Nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm thu giá linh hoạt theo giờ cao điểm, thấp điểm trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Trong khi QL5 cũ đang gồng mình vì quá tải, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện đại nhất cả nước lại chưa khai thác hết 50% công suất thiết kế. Để khai thác hiệu quả, thu hút phương tiện đi cao tốc, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm tính đến giải pháp thu giá linh hoạt theo giờ cao điểm, thấp điểm...

Cao tốc hiện đại “ế khách”

Ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho biết, hiện tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chưa khai thác hết 50% công suất thiết kế, lưu lượng xe vẫn còn rất thấp, kể cả vào các khung giờ cao điểm. Để nâng cao hiệu quả khai thác, ông Chiến cho biết, nhà đầu tư đang nghiên cứu, tính toán để tiến hành giảm phí cho các loại phương tiện từ năm 2018, khi tuyến đường QL5 bắt đầu được sửa chữa, đại tu nhằm thu hút phương tiện đi vào tuyến cao tốc và đảm bảo giao thông cho QL5.

“Chúng tôi dự kiến, sẽ giảm sâu mức phí tuyến cao tốc (sẽ chỉ cao hơn mức phí của QL5 không đáng kể) để thu hút lưu lượng và đảm bảo giao thông cho QL5 trong quá trình sửa chữa, đại tu”, ông Chiến nói và cho biết, mức giảm cụ thể bao nhiêu sẽ được tính toán trước khi tiến hành sửa chữa, đại tu QL5. Nhà đầu tư sẽ thử nghiệm phương án giảm phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong một thời gian nhất định. Nếu giải pháp này đem lại hiệu quả, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ cho phép hạ mức phí của tuyến cao tốc, còn không hiệu quả, dự án sẽ quay lại mức thu giá như hiện nay”, ông Chiến chia sẻ.

"Hiện, lưu lượng giao thông trên tuyến QL5 đã quá tải, chủ yếu là các phương tiện vận tải hàng hóa tải trọng lớn, làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyến đường và tốc độ khai thác. Trong khi tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng với công suất thiết kế 70.000 lượt xe/ngày đêm. Tuy nhiên, đến nay lưu lượng khai thác mới đạt 25.000 - 30.000 lượt xe/ngày đêm”.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng Phó tổng cục trưởngTổng cục Đường bộ VN

Liên quan đến việc thu giá linh hoạt, ông Chiến cho biết, giải pháp này cũng được tính tới, nhưng nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu bây giờ, nâng mức phí vào khung giờ cao điểm, không rõ có hút được phương tiện đi vào cao tốc không.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho biết, đầu năm 2017, đơn vị đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT chấp thuận phương án điều tiết giao thông trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, VEC kiến nghị điều chỉnh mức cước phí tăng gấp 2 lần vào các khung giờ cao điểm (từ 7h - 19h) và điều chỉnh giảm 1/2 mức phí vào giờ thấp điểm (từ 19h-7h sáng hôm sau) so với mức phí đang áp dụng.

“Đề xuất thu giá theo giờ cao điểm, thấp điểm là một trong những phương án để điều tiết giao thông bằng hình thức kinh tế nhằm khuyến khích các phương tiện đi vào các giờ thấp điểm và thông qua hình thức này để chủ phương tiện tự điều tiết”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, đề xuất của VEC đến nay vẫn chưa được Bộ GTVT chấp thuận vì một số vướng mắc liên quan đến quy định của Thông tư 35/2016/BGTVT về mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.

Ông Hoàng Triệu Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết, để hút thêm xe cho tuyến cao tốc, Sở GTVT Hải Phòng kiến nghị Bộ GTVT có lộ trình giảm phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đặc biệt với loại hình xe container, xe tải ở mức gần như tương ứng với mức phí trên tuyến QL5. “Vidifi nên nghiên cứu, đề xuất Chính phủ phương án điều chỉnh giá sử dụng dịch vụ đường bộ cho xe container, xe tải theo hướng giảm giá vào giờ thấp điểm và tăng giá trong giờ cao điểm”, ông Hùng nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho rằng, phương án điều chỉnh giá sử dụng dịch vụ đường bộ cho xe container, xe tải theo hướng giảm giá vào giờ thấp điểm và tăng giá trong giờ cao điểm cũng rất khả thi. Doanh nghiệp sẽ tính toán nguồn hàng, cân đối để đi vào giờ thấp điểm.

Lưu lượng xe lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng còn rất thấp, kể cả các khung giờ cao điểm

Doanh nghiệp được quyền linh động giá cước

Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long cho biết, đối với sử dụng tài sản cố định, doanh nghiệp có thể phân hóa giá bằng cách bán cho những đối tượng khác nhau hoặc ở những thời điểm khác nhau, ví dụ như có thể phân hóa giá xe khách, xe container theo thời điểm. Trong bối cảnh tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chưa sử dụng hết công suất, tuyến QL5 cũ lại đang quá tải sẽ gây lãng phí.

“Đây cũng là giải pháp cần tính tới để khuyến khích những người không phụ thuộc vào thời gian, còn những đối tượng phụ thuộc thời gian, hành trình cố định không thể áp dụng cách này. Vào giờ cao điểm giảm giá người dân sẽ đi vào cao tốc, đây cũng là hình thức giảm giá và cũng là cách giải quyết nguyên nhân phí cao. Cách này cũng không vi phạm Luật Giá, doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa công suất tuyến đường và điều tiết giảm tải cho tuyến đường”, TS Long nói.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng, cũng cần nhìn nhận, mấu chốt vấn đề là phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng quá cao nên người sử dụng phải đi đường 5 cũ. Vì vậy, cần giải quyết gốc vấn đề về mức phí. Theo vị chuyên gia này, giải quyết vấn đề phí cao có thể theo hai cách: Một là, giảm phí, hai là phân hóa thời gian di chuyển của phương tiện. Doanh nghiệp được quyền chủ động điều tiết giá nhưng không được cao quá mức giá nhà nước quy định.

Ở góc độ khác, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, khó áp dụng theo phương án này vì đa số xe kinh doanh vận tải mới cần tính toán lựa chọn tuyến đường. Đã là kinh doanh, phải theo lộ trình, kế hoạch đặt hàng của khách hàng, không thể đi đêm xong lại nghỉ ngày. Lưu lượng chạy ban ngày chắc chắn nhiều hơn ban đêm. Nếu sử dụng giải pháp này không khác nào tăng phí, doanh nghiệp lại càng khó khăn. Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cả ban ngày và ban đêm đều vắng xe, để giải quyết ùn tắc, mới nên áp dụng phân chia lưu lượng xe. Hoặc có thể theo phương án giảm giá vé ban ngày và tăng vào ban đêm.

Theo Giao Thông