Kiên Giang nâng cao công tác quản lý vận tải thủy từ bờ ra đảo
Hiện nay, Sở GTVT tỉnh Kiên Giang đang quản lý 10 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo hoạt động theo các quy định pháp luật đường thủy nội địa. Có 12 doanh nghiệp với 22 phương tiện đăng ký hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định được Sở GTVT tỉnh Kiên Giang chấp thuận hoạt động trên 4 tuyến gồm: Hà Tiên - Tiên Hải, Ba Hòn - Hòn Heo, Rạch Giá - Hòn Tre và Rạch Giá - Hòn Sơn Rái.
Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang được giao quản lý 10 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo theo quy định pháp luật hàng hải. Hiện có 5 doanh nghiệp đang hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên 4 tuyến gồm: Rạch Giá - Nam Du, Rạch Giá - Bãi Vòng, Hà Tiên - Bãi Vòng và Hà Tiên - Đá Chồng.
Hoạt động quản lý các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo tại tỉnh Kiên Giang được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, số lượng ngày càng phát triển, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Công tác kiểm tra an toàn vận tải luôn được chú trọng, không để xảy ra sự cố nào nghiêm trọng. Thông qua các hoạt động vận tải thủy từ bờ ra đảo đã bảo đảm nhu cầu dân sinh tại các đảo, từng bước góp phần phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải Phương tiện và Người lái (Sở GTVT tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Sau khi được Bộ GTVT thống nhất cho địa phương gia hạn thời gian chuyển đổi, đến nay việc chuyển đổi phương tiện thủy VR-SI sang VR-SB tuyến cố định đang thực hiện rất tốt (100% chủ phương tiện làm hồ sơ chuyển đổi), còn các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tự phát chở du khách tham quan quanh các đảo chậm chuyển đổi vì khó khăn về kinh phí bởi những chiếc tàu được đầu tư chỉ vài chục triệu đồng. Trong khi chuyển đổi sang VR-SB, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng nên đến nay mới được 80% hộ dân làm hồ sơ chuyển đổi”.
“Để đảm bảo tàu, thuyền hoạt động an toàn trên các tuyến và quanh các đảo, thời gian tới các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, phối hợp quản lý hoạt động, kinh doanh của các phương tiện. Sở GTVT đã gia hạn và thông báo với các chủ phương tiện, nếu ngày 30/6/2018 các phương tiện không chuyển đổi qua VR-SB chúng tôi sẽ không cấp phép hoạt động”, ông Tấn cương quyết.
Các doanh nghiệp, chủ phương tiện kiến nghị không nên bắt buộc phải trang bị ra-đa và phao định vị vệ tinh trên tàu VR-SB hoạt động trên tuyến vì việc đầu tư trang thiết bị rất tốn kém, trong khi đặc điểm của luồng tuyến Hà Tiên - Phú Quốc, Rạch Giá - Nam Du, Rạch Giá - Hòn Tre, Rạch Giá - Hòn Sơn Rái... có cự ly ngắn, nhiều đảo nối liền và có nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định ra-đa là thiết bị hàng hải rất quan trọng phục vụ cho việc điều động tránh va khi tàu hành trình và hỗ trợ cho tàu khi ra, vào cầu cảng. Việc lắp đặt thiết bị ra-đa là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho phương tiện, hành khách cũng như thuyền viên trên tàu. Phao định vị vệ tinh là thiết bị có tác dụng tự động báo vị trí tàu khi tàu bị chìm, hỗ trợ rất nhiều trong công tác tìm kiếm, cứu nạn khi có tai nạn, sự cố xảy ra. Vì vậy, trên tuyến Hà Tiên - Phú Quốc, Rạch Giá - Nam Du, Rạch Giá - Hòn Tre và Rạch Giá - Hòn Sơn Rái... chỉ nên xem xét miễn giảm lắp đặt phao định vị vệ tinh đối với các phương tiện cấp VR-SB chở hàng.
Ông Đỗ Tiến Vinh - Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Kiên Giang cho biết: “Công tác đăng kiểm các phương tiện thủy trên địa bàn được thực hiện đúng quy trình và được siết chặt nhằm đảm bảo công tác an toàn trong quá trình hoạt động. Việc chuyển đổi phương tiện VR-SI qua VR-SB hiện nay còn bất cập vì phải gửi hồ sơ tới Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định rồi mới cấp phép sẽ gây mất thời gian. Vì vậy, cần có phương án đăng kiểm ngay tại địa phương, từ đó sẽ rút ngắn thời gian và thuận tiện cho doanh nghiệp”
Theo Tạp chí Giao thông