Nhân viên đăng kiểm thực hiện quy trình kiểm định xe cơ giới tại trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các trung tâm đăng kiểm chủ động công việc, có khó khăn phải báo cáo ngay Cục Đăng kiểm Việt Nam để được tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời, dứt khoát không được để thời điểm trước và sau Tết xảy ra ùn tắc đăng kiểm.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Đăng kiểm Việt Nam vào chiều 3/1, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, biến cố của lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới vừa qua là chưa từng có trong lịch sử lĩnh vực đăng kiểm cũng như ngành giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân và doanh nghiệp.
Đánh giá đây là bài học xương máu, để từ đó thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót, rút ra bài học kinh nghiệm khắc phục trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lưu ý Cục Đăng kiểm Việt Nam không được chủ quan, lơ là, hiện nay hoạt động của đăng kiểm đã cơ bản từng bước ổn định song để vận hành một cách bền vững cần gia cố thêm.
Cụ thể, Cục Đăng kiểm Việt Nam duy trì tốt năng lực kiểm định, hoạt động kiểm định phương tiện xe cơ giới, phương tiện thủy nội địa trên cả nước, chủ động kịp thời xử lý các trường hợp phát sinh để đảm bảo các trung tâm đăng kiểm phục vụ một cách kịp thời, đầy đủ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, nhất là trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán, đặc biệt hết sức lưu ý tại các địa phương có lưu lượng phương tiện đăng kiểm lớn.
“Các trung tâm đăng kiểm chủ động công việc, có khó khăn phải báo cáo ngay Cục Đăng kiểm để được tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời, dứt khoát không được để thời điểm trước và sau Tết xảy ra ùn tắc đăng kiểm đồng thời cần đẩy mạnh đăng ký kiểm định qua mạng, ưu tiên phục vụ tốt, không để tình trạng chen ngang gây mất niềm tin của người dân,” người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải chỉ đạo.
Cục Đăng kiểm cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá, giảm thời gian thực hiện thủ tục đăng kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, từ đó, giảm tiếp xúc giữa người dân và cán bộ, góp phần giảm tiêu cực.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm cần chủ động trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để đảm bảo lực lượng lao động, đăng kiểm viên phục vụ công tác kiểm định phương tiện của người dân, doanh nghiệp, tránh bị động đội ngũ đăng kiểm sau khi các vụ án đăng kiểm được đưa ra xét xử.
“Cục Đăng kiểm tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống tham nhũng; tập trung kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là tình trạng bỏ hạng mục công đoạn kiểm tra, kiểm tra không đúng quy trình, đánh giá không đúng tình trạng kỹ thuật phương tiện,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Báo cáo tại hội nghị, theo ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2023, đăng kiểm trải qua những khó khăn, thách thức chưa từng có, sự thiếu hụt rất lớn nhân lực, nhất là lực lượng đăng kiểm viên khiến nhiều trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động trong quý 1/2023; tâm lý của công chức, viên chức, người lao động các đơn vị đăng kiểm hoang mang, lo lắng.
Tuy nhiên, ông Hải cho biết hiện có 270/288 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm đang hoạt động trên toàn quốc với 439/537 dây chuyền kiểm định (chiếm khoảng 81,8% năng lực kiểm định toàn hệ thống năm 2022).
Năm 2023, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã kiểm định gần 4,8 triệu lượt phương tiện; hơn 3,71 triệu lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; gần 1,1 triệu lượt phương tiện không đạt phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm cũng tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, đánh giá đăng kiểm viên, tổ chức 23 lớp tập huấn nghiệp vụ trong các lĩnh vực đường bộ, đường thủy, tổ chức 30 đợt đánh giá cho 495 đăng kiểm viên xe cơ giới, công nhận mới 287 đăng kiểm viên, 272 đăng kiểm viên bậc cao nhằm bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị đăng kiểm; tổ chức 4 lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm tra đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới cho 51 Sở Giao thông Vận tải, 30 đơn vị đăng kiểm trên cả nước.
“Đến nay, Cục Đăng kiểm cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, đáp ứng nhu cầu đăng kiểm phương tiện, thiết bị của người dân, doanh nghiệp, từng bước lấy lại niềm tin của nhân dân, được xã hội đồng tình ủng hộ,” ông Hải nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đặc biệt, từ tháng 6/2023 đã giải quyết tình trạng ùn tắc phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm, cùng với việc ban hành Thông tư 02/2023 và Thông tư 08/2023 của Bộ Giao thông Vận tải đã khắc phục một số hạn chế, bất cập tồn tại lâu dài, giúp giảm chi phí, thời gian của người dân, doanh nghiệp, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Đưa ra nhiệm vụ năm 2024, Cục Đăng kiểm tiếp tục tham gia xây dựng Luật Đường bộ (sửa đổi) và Luật Trật tự, an toàn giao thông; có các giải pháp dài hạn để ổn định công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ; tiếp tục triển khai Nghị định 30/2023 và Thông tư, hướng dẫn mới ban hành.
Cục Đăng kiểm sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương, đơn vị đăng kiểm thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định các đơn vị đăng kiểm qua hệ thống camera giám sát, kiểm soát dữ liệu kiểm định phương tiện, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; đổi mới thiết bị, công nghệ có khả năng tự động hoá nhằm ngăn ngừa tác động của con người; bổ sung, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Theo Báo Công an TPHCM