Anh Hóa bên chiếc xe cứu thương miễn phí của mình. Ảnh: Anh Phúc.

 

Nhiều tháng nay người dân ở TP Sóc Trăng nể phục việc làm thiện nguyện của anh Nguyễn Thanh Hóa (42 tuổi), khi bỏ ra hàng hàng trăm triệu đồng mua ôtô đưa đón người bệnh có hoàn cảnh khó khăn miễn phí.

Anh Hóa cho biết, hơn 20 năm trước, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, anh và anh em trong gia đình phải chạy xe ôm trước cổng bệnh viện ở Sóc Trăng.

"Tôi đã chứng kiến những khó khăn của các bệnh nhân nghèo, những lần chạy xe thấy ai đó khổ tôi không lấy tiền", anh Hóa nói và cho biết, ước mơ có được chiếc xe chở nhiều người bệnh cũng xuất phát từ đó.

Sau nhiều năm vật lộn với cuộc sống, kinh tế gia đình anh Hóa khấm khá hơn. Ngoài việc mở tiệm cửa sắt, anh còn nhận các công trình xây dựng dân dụng để kiếm thêm thu nhập.

Hồi giữa năm nay, anh Hóa quyết định thực hiện ước mơ của mình khi mua lại ôtô thanh lý, loại 16 chỗ rồi bỏ thêm tiền đi "đại tu", và đăng ký chuyển thành xe chuyên dụng với đầy đủ thiết bị y tế như xe cứu thương.

"Tổng chi phí đầu tư gần 500 triệu đồng, tôi được gia đình và người thân ủng hộ nên vui lắm", anh Hóa chia sẻ.

Có được điều kiện giúp người nghèo, người đàn ông này không kể ngày hay đêm, hễ khi có người gọi đến yêu cầu giúp đỡ anh đều không từ chối. Riêng bệnh nhân nghèo tử vong tại bệnh viện, anh cũng đưa xe đến chở thi thể về nhà miễn phí.

Bác sĩ Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết, ở địa phương tuy cũng có một số đơn vị, tổ chức làm việc thiện nguyện, song việc một cá nhân có tâm như anh Hóa là việc làm hết sức ý nghĩa, đáng để khuyến khích.

Trước khi mua xe để chuyển bệnh miễn phí, anh Hóa được nhiều bác sĩ hướng dẫn phương pháp sơ cấp cứu người bệnh. Anh trực tiếp cầm lái trên dưới 7 lượt mỗi tuần chở người bệnh vào các bệnh viện ở Sóc Trăng, Cần Thơ và TP HCM.

Những chiếc xe cứu người miễn phí

Chiếc xe cứu thương nhỏ với dòng chữ "cấp cứu tai nạn miễn phí 24/24" lao đến. Cửa sau xe mở ra, mọi người vội vã đưa người bị nạn vào nằm trong lòng xe. Ngay lập tức xe lao tới cơ sở y tế gần nhất.

Sau khi đo huyết áp, bác sĩ khẳng định: "Nếu bệnh nhân đến trễ một chút không biết chuyện gì sẽ xảy ra".

Sáng ngày 5/9/2017, do huyết áp lên cao đột ngột, tài xế xe bồn bị ngất xỉu ở cổng KCN 3. Anh Thông đã hỗ trợ chở bệnh nhân đi cấp cứu. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trên đây là câu chuyện được một người dân kể lại khi chúng tôi có dịp về khu vực KCN Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Nơi đây đất rộng, người đông, xe cộ lưu thông dày đặc, tai nạn và những mối hiểm nguy luôn chờ chực.

Bà con còn kể cho chúng tôi nghe, trước đây, mỗi khi tai nạn xảy ra người xem đông nhưng khá nhiều người thờ ơ với việc cứu người. Nạn nhân thường được chuyển đi bằng xe gắn máy, xe ba gác... khi đến được cơ sở y tế thì đã quá nặng.

"Gần đây có một người cải tiến chiếc xe tải thành xe cứu thương. Chỉ cần một cuộc gọi, vài phút sau xe có mặt và nạn nhân được chuyển ngay vào bệnh viện", một người dân kể.

Người này tiếp tục: "Rạng sáng ngày 14/9 vừa qua, trời đang mưa to thì một sản phụ ở ấp Bến Cam chuyển dạ. Chị này đang có bệnh trong người khiến người chồng vô cùng bối rối.

Lúc này, anh chợt nhớ đến chiếc xe cứu thương và gọi vào số điện thoại được anh ghi sẵn. Không lâu, xe đến tận nhà và đưa sản phụ đi thẳng đến bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) kịp thời".

Câu chuyện càng lúc càng sôi nổi hơn khi chúng tôi được biết tất cả những lần chuyển viện đó đều được miễn phí hoàn toàn. Dù xa hay gần, dù ngày hay đêm, chiếc xe cứu thương đó đã hoạt động không ngừng nghỉ và đã cứu nhiều trường hợp thoát chết trong gang tấc.

Người được bà con nhắc đến là anh Trần Huy Thông, 47 tuổi, ở xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch. Anh là người có 2 chiếc xe được cải tiến thành xe cứu thương phục vụ bà con.

Số điện thoại được anh công bố rộng rãi và từ đó, những trường hợp tai nạn hoặc những ai gặp hiểm nguy về sức khỏe gọi đến đều được anh đáp ứng.

Khởi nghiệp từ tay trắng

Anh Thông quê huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ). Xuất thân từ gia đình nghèo, từ nhỏ anh đã phải nặng nợ mưu sinh.

Từ công việc đồng áng đến những việc không tên ai thuê gì anh làm nấy miễn sao có tiền phụ giúp gia đình. Đến năm anh 13 tuổi, mẹ anh qua đời. Nỗi nhọc nhằn lại càng đè nặng lên vai anh.

Nhận thức được phải học mới có tương lai, anh vừa làm vừa học thêm bổ túc hết cấp 1 đến cấp 2, cấp 3 rồi sau đó vào đại học Luật. Cuộc sống của anh cứ thế trôi đi theo ngày tháng.

Anh đã từng chứng kiến những hoàn cảnh khi xảy ra tai nạn không được cấp cứu kịp thời. Những mảnh đời bất hạnh vì bệnh tật đành phải buông xuôi phó thác cho số mệnh. Điều đó đã luôn thôi thúc anh, nếu một ngày nào đó có điều kiện anh sẽ ra tay giúp người.

Sau đó, anh xây dựng gia đình với một người con gái đất An Giang. Họ đều thấu hiểu và cảm thông cho những phận người kém may mắn. Chị cũng như anh đều có một tấm lòng với người nghèo, đều tâm nguyện đến một ngày nào có điều kiện sẽ san sẻ với bà con những vui buồn trong cuộc sống.

Anh chị Trần Huy Thông luôn có tiếng nói chung trong việc làm từ thiện.

Mãi ở quê khó có điều kiện vươn lên, năm 2002, lúc 32 tuổi, anh cùng cả gia đình lên Đồng Nai và bắt đầu khởi nghiệp.

Tại đây, anh làm nhân viên bảo vệ cho một công ty ở huyện Nhơn Trạch. Dường như anh có duyên với nghiệp bảo vệ, sau một tháng, anh được thăng chức ca trưởng và chỉ 3 năm sau, năm 2005, anh được đề bạt làm giám đốc chi nhánh.

Trong suốt thời gian làm bảo vệ, anh kể lại: "Trong những lúc đi tuần, tôi phát hiện nhiều tai nạn xảy ra. Người xem thì đông nhưng người dũng cảm cứu nạn nhân thì ít. Bởi tôi hiểu đã nhiều trường hợp giúp người lại mang họa. Nỗi day dứt cứ mãi theo tôi... ".

Cái nghèo đã theo vợ chồng anh trong nhiều năm giờ đây chính là lúc anh chị bứt phá. Những căn nhà trọ của họ mọc lên, hồ bơi 600 m2 được đưa vào khai thác đã giúp cho cuộc sống của gia đình anh khởi sắc hơn ...

Năm 2010, có được số vốn nhất định, anh thành lập công ty bảo vệ riêng. Trong nhiều năm sau đó, anh có đủ điều kiện để thỏa mãn ước mơ của mình. Tháng 6/2017, anh bắt đầu sắm chiếc xe đầu tiên đưa vào hoạt động từ thiện cứu người bị nạn trên các nẻo đường...

"Từ thiện cho đến khi không còn có thể... "

Nhu cầu cấp cứu ngày càng tăng cao. Anh quyết định mua thêm một chiếc nữa. Hai chiếc xe cứu thương của anh Thông hoạt động suốt ngày đêm. Anh thuê 3 tài xế để phục vụ 3 ca trong ngày. Trường hợp nhiều vụ xảy ra cùng lúc, chính anh tham gia cùng anh em nhanh chóng đến hiện trường.

Chiếc xe cấp cứu thứ 3 đã được mua chờ chuyển giao (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Một tài xế của anh Thông cho biết: "Mỗi người được anh trả lương 6 triệu/tháng làm việc 8 giờ/ngày. Anh nghiêm cấm chúng tôi nhận tiền của bất cứ ai. Trong trường hợp nạn nhân vì đau đớn mà to tiếng cũng phải vui vẻ mà giúp họ".

Từ ngày chiếc xe đầu tiên lăn bánh đến nay, hai xe của anh Thông đã giúp được hơn 100 trường hợp. Anh cho biết: "Có ngày tin báo về dồn dập, tai nạn xảy ra liên tiếp khiến chúng tôi không còn xe để điều động buộc lòng phải đưa xe nhà vào cứu giúp".

Anh vui mừng báo với chúng tôi, anh vừa chuyển xong số tiền để mua một chiếc xe mới đúng nghĩa là xe cứu thương để tăng cường cho số xe đang có. Chiếc xe mới này cũng sẽ về nay mai cùng tham gia công tác thiện nguyện.

Nội thất của xe thứ 3 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

"Những việc làm của chúng tôi đòi hỏi khá nhiều tốn kém. Tuy nhiên, mức độ tốn kém này còn nằm trong khả năng nên chúng tôi tâm nguyện sẽ còn làm từ thiện cho đến khi không còn có thể", anh trải lòng.

Nguồn Vn.Express.net