với Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Quản lý Dự án cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh, khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại, đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch và các điều kiện cần thiết cho đơn vị thi công trước ngày 31/12/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện Dự án thành phần 3 đảm bảo tiến độ, chất lượng, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật...", Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh.
Dự án tạo động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ
Ông Kiều Anh Mận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD giao thông Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ông rất vinh dự được đại diện các nhà thầu Tư vấn tham gia thực hiện công tác tư vấn khảo sát, thiết kế cho dự án cao tốc đường bộ Biên Hòa - Vũng Tàu, được phát biểu trong buổi lễ khởi công hôm nay.
Ông Kiều Anh Mận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD giao thông Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Ông Mận cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài: khoảng 53,7 km. Điểm đầu kết nối với QL.1 tránh TP. Biên Hòa thuộc TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối dự án giao với QL.56 thuộc TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối với tuyến cao tốc đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai với chiều dài 34,2km (thuộc địa phận thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành); Và đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với chiều dài 19,5 km (thuộc địa phận thị xã Phú Mỹ và thành phố Bà Rịa).
Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được hoạch định là trục cao tốc đảm nhận vai trò vận tải hàng hóa, hành khách kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ với cảng biển cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu, đây là vùng kinh tế động lực lớn nhất cả nước, vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Khi tuyến đường này hoàn thành đưa vào khai thác sẽ đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đồng bộ, hiện đại; góp phần rút ngắn thời gian lưu thông, giảm tải cho QL51; bảo đảm quốc phòng, an ninh cho khu vực nói chung và cho các địa phương Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng tàu nói riêng.
Do tầm quan trọng của Dự án nên từ lâu đã được chính phủ quan tâm chỉ đạo xây dựng chiến lược, lập quy hoạch để triển khai thực hiện, tuy nhiên do còn nhiều lý do khách quan… nên chưa thể triển khai thực hiện sớm hơn được. Đến nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, tạo áp lực lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, với sự quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương nơi tuyến đi qua, dự án đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 với chiều dài khoảng 53,7km, chia thành 03 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Đại diện các nhà thầu phát biểu tại đầu cầu Đắk Lắk
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc tại đầu cầu TP.HCM
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc Lễ khởi công các dự án Vành đai 3 TP.HCM và 2 cao tốc trục ngang Biên Hoà - Vũng Tàu; Nha Trang - Buôn Ma Thuột tại đầu cầu TP.HCM. Tắt tiếng
Hình ảnh Lễ khởi công tại điểm cầu Bà Rịa - Vũng Tàu
Tham dự Lễ khởi công cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hàng chục xe máy thi công của tập đoàn Sơn Hải tại dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu giai đoạn 1 tập kết tại khu vực Lễ khởi công.
Anh Doãn Thanh Thạo
Anh Doãn Thanh Thạo, người dân sống tại phường Mỹ Xuân, TX Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu chia sẻ, anh rất vui mừng khi địa phương có bước phát triển mới về hạ tầng giao, gỡ nút thắt về tình ùn tắc giao thông trên tuyên QL 51 nói riêng và khơi cho hệ thống giao thông toàn vùng nói chung.
"Với những dự án như thế này, người dân chúng tôi tin tưởng, trong tương lai không xa, chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện rõ rệt, kinh tế xã hội của địa phương phát triển. Tôi xin cảm ơn chính quyền địa phương đã tạo điều kiện tốt về khâu đền bù, GPMB, ổn định đời sống của những người dân bị ảnh hưởng nơi dự án đi qua. Tôi mong dự án sớm hoàn thành và đi vào hoạt động", anh Thạo nói.
Lễ khởi công chính thức bắt đầu
Tại đầu cầu TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn dự Lễ khởi công.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Lễ khởi công Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sáng 18/6 tại TP Thủ Đức
TP.HCM: Đã bàn giao hơn 81% mặt bằng dự án Vành đai 3 cho chủ đầu tư
Nút giao Tân Vạn - Nhơn Trạch (Vành đai 3) với cao tốc TP.HCM Long Thành - Dầu Giây
Tại TP.HCM công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 diễn ra thuận lợi. Đã có 335/410ha thu hồi phục vụ thi công, được TP Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh bàn giao cho chủ đầu tư.
Tỷ lệ đất bàn giao cho chủ đầu tư đạt 81,5%, cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 70% vào ngày 15/6.
Đặc biệt, có những huyện tỷ lệ thu hồi - bàn giao đất rất cao, vượt chỉ tiêu đặt ra như huyện Hóc Môn (93%), huyện Bình Chánh (86%).
Người dân háo hức chờ xây đường Vành đai 3
Bà Võ Thị Thức (65 tuổi) nhà ở trên đường 10, phường Long Bình, TP Thủ Đức cho biết, đã về sinh sống tại đây hơn 10 năm. Nghe thông tin sắp khởi công đường Vành đai 3 bà thấy rất vui vì có đường sá kết nối giúp kinh tế phát triển, người dân mua bán nhỏ như bà sẽ làm ăn tốt hơn.
Bà Võ Thị Thức (65 tuổi) phấn khởi khi có dự án lớn đi qua khu vực mình sinh sống
Ông Võ Văn Bảy, phường Long Bình, TP Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ: Gia đình có hơn 1.700 m2 đất nông nghiệp được thu hồi để thi công dự án Vành đai 3. Gia đình ông là một trong nhưng hộ đầu tiên giao mặt bằng "vì lợi ích chung, là để tuyến đường được khởi công đúng tiến độ".
"Đất thu hồi là đất nông nghiệp nên tôi thấy mức giá đền bù của thành phố rất tương xứng, không có gì trở ngại. Đây là dự án quốc gia, làm cho người dân đi lại thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế xã hội nên rất ủng hộ”, ông Bảy nói.
Bà Ngân nhà ở đường 9A phường Long Bình (TP.HCM) cho biết gia đình, vô cùng háo hức khi đường Vành đai 3 được khởi công.
Ông Đỗ Văn Y, gia đình sinh sống 5 đời tại phường Long Bình (TP Thủ Đức) cho biết, rất vui mừng và ủng hộ khi Nhà nước làm đường to lớn thuận lợi đi lại cho người dân.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết Ban đã dồn toàn tâm toàn lực cho dự án này.
"Ngày chi trả tiền bồi thường cho người dân như ngày hội, người dân đều vui mừng phấn khởi vì giá đất được đền bù khá cao. Các địa phương có nhiều sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động người dân bàn giao đất nhanh chóng như tặng bản vẽ, miễn phí cấp phép xây dựng, mời ngân hàng đến hỗ trợ người dân mở tài khoản...” ông Phúc chia sẻ.
TP.HCM: Phân luồng giao thông, thắt chặt an ninh tại khu vực tổ chức Lễ khởi công dự án đường Vành đai 3
Tại TP.HCM, từ 7h sáng, dòng xe đổ về đường 9A (phường Long Bình, TP Thủ Đức) đông hơn mọi ngày.
Nhiều người dân tập trung từ sáng sớm bên ven đường để quan sát buổi Lễ khởi công tuyến Vành đai 3 TP.HCM sau một năm chuẩn bị. An ninh được thắt chặt. Tại các giao lộ, CSGT phối hợp với nhiều lực lượng bảo đảm phân luồng và anh ninh, trật tự, hướng dẫn giao thông cho luồng xe.
An ninh thắt chặt tại khu vực tổ chức Lễ khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM
Tại điểm cầu Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và lãnh đạo ban ngành, chính quyền đã đến khu vực tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đến dự Lễ khởi công Dự án tại điểm cầu Đắk Lắk
Nhà thầu sẵn sàng thi công ngay sau Lễ khởi công
Ông Trần Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Tập đoàn CIENCO4
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Tập đoàn CIENCO4 cho biết, Tập đoàn CIENCO4 tự hào được Bộ GTVT, Ban QLDA6 lựa chọn là một trong các nhà thầu thi công Dự án.
Để phục vụ lễ khởi công Tập đoàn CIENCO4 đã huy động ngay 10 thiết bị gồm máy đào, lu, ủi về công trường. Sau khi khởi công nhà thầu sẽ thi công ngay.
Trong đó, đồng loạt triển khai 6 mũi thi công, 1 mũi thi công đường, 2 mũi thi công cọc khoan nhồi, 1 mũi thi công trạm trộn BTXM và bãi đúc dầm, 1 mũi thi công các hạng mục phụ trợ: đường công vụ, hệ thống lưới điện,... quyết tâm đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Người dân phấn khởi, đến từ sáng sớm
Tại điểm cầu Buôn Ma Thuột, trời nắng đẹp, chính quyền, người dân địa phương có mặt tại khu vực tổ chức Lễ khởi công từ sớm, mừng rỡ đón đoàn lãnh đạo Bộ GTVT và tỉnh Đắk Lắk.
Đoàn xe chở Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và lãnh đạo Bộ GTVT tham dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 tại Đắk Lắk
Ông Võ Chương, bí thư Đảng ủy xã Cư Đrăm
Ông Võ Chương, Bí thư Đảng ủy xã Cư Đrăm cho biết: Xã Cư Đrăm là xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn, chưa bao giờ có sự kiện lớn như vậy, nên người dân rất vui mừng.
"Từ đường Trường Sơn Đông đang được thi công, nay lại có tuyến cao tốc đi qua địa bàn, giúp đời sống nhân dân trong tương lai thoát nghèo bền vững và no ấm hơn", ông Chương chia sẻ.
Y Pôt Mlô (bên trái) trao đổi với PV Báo Giao thông
Anh Y Pôt Mlô, người dân xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) chia sẻ anh rất phấn khởi, vui mừng và đồng thuận cao với với dự án.
"Người dân chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong công tác GPMB, để dự án triển khai đúng tiến độ, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, giúp đời sống của người dân được nâng cao".
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vui mừng trong ngày khởi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1
Phối cảnh dự án đường Vành đai 3 TP.HCM
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 76 km đi qua 4 địa phương: TP.HCM (hơn 47 km), các tỉnh: Đồng Nai (hơn 11 km), Bình Dương (gần 11 km), Long An (gần 7 km).
Dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần, gồm: 4 dự án thành phần xây dựng, 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh/thành phố.
Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h.
Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), đầu tư không liên tục. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương.
Theo kế hoạch, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 117,5 km. Điểm đầu tại nút giao giữa QL.26B và QL.1 (Km1415+250), khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Điểm cuối tại vị trí giao cắt khoảng Km12+450 đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, thuộc địa phận huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có quy mô quy hoạch 4 làn xe.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn thiện, mặt cắt ngang 24,75m đối với đoạn Km0+000 - Km7+700 (nút giao cao tốc Bắc - Nam phía Đông).
Đoạn Km7+700 - Km117+500 (cuối tuyến) sẽ được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m, bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục. Tại các vị trí công trình hầm, một số cầu qua địa hình khó khăn, yếu tố kỹ thuật phức tạp và các đoạn nền đường đào sâu, đắp cao theo quy mô hoàn thiện.
Với phương án trên, tổng mức đầu tư chung của cả dự án là gần 22.000 tỷ đồng.
Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km32+000) với chiều dài khoảng 32 km thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5 km thuộc địa phận 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản.
- Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48 km thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản.
Theo kế hoạch, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài gần 54 km.
Giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư quy mô 4 - 6 làn xe theo từng đoạn tuyến, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Giai đoạn hoàn thiện, tuyến cao tốc sẽ được mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe. Tổng mức đầu tư chung dự án là 17.837 tỷ đồng.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 (Km0 - Kml6) với chiều dài khoảng 16 km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 2 (Km16 - Km34+200) với chiều dài khoảng 18,2 km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 3 (Km34+200 - Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5 km, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản.
Theo lộ trình đề ra, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026
Theo Báo Giao thông