Nhiều nơi tại Việt Nam đang bước vào mùa nắng nóng với nhiệt ngoài trời có lúc lên đến 39 độ C. Nhiệt độ cao có thể gây ra những tác hại rất lớn đến chiếc xe của bạn như vận hành, máy móc, nội thất, ngoại thất... nếu không được bảo vệ đúng cách.
Những tác hại của ánh nắng mặt trời đến xe của bạn
Việc đỗ xe thường xuyên dưới trời nắng trước tiên sẽ làm ảnh hưởng đến ngoại thất của xe. Lớp sơn của xe sẽ nhanh chóng bị phai màu, làm xe mau cũ, ảnh hưởng đến giá trị bán lại.
Ánh nắng mặt trời làm bảng táp-lô và các chi tiết bằng nhựa trong xe nhanh chóng bị xuống cấp. Ở nhiệt độ cao, nhựa dễ bị thay đổi tính chất sinh ra những mùi khó chịu về lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe chúng ta. Ngoài ra, chúng sẽ giảm tuổi thọ, dẫn đến dễ bị nứt hỏng.
Sức nóng khiến hệ thống làm mát dễ bị rò rỉ. Thường xuyên kiểm tra két nước làm mát để đảm bảo rằng két nước làm mát không bị cạn. Việc thiếu nước làm mát sẽ khiến động cơ dễ bị nóng, quá tải, làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của động cơ.
Lốp xe là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường nhựa. Khi trời nắng, mặt đường sẽ có nhiệt độ rất cao, việc không đảm bảo đúng áp suất lốp dẫn đến việc nổ lốp, khả năng gây ra tai nạn khi nổ lốp là hoàn toàn có thể xảy ra.
Cách khắc phục
Nếu bắt buộc phải đỗ xe ngoài trời nắng, hãy sử dụng tấm che nắng để ánh nắng mặt trời không làm ảnh hưởng quá nhiều đến bảng táp-lô hay để ghế da không bị nứt nẻ.
Tấm che nắng có thể dễ dàng được gấp gọn và cất ở cốp chứa đồ. Ngoài ra, có một số dạng tấm che nắng hoặc bạt kích thước to hơn, có thể che phủ toàn bộ thân xe giúp xe được bảo vệ tốt hơn.
Sử dụng phim cách nhiệt sẫm màu cũng là một lựa chọn khá tốt để nội thất của xe tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời dẫn đến xuống cấp. Tuy nhiên, bạn phải đảm bảo tầm nhìn quan sát rõ ràng, tránh che mất tầm nhìn qua kính.
Luôn kiểm tra vạch mức nước làm mát trước chuyến đi để đảm bảo động cơ được làm mát ở mức tốt nhất. Bên cạnh đó, việc kiểm tra sẽ giúp phát hiện ra các tình trạng rò rỉ hoặc khô dầu do bốc hơi bởi sức nóng để nhanh chóng được khắc phục.
Đỗ xe quá lâu dưới trời nắng sẽ khiến không gian xe sản sinh ra các khí độc. Hãy hạ kính xuống ngay sau khi bước vào xe, mở quạt gió để đẩy không khí bên trong ngoài, đồng thời nhận vào không khí.
Bên cạnh đó, hãy hạ nhiệt độ máy lạnh từ từ, không nên hạ ngay nhiệt độ máy lạnh xuống thấp nhất vì việc này dẫn đến tình trạng quá tải cho dàn lạnh, khiến xe tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn, hay có thể gây ra tình trạng sốc nhiệt cho cơ thể.
Đặc biệt, không nên để trẻ em, hay thú cưng trong xe mà đóng hết các cửa dưới trời nắng. Nhiệt độ trong xe có thể lên khá cao dẫn đến tình trạng thiếu dưỡng khí, nhiễm độc, có thể dẫn đến tử vong. Theo ghi nhận của tổ chức An Toàn Trẻ Em & Ôtô (Mỹ), có đến 37 trẻ em bị tử vong mỗi năm do kẹt trong xe đỗ dưới trời nắng.
Có thể đặt kế hoạch di chuyển vào những thời điểm hạn chế nắng nóng nhất như buổi sáng hoặc chiều khi trời đã dịu mát để có chuyến đi dễ chịu hơn cho tài xế, hành khách và cả cho phương tiện của chúng ta.
Thường xuyên kiểm tra áp suất lốp, khi trời nắng nóng, cần để áp suất lốp thấp hơn mức lý tưởng một chút để đảm bảo sự giãn nở của không khí, tránh bơm quá căng.
Không nên đặt các vật liệu như chai nước, lon nước ngọt có ga, thiết bị điện tử, bật lửa, hay thực phẩm... khi đỗ xe dưới trời nắng. Việc đặt chai nước tưởng chừng như vô hại, thế nhưng hiện tượng khúc xạ ánh nắng qua chai nước có thể dẫn đến các vật liệu như da ghế dễ bắt lửa dẫn đến cháy nổ.
Bình chữa cháy chỉ có thể chịu nhiệt độ từ 50-55 độ C, thế nên chúng luôn được khuyến cáo để những nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, gây nên cháy nổ.
Theo Zing.vn