Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 sẽ hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 đi qua địa phận Hậu Giang khoảng 37km và được xác định là dự án thành phần 3. Điểm đầu dự án thành phần 3 ở ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang; điểm cuối dự án thành phần 3 thuộc địa bàn thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Dự án đi qua huyện Châu Thành A khoảng 11km; đi qua huyện Phụng Hiệp gần 26km. Tổng diện tích dự kiến thu hồi đất để thực hiện dự án thành phần 3 khoảng 260ha. Dự án thành phần 3 sẽ có 3 nút giao liên thông với Quốc lộ 61C, giao với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và giao với Đường tỉnh 927. Dự kiến vốn bố trí cho dự án thành phần 3 trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 6.800 tỉ đồng.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hậu Giang, đến nay tỉnh đã hoàn thành tham vấn cộng đồng, phê duyệt dự án đầu tư, hoàn thành hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, bàn giao xong cọc mốc giải phóng mặt bằng. Dự kiến đến ngày 30-5 sẽ bàn giao 70% mặt bằng để khởi công dự án.
Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, cho biết: Sở xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, do vậy trong tháng 2 này, đơn vị sẽ tập trung nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt các gói thầu để phục vụ công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật. Tổ chức lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật để thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Triển khai công tác điều tra, khảo sát mỏ vật liệu, tìm kiếm nguôn vật liệu để phục vụ cho dự án. Tham mưu UBND tỉnh phân chia gói thầu làm cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, UBND huyện Châu Thành A, UBND huyện Phụng Hiệp khẩn trương kiểm đếm, thống kê toàn bộ diện tích của dự án, làm cơ sở xây dựng phương án bồi thường, tái định cư của dự án. Ngoài ra, đơn vị tham mưu UBND tỉnh về thủ tục đầu tư 2 khu tái định cư trên địa bàn huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng còn chậm so với kế hoạch của UBND tỉnh giao. Do vậy, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh phối hợp UBND huyện Châu Thành A và UBND huyện Phụng Hiệp khẩn trương kiểm đếm, đo đạc, áp giá chi trả bồi hoàn trong tháng 4, đến ngày 30-5 phải bàn giao ít nhất 70% diện tích.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thời gian tới Sở Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dựa trên cơ chế đặc thù đề xuất tiêu chí phân chia gói thầu, tiêu chí lựa chọn nhà thầu để chuẩn bị khởi công dự án. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp hoàn chỉnh năng lực để chuẩn bị tiếp nhận quản lý dự án cao tốc trục ngang. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tham mưu UBND tỉnh có văn bản giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư thực hiện 2 khu tái định cư phục vụ cao tốc.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 sẽ hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long qua các tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư. Kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam. Tạo dư địa, động lực không gian phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Trong buổi làm việc mới đây với các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: Nghị quyết của Trung ương đặt mục tiêu đến năm 2025 phải có 3.000km đường cao tốc, năm 2030 phải có 5.000km. Với nhu cầu như vậy thì mục tiêu trong vòng 4 năm tới phải hoàn thành 2.000km cao tốc (trong đó có tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng). Đây là một nhiệm vụ khó khăn nhưng chúng ta phải quyết tâm làm cho bằng được. Phó Thủ tướng nêu rõ, phát triển mạng lưới cao tốc được xác định là một trong những động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nên các tỉnh, thành phố phải chủ động triển khai 3 dự án. Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tư vấn giám sát xây dựng tiến độ triển khai dự án, khung chính sách một cách cụ thể, thực hiện song song vừa thiết kế, vừa cắm mốc giải phóng mặt bằng, đảm bảo đến tháng 6-2023 giải phóng mặt bằng được 70%.
Theo Nghị quyết số 91 của Chính phủ, các địa phương sẽ bàn giao cọc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày 20-1-2023. Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước ngày 25-11-2022. Phê duyệt dự án thành phần trước ngày 20-1-2023. Khởi công dự án trước ngày 30-6-2023. Phấn đấu bàn giao 70% diện tích bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày 30-6-2023. Cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023. |
Theo Báo Hậu Giang