Những kẻ “lội ngược dòng”...
Hơn một năm qua, thị trường ô tô trong nước đã chứng kiến sự thu hẹp sản xuất một số mẫu xe quen thuộc của các thương hiệu như Toyota, Honda... do sức ép cạnh tranh gay gắt với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia. Thế nhưng vẫn có một số hãng duy trì sản xuất, thậm chí mở rộng với quy mô lớn hơn.
Thương hiệu ô tô Mitsubishi Motors của Nhật Bản, lần đầu tiên sau 23 năm hoạt động ở Việt Nam, đã cho lắp ráp mẫu xe Outlander và bắt đầu xuất xưởng hồi đầu năm nay. Giá bán giảm khoảng 200 triệu đồng/chiếc so với xe nhập khẩu nguyên chiếc của năm 2017. Theo lãnh đạo Mitsubishi Motors Việt Nam (MMV), việc này thể hiện cam kết đầu tư lâu dài của Mitsubishi Motors và mong muốn đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam.
EcoSport – Ford
Không chỉ Mitsubishi, hồi tháng trước, Ford Việt Nam cũng bắt đầu giao mẫu xe EcoSport mới được lắp ráp cho khách hàng. Theo ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, để đáp ứng kế hoạch sản xuất mẫu xe mới này, hãng đã đầu tư thêm hàng triệu đô la Mỹ vào dây chuyền sản xuất ở nhà máy tại tỉnh Hải Dương. Đáng chú ý, vào cuối tháng 3 vừa qua, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã khánh thành nhà máy sản xuất xe Mazda với công suất giai đoạn 1 là 50.000 chiếc/năm. Dự án nhà máy tại khu kinh tế mở Chu Lai này có vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng với tổng công suất 100.000 chiếc ô tô/năm vừa được chuyển giao công nghệ mới của tập đoàn Mazda (Nhật Bản).
Trong khi đó, Hyundai Thành Công đã không còn nhập khẩu xe mà chuyển sang lắp ráp trong nước. Đại diện của hãng này cho biết, theo kế hoạch, 90-95% mẫu xe du lịch của Hyundai phân phối tại thị trường Việt Nam trong năm 2018 sẽ là xe lắp ráp trong nước. Không những vậy, hoạt động lắp ráp của doanh nghiệp này còn hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khu vực ASEAN.
Việc mở rộng hoạt động lắp ráp ở trong nước của các thương hiệu nêu trên được cho là một hướng đi mạo hiểm của những kẻ lội ngược dòng. Bởi lẽ ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam hiện đang bị cho là kém cạnh tranh hơn các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), quy mô thị trường ô tô Việt Nam chỉ bằng một phần sáu Indonesia, bằng một phần năm Thái Lan. Quy mô nhỏ nhưng lại hiện diện nhiều mẫu xe, dẫn đến sản lượng của mỗi mẫu xe là rất nhỏ, khiến chi phí sản xuất tại Việt Nam có thể cao hơn tới 20%. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô ở Việt Nam cũng kém hơn hai quốc gia này. Một số liên doanh đã thu hẹp dần hoặc từ bỏ lắp ráp tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Dù vậy, cũng có ý kiến nhận định việc một số hãng có động thái mở rộng sản xuất là do họ không bị cạnh tranh trực tiếp từ các thị trường khác trong khu vực. Như trường hợp của Ford Việt Nam, ngoài mẫu xe EcoSport, thương hiệu ô tô Mỹ này vẫn duy trì lắp ráp ba mẫu xe Focus, Fiesta và Transit. Lý giải điều này, ông Dũng cho rằng đó là do việc kinh doanh các mẫu xe này vẫn tăng trưởng đều trong những năm gần đây. Cả bốn mẫu xe đều không được lắp ráp tại các nhà máy khác của Ford ở Thái Lan hay ở Indonesia nên không bị ảnh hưởng khi thuế suất thuế nhập khẩu từ hai thị trường này về 0%.
Cũng tương tự, cho tới nay, tập đoàn Mazda chưa có nhà máy riêng với quy mô lớn trong khu vực ASEAN. Mazda có nhà máy liên doanh tại Thái Lan nhưng sản lượng thấp và chủ yếu sản xuất dòng xe bán tải (pick-up). Hiện chỉ có Thaco của Việt Nam sản xuất các mẫu xe du lịch Mazda và đây là bước đệm để nhà sản xuất ô tô trong nước này hướng tới xuất khẩu. Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, chỉ cần nhà máy đạt sản lượng 50.000 chiếc/năm trở lên thì hãng hoàn toàn có thể giảm giá thành và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đây cũng là lý do mà Thaco mạnh dạn đầu tư nhà máy quy mô lớn, hiện đại trong khu vực Đông Nam Á và đạt chuẩn toàn cầu của Mazda Nhật Bản.
Outlander – Mitshubishi
Còn với tập đoàn Mitsubishi, việc quyết định lắp ráp xe Outlander ở Việt Nam vì dòng xe này trước nay được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật - nơi không nằm trong tác động chính sách thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc của khu vực ASEAN. Lãnh đạo Mitsubishi đánh giá Việt Nam là một trong những công xưởng quan trọng và là thị trường tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á nên đã quyết định mở rộng đầu tư. Trong chuyến thăm và làm việc với các cơ quan quản lý Việt Nam hồi tháng 1-2018, ông Kozo Shiraji, Phó chủ tịch Mitsubishi Motors, cho biết hãng này đang nghiên cứu kế hoạch xây dựng nhà máy ô tô thứ hai ở Việt Nam với mức đầu tư khoảng 250 triệu đô la Mỹ, công suất 50.000 xe/năm, hoạt động vào năm 2020.
Về phía Hyundai Thành Công, đại diện hãng này cho biết hoạt động lắp ráp của nhà máy tại Ninh Bình không bị cạnh tranh do chính sách thuế, bởi xe du lịch Hyundai thời gian qua chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Ấn Độ.
Nghị định 116 và sự mở đường của Thái Lan
Những hãng xe đang thu hẹp sản xuất và chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc (như Toyota, Honda, Suzuki, Isuzu...) được cho là bị cạnh tranh trực tiếp từ các nhà máy của chính họ ở Thái Lan hoặc Indonesia vốn có quy mô lớn hơn các nhà máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, Nghị định 116/2017 có hiệu lực vào đầu năm nay với những quy định được siết chặt (như yêu cầu về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại đối với ô tô chưa qua sử dụng - VTA) đã khiến cho hoạt động nhập khẩu xe gặp khó khăn, lượng xe nhập sụt giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, ý định quay trở lại hoạt động lắp ráp xe ở trong nước được xem là một trong những giải pháp cho các hãng ô tô có thể tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam. Như trường hợp của Toyota, theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban hoạch định chiến lược của Toyota Việt Nam (TMV), để khắc phục tình trạng không có xe nhập khẩu để bán ở thị trường trong nước, TMV đang cân nhắc việc tăng năng lực sản xuất và phát triển thêm một số mẫu xe mới.
Mặt khác, nếu lắp ráp ô tô trong nước, các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi mà quan trọng nhất là được hưởng thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô từ ASEAN ở mức 0% nếu đạt sản lượng quy định. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu linh kiện từ các khu vực khác cũng được đề xuất giảm từ 14-16% xuống còn 7-11%.
Nhưng Thái Lan, đất nước có ngành công nghiệp ô tô lớn nhất khu vực ASEAN đã không để cho các nhà máy ô tô của họ bị đình trệ xuất khẩu. Gần đây, chính phủ nước này đã đồng ý cấp giấy VTA cho các nhà nhập khẩu ở Việt Nam, và hiện Honda Việt Nam là hãng đầu tiên được nhập khẩu ô tô từ xứ sở chùa vàng kể từ khi Nghị định 116 có hiệu lực.
Chưa hết, Indonesia, quốc gia có ngành công nghiệp ô tô cạnh tranh với Việt Nam, cũng đã lên tiếng là sẽ xem xét cấp giấy VTA cho các nhà nhập khẩu Việt Nam. Điều này khiến một số chuyên gia cho rằng các nhà lắp ráp ô tô trong nước như TMV sẽ phải một lần nữa xem xét lại kế hoạch sản xuất của mình. Theo đó, hoặc chỉ sản xuất những dòng xe, mẫu xe không bị cạnh tranh trực tiếp từ các thị trường khác trong khu vực, như trường hợp Thaco, Mitsubishi Motors, Ford Việt Nam đã nói ở trên; hoặc sẽ cân nhắc thu hẹp sản xuất và chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc như một số hãng đã tính toán trước đó.
Theo giới chuyên gia, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hơn 20 năm qua (từ 1992 đến nay) vẫn dẫm chân tại chỗ vì chiến lược phát triển ngành này chỉ tập trung vào biện pháp đóng thuế nhập khẩu kinh kiện, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc để tạo áp lực cho những nhà đầu tư thực hiện nội địa hóa sản phẩm linh kiện. Đây là việc “không tưởng” vì các hãng ô tô, ngay tại chính hãng, cũng chỉ sản xuất chiều sâu được 36-45% các chi tiết của một chiếc xe, phần còn lại được những nhà sản xuất linh kiện cung cấp. Với thị trường chưa thực sự phát triển mà Việt Nam lại muốn điều phối tỷ lệ nội địa hóa chỉ thông qua chính sách ưu đãi thuế nói trên, thì không có nhà đầu tư nào muốn đầu tư sản xuất linh kiện thật sự.
Theo Thesaigontimes