"Nhà nước đang bao cấp hạ tầng hàng không"
Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa tại cảng hàng không nhóm B (Phú Bài, Liên Khương, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Đồng Hới, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Phù Cát, Thọ Xuân) tăng 15%.
Mức giá này tại các cảng hàng không nhóm A (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Cát Bi, Vinh, Cần Thơ) sẽ được áp bằng 115% nhóm B. Với nhóm C (Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá) sẽ thu bằng 60% mức giá tương ứng tại cảng hàng không nhóm B.
Bên cạnh đó, các mức giá dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không, giá phục vụ hành khách quốc nội (thu từ hành khách) áp dụng tại các Cảng hàng không tương ứng với nhóm A, B, C lần lượt là 100.000 đồng, 80.000 đồng và 60.000 đồng/khách (tăng 42% nhóm A và 33% nhóm B), giá dịch vụ sân đậu tàu bay… cũng được đề xuất điều chỉnh tăng.
Khẳng định việc đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ hàng không được đưa ra trên cơ sở kiến nghị của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, ACV đang kinh doanh, khai thác 22 Cảng hàng không trên cả nước, mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa đã được duy trì trong vòng 5 năm. So với bình quân khu vực ASEAN, mức giá này chỉ bằng 32-72% tùy loại tàu bay.
“Cục Hàng không thấy kiến nghị của ACV là hợp lý trong bối cảnh vận tải hàng không phát triển ‘nóng’, gây áp lực lớn lên hạ tầng hàng không. Thực tế, giá thu phí dịch vụ cảng hàng không, sân bay đối với các chuyến bay quốc nội của Việt Nam hiện quá thấp so với khu vực, đặc biệt chênh lệch rất lớn so với giá các chuyến bay quốc tế,” ông Thanh đánh giá.
Cụ thể, giá dịch vụ điều hành bay đi đến quốc nội đối với tàu bay A320 và A321 trên đường bay dưới 250km tại Việt Nam hiện là 1,35 triệu đồng/lượt điều hành cất/ hạ cánh (bình quân khu vực ASEAN là 4,7 triệu đồng); đối với đường bay từ 250km trở lên với loại tàu bay này là 3,02 triệu đồng (giá bình quân của các nước ASEAN là 5,3 triệu đồng); giá dịch vụ cất hạ cánh với tàu bay A320 của Việt Nam hiện là 111,5 USD/chuyến bay (giá bình quân các nước trong khu vực ASEAN là 204 USD/chuyến bay)…
“Với các mức giá dịch vụ Cảng hàng không, sân bay như vậy là quá thấp, chẳng khác nào Nhà nước hiện phải bao cấp hạ tầng cho các hãng hàng không,” Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định.
Đại diện các hãng hàng không thừa nhận, việc tăng phí dịch vụ Cảng hàng không, sân bay chắc chắn sẽ tác động đến giá vé máy bay của các hãng vì chi phí đầu vào tăng.
Theo lãnh đạo hãng hàng không Vietjet Air, nếu áp dụng mức điều chỉnh tăng rất mạnh giá các dịch vụ hàng không của ACV và Cục Hàng không sẽ làm tăng chi phí hãng lên hơn 200 tỷ đồng trong năm 2017, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của hãng cũng như các hãng hàng không nội địa.
Chất lượng dịch vụ không tăng?
Trong khi đó, đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific cho rằng, việc tăng 2 loại giá dịch vụ này không tác động trực tiếp đến các hãng hàng không nhưng tác động đến cơ cấu giá vé và giá dịch vụ trong tổng tiền phải trả cho một chiếc vé trong khi chưa chắc chất lượng dịch vụ sẽ tăng vì các sân bay đều đã và đang quá tải.
Do đó, đại diện các hãng hàng không đánh giá, các hãng hàng không khó có thể điều chỉnh ngay lập tức việc tăng giá vé máy bay bởi còn liên quan đến chiến lược phát triển cũng như yếu tố cạnh tranh hiện nay đồng thời kiến nghị Cục Hàng không tính toán, cân đối phần tăng thêm này để giảm thiểu tác động lên giá vé máy bay.
Để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, việc tăng giá sẽ có lộ trình và mức tăng phù hợp. Hiện các hãng hàng không đang bán vé máy bay dưới giá thành do tính cạnh tranh, đây chính là việc phát triển không có tính bền vững.
“Các hãng hàng không phải tính toán lại, cơ cấu lại dải giá vé máy bay một cách phù hợp. Nhà nước tăng giá dịch vụ Cảng hàng không, sân bay nhưng không nới trần giá vé máy bay. Bởi vậy, sẽ ít ảnh hưởng đến hành khách,” ông Thanh nhấn mạnh.
Theo Vietnam+ - Thiên Ân St