Cùng với đó, mưa dông đã làm sập 345,9 ha diện tích lúa hè thu đang sắp vào vụ thu hoạch, khả năng thiệt hại từ 30% trở lên.

Đặc biệt, đã xuất hiện 9 vụ sạt lở đất ven sông, phá hủy 154 m đường, trong đó có 107 m đường bê-tông.

Sóng biển có những lúc vượt qua mặt đê biển Tây, để lại nhiều bùn và cây. Các lực lượng tại chỗ tiến hành dọn dẹp nhằm đảm bảo thông suốt giao thông. Ảnh: TRẦN NGUYÊN

Hiện mưa dông vẫn đang tiếp tục tác động xấu trên toàn địa bàn, làm nhiều cây lớn ngã đổ, gây ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện.

Tại cống Cây Bàng trên tuyến Thị trấn U Minh - xã Khánh Hội (huyện U Minh) vào chiều nay, nhiều cây xanh bị gió mạnh xô ngã ra tuyến đường, gây ách tắc giao thông. Người dân và các lực lượng tại chỗ đã nhanh chóng dọn dẹp hiện trường, khôi phục lại giao thông.

Tại bờ kè thuộc hệ thống đê nằm trong khu vực Khu du lịch Hòn Đá Bạc, sóng biển dâng cao, có lúc đánh tràn qua mái đê. Trên tuyến đê biển Tây, nhiều vị trí ngay tại những thời điểm dông lốc nổi lên, sóng biển cũng đã tràn qua mặt đê trong thời gian ngắn.

Sóng biển phủ trùm lên hệ thống mái đê tại Khu du lịch Hòn Đá Bạc. Ảnh: TRẦN NGUYÊN

Liên tục trong mấy ngày qua, từ ngày 7-11/7, trên địa bàn các huyện ven biển liên tục xảy ra mưa dông diện rộng và triều cường bất thường, đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản và ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân.

Tại địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, vào đêm 10/7 rạng sáng ngày 11/7 xảy ra mưa dông và gió giật mạnh đã làm tốc mái 2 căn nhà dân. Đến khoảng 11 giờ ngày 11/7 tiếp tục xảy ra triều cường dâng cao bất thường làm ngập nhiều nhà dân, gây thiệt hại tài sản của bà con. Nước dâng cao nên rác và phù sa tràn ngập đường đi và tràn vào nhà dân, khiến sinh hoạt bị xáo trộn.

Do thời gian nước dâng và gió giật mạnh diễn ra quá nhanh nên nhiều người dân không kịp trở tay. Tính đến 17 giờ ngày 11/7, trên địa bàn thị trấn Sông Đốc có 70 căn nhà bị tốc mái, 3 căn nhà bị sập; điểm trường Tiểu học 6 Sông Đốc bị tốc la-phông; sập 1 cổng chào tại khóm 9, thị trấn Sông Đốc. Thiệt hại về tài sản vẫn chưa thống kê chính xác.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Công an, Quân sự được huy động, phối hợp chính quyền các địa phương nhanh chóng hỗ trợ, giúp dân di dời người già, trẻ em, tài sản vào nơi có vị trí cao; những hộ dân có nhà tranh, cất bằng cây gỗ địa phương thì được ở nhờ các hộ có nhà xây bằng tường kiên cố.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Đốc giúp dân di dời tài sản và người vào nơi an toàn. Ảnh: LÊ KHOA

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thành lập đoàn công tác do Đại tá Phạm Minh Giang, Chính ủy BĐBP tỉnh, chỉ huy trực tiếp đã có mặt tại địa bàn thị trấn Sông Đốc để phối hợp các đoàn công tác của UBND huyện Trần Văn Thời trực tiếp chỉ đạo lực lượng giúp dân và vận động nhân dân không ở lại tại nhà trong ban đêm, nhanh chóng di dời đến những nơi an toàn để tránh trú.

Hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Đốc và Hải đội Biên phòng 2 được huy động xuống từng địa bàn xung yếu để giúp dân di dời người và tài sản có giá trị về nhưng nơi tránh trú đảm bảo an toàn.

Đến 20 giờ tối nay 11/7, nước đã rút nhưng gió và mưa nhỏ vẫn còn, vì vậy, lực lượng BĐBP vẫn bám nắm địa bàn, phối hợp các lực lượng tiếp tục vận động dân di dời vào nơi tránh trú an toàn; đồng thời, giúp dân di dời tài sản và giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản cho nhân dân.

Đại tá Phạm Minh Giang, Chính ủy BĐBP tỉnh, trực tiếp khảo sát tình hình dọc hai bên bờ sông cửa biển Sông Đốc và chỉ đạo công tác giúp dân khắc phục hậu quả triều cường. Ảnh: LÊ KHOA

Liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ việc tai nạn trên biển do các phương tiện khai thác thuỷ sản trong điều kiện thời tiết xấu, gây nhiều thiệt hại cho người dân. 

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, dự báo trong 24 giờ tới, rãnh áp thấp Tây Bắc - Đông Nam nghiêng dẫn trục về phía Nam sau có vị trí qua khu vực Trung Bộ nối với vùng áp thấp trên khu vực giữa biển Đông có khả năng mạnh thêm. Gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh trên các vùng biển phía Nam. Vùng biển ngoài khơi phổ biến nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, thiên tai trong mùa mưa bão năm 2022 được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.

Ông Nguyễn Thanh Tùng thông tin, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc trong thời gian tới, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương thực hiện tốt các nội dung tại Công văn số 75/BCH-PCTT, ngày 7/7/2022 của Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về việc chủ động ứng phó với khả năng xuất hiện tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin về tình hình thời tiết, thiên tai, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân trong việc thực hiện đầy đủ các quy định về việc đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thông tin liên lạc và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật khi tham gia khai thác thuỷ sản trên biển; thực hiện đúng khuyến cáo, yêu cầu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khi có bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết xấu và gió mạnh trên biển... để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra, vào cửa biển, tuyệt đối không cho phép ra biển hoạt động đối với tàu cá không đủ điều kiện hoạt động theo quy định hiện hành. (ảnh minh hoạ: KIM CƯƠNG)

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện ven biển và các đơn vị có liên quan kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra, vào cửa biển, tuyệt đối không cho phép ra biển hoạt động đối với tàu cá không đủ điều kiện hoạt động theo quy định hiện hành, kể cả các phương tiện thuỷ nội địa tham gia khai thác thuỷ sản ven bờ; thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo người dân không ra khơi đánh bắt khi có điều kiện thời tiết xấu (bão, áp thấp nhiệt đới, sóng to, gió mạnh trên biển...). Phối hợp với UBND cấp xã tiếp tục củng cố các tổ, nhóm khai thác ven bờ đã thành lập: tăng cường kiểm tra, kiểm soát các trang thiết bị an toàn trên tàu khi ra biển hoạt động, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các cửa biển không có đồn, trạm kiểm soát.

Ông Tùng kiến nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thuỷ sản tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp phép hoạt động khai thác thuỷ sản cho các tàu có đủ điều kiện; tham mưu báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, có hướng xử lý kịp thời đối với các tàu cá không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm, đặc biệt là các tàu cá khai thác thuỷ sản ven bờ; tiếp tục triển khai hiệu quả các quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, ngoài việc phục vụ quản lý còn để góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, tăng cường quản lý, tuyên truyền đến các chủ phương tiện thủy nội địa biết những nguy cơ tiềm ẩn có thể cướp đi sinh mạng con người khi sử dụng các phương tiện thủy nội địa (chủ yếu là vỏ composite hoặc võ gỗ nhỏ không đảm bảo công năng, không đảm bảo an toàn tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển) cho người dân biết để tránh.

UBND các huyện, TP Cà Mau, đặc biệt là các huyện ven biển, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền khai thác thủy sản trên địa bàn quản lý, đặc biệt lưu ý đối với các tàu cá ven bờ không đảm bảo thủ tục, điều kiện hoạt động, các phương tiện thủy nội địa tham gia khai thác thủy sản để kịp thời có giải pháp ngăn chặn, xử lý. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại./.

Theo Báo Cà Mau