Thực tế số phụ phí “thời tiết nắng nóng gay gắt” của Grab không đến tay tài xế, mà tính cả vào tỷ lệ chiết khấu
Sự việc ứng dụng gọi xe Grab vừa thu thêm một loại phí mới được gọi là phụ phí “thời tiết nắng nóng gay gắt” 5.000 đồng/chuyến xe như giọt nước tràn ly đối với người tiêu dùng Việt.
Cũng dễ hiểu nỗi bức xúc của người tiêu dùng Việt khi quyền lợi bị xâm hại nghiêm trọng. Không chỉ phí “thời tiết nắng nóng gay gắt”, khi sử dụng dịch vụ của Grab họ phải gánh thêm nhiều loại phụ phí khác như phí giờ cao điểm, phí ban đêm, phí tắc đường, phí lễ, Tết...Số phụ phí này khiến giá cước của chuyến xe cao ngất ngưởng.
Còn nhớ, bước đầu chập chững vào thị trường Việt Nam, Grab đã đổ tiền tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại, thậm chí có những chuyến xe 0 đồng để thu hút tài xế và tạo thói quen cho người dùng.
Với cách làm đó, chỉ trong thời gian ngắn, Grab đã có được vị trí thống lĩnh thị trường gọi xe qua ứng dụng. Nhưng giờ đây, khi đã đạt được mục tiêu, Grab bắt đầu cắt gần hết các khuyến mại và tận thu thêm các loại phí để bù lại các chi phí đã bỏ ra.
Không chịu nổi việc tăng phí vô tội vạ này, nhiều người đã quay lưng và sử dụng dịch vụ của các hãng vận tải khác. Không ít tài xế cũng đã “vỡ mộng”, doanh thu giảm sút nên cũng đã bán xe tìm công việc khác.
Trở lại với câu chuyện phí “thời tiết nắng nóng gay gắt”, cần thấy rằng, thời tiết bất thường, thiên tai, địch họa…là các tình huống bất khả kháng. Khi có các biến động này, việc giữ ổn định về giá sẽ góp phần quan trọng giữ ổn định chung cho xã hội.
Thực tế số phụ phí “thời tiết nắng nóng gay gắt” không đến tay tài xế, mà tính cả vào tỷ lệ chiết khấu. Khách hàng và người chạy xe đủ đường vất vả, còn tiền lại chạy vào túi của ứng dụng gọi xe.
Sau hơn hai năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhiều người dân đã kiệt quệ về tài chính, Chính phủ và các Bộ ban ngành đưa ra các gói cứu trợ, giảm thuế xăng dầu để bình ổn giá tiêu dùng, giảm bớt khó khăn cho người dân.
Thế nhưng, khi xã hội, người dân đang phải đối mặt với các tác động khách quan mang tính cực đoan, Grab lại lợi dụng để tăng giá, thu thêm phụ phí. Có thể nói, việc tăng giá cước của Grab đã tạo thêm sự bất ổn định của xã hội.
Xét ở khía cạnh khác, theo thống kê, Grab đang chiếm khoảng 80% thị phần thị trường vận tải xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Theo quy định pháp luật, với tỷ lệ này, Grab đang độc quyền.
Khi doanh nghiệp nào đó độc quyền thị trường họ sẽ áp đặt giá, phí và buộc người tiêu dùng phải chấp nhận để tận thu. Các loại phí vô tôi vạ phải chăng là hệ quả của lợi thế độc quyền đem lại cho Grab?
Quy định pháp luật về chống độc quyền của Việt Nam đã đầy đủ. Tuy nhiên, nó có phát huy tác dụng hay không phụ thuộc phần lớn vào sự quan tâm vào cuộc xử lý các vi phạm của lực lượng chức năng. Khi vi phạm được xử lý cũng thể hiện vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng.
Đi lại là nhu cầu cơ bản của mỗi người dân nên không thể buông lỏng. Nhất là khi chi phí vận tải ảnh hưởng lớn đến đầu vào của các ngành khác.
Cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với Grab. Không thể để một doanh nghiệp độc quyền tự đặt ra luật chơi, thu đủ loại phí trên sự vất vả của người lao động.
Theo Báo Giao thông