Ngay sau cuộc họp Thường trực Chính phủ, chiều mùng 4 Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính có mặt tại Ninh Bình, dự lễ khánh thành dự án Cao Bồ - Mai Sơn, một đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020.
Khẳng định cao tốc Bắc - Nam phía Đông là một trong những đột phá của hạ tầng giao thông cần tập trung đầu tư, Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân giúp dự án đúng tiến độ.
Đó là nhờ tin tưởng giao cho địa phương. Khi phân cấp, “đừng sợ người ta không làm được, không ai có trách nhiệm hơn chính địa phương có dự án chạy qua”.
“Sợ nhất là không dám giao thôi. Đây là mấu chốt của vấn đề. Phân cấp, phân quyền phải đi đôi với kiểm tra giám sát, đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực cán bộ.
Nếu lo không biết bơi, đưa ra bể bơi sẽ chết đuối thì không bao giờ làm được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông lưu ý, trong giải phóng mặt bằng, muốn tư tưởng người dân thông thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Tư tưởng thông rồi thì làm việc gì cũng thuận.
"Tư tưởng không thông thì bình tông cũng nặng", ông nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tổng kết, đúc rút các kinh nghiệm nhanh chóng điều chỉnh cách làm, tổ chức công việc cho các dự án cao tốc khác. "Chúng ta quyết tâm xây dựng được 5.000 km cao tốc trong những năm tới. Còn rất nhiều việc phải làm, nếu không có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược thì không bao giờ làm được", Thủ tướng nhấn mạnh.
Riêng đối với việc lựa chọn nhà thầu thi công dự án, ông lưu ý cần phải lựa chọn kỹ năng lực của nhà thầu, đừng chia nhỏ các gói thầu, đừng có hình thức “quân xanh, quân đỏ”, phải tránh tiêu cực, lợi ích nhóm.
Từ dự án Cao Bồ - Mai Sơn, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban QLDA quản lý các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư.
Ngay trong chiều mùng 4 Tết, Thủ tướng trực tiếp ra công trường, kiểm tra công tác thi công các dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu qua địa phận các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An, thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Sau khi kiểm tra thực địa, Thủ tướng yêu cầu họp ngay với lãnh đạo các bộ, ban ngành và lãnh đạo các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế để kiểm điểm tiến độ của dự án này.
Có 2 vấn đề nổi cộm được Thủ tướng nhấn mạnh là mặt bằng và mỏ vật liệu làm cao tốc.
“Không phải cứ vận động, tuyên truyền cho người dân bàn giao mặt bằng là xong, là vỗ tay hoan hô mà phải quan tâm tới đời sống người dân, nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, năm sau phải tốt hơn năm trước”, Thủ tướng chỉ đạo.
Về quản lý mỏ vật liệu (đất, cát, đá…), Thủ tướng chỉ rõ, giao cho tư nhân khai thác là đúng với quy định của pháp luật hiện hành nhưng chưa phù hợp với thực tế triển khai công trình trọng điểm của quốc gia.
Để tháo gỡ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với các bộ, ban, ngành các địa phương rà soát lại, sửa đổi ngay trong năm 2022 những quy định chưa phù hợp.
Ngày mùng 5 Tết, Thủ tướng tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình, giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại các dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm - Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây.
Tại hiện trường, sau khi chúc Tết công nhân thi công cao tốc, Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra công tác thi công và có nhiều chỉ đạo “nóng” gỡ vướng cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tại công trường cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, bên trong hầm Núi Vung, trước đề xuất thưởng, phạt nếu chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thành dự án đảm bảo, chất lượng, hoàn thành vượt tiến độ theo hợp đồng, Thủ tướng chỉ đạo: “Làm tốt thì phải thưởng, làm chưa tốt phải phạt”.
Người đứng đầu Chính phủ giao trực tiếp lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế về thưởng, phạt.
Sau khi thị sát công trường thi công, Thủ tướng chủ trì họp kiểm điểm tiến độ các dự án này.
Ông băn khoăn trong 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc phía Đông, tới nay mới có đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành.
Từ đó, ông nêu một số bài học kinh nghiệm. Chẳng hạn như trong giao nhiệm vụ “ai làm tốt nhất thì giao"; một nhà thầu thi công 3-4 km mà làm trong 2-3 năm tức là không đủ năng lực.
Thủ tướng trăn trở về quy định hiện hành với dự án hợp tác công tư (PPP). Thực tế cho thấy tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hiện phần vốn nhà nước khoảng 60%, vốn ngoài nhà nước khoảng 40%, trong khi Luật đầu tư PPP (có hiệu lực sau khi dự án được thông qua) đang quy định vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng vốn đầu tư.
Thực hiện theo Luật thì sẽ bỏ lỡ gần 40% vốn của các nhà đầu tư trong dự án.
Một vấn đề khác được ông yêu cầu các bộ ngành cùng xem xét, đó là các dự án PPP (đối tác công tư) có đơn giá bình quân không quá 150 tỷ đồng/km đường, nhưng các dự án đầu tư công thì bình quân trên dưới 200 tỷ đồng/km…
Sau chuyến kiểm tra dự án cao tốc Bắc - Nam, mùng 6 Tết, Thủ tướng trực tiếp thị sát, kiểm tra tiến độ dự án sân bay Long Thành.
Tại buổi kiểm tra, Thủ tướng đã đánh giá cao nỗ lực của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có nhiều nỗ lực để triển khai ngay hạng mục san lấp mặt bằng.
Tuy nhiên Thủ tướng cũng lưu ý thời gian tới các Bộ, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ với nhau vì tiến độ hiện nay chậm.
Làm sao phải đảm bảo hoàn thành đưa vào khai thác sân bay Long Thành giai đoạn 1 trong năm 2025. “Ai không làm được thì đứng sang một bên để người khác làm”, ông chỉ đạo.
Cùng ngày mùng 6 Tết, Thủ tướng trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2.
Khi nghe báo cáo về tiến độ dự án, đặc biệt là việc vướng mắc trong tìm kiếm nguồn vật liệu cát phục vụ thi công, Thủ tướng tỏ ra khá bức xúc.
Ông cho rằng Nghị quyết 60 và Nghị quyết 113 của Chính phủ đã mở ra nhiều hướng để giải quyết những vướng mắc về nguồn vật liệu cho các dự án cao tốc.
Tuy nhiên các địa phương đã giao mỏ đất, cát cho các tư nhân khai thác, quản lý. Khi nhà nước triển khai thi công cao tốc phải mua lại đất, cát của tư nhân với giá rất cao.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trưởng làm việc với các địa phương trong việc cấp phép khai thác nguồn cát.
Thủ tướng chỉ rõ tình trạng nhiều chủ mỏ găm vật liệu trong lúc chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc, khiến cản trở tiến độ, nâng giá, gây cạnh tranh không lành mạnh và nảy sinh nhiều tiêu cực, tạo nguy cơ "mất tiền, mất thời gian, mất cán bộ"…
Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là công trình có kỹ thuật cao, là cầu dây văng đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam thiết kế, thi công và thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách trong nước.
“Chúng ta đã thi công xuyên Tết và tinh thần là xuyên tiếp. Tổ chức thay ca, thay kíp, 3 ca 4 kíp để đầy nhanh tiến độ. Song song với đẩy nhanh tiến độ là nâng cao chất lượng và kiểm soát an toàn lao động", Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt trong những ngày đầu năm mới.
Theo Báo Giao thông